Hoa văn trên trang phục của người Tày

Thứ sáu, ngày 12/04/2013 09:55 AM (GMT+7)
Trang Phục của người Tày đơn giản một sắc chàm, nét đặc sắc thể hiện ở những mẫu hoa văn trên vải của họ.
Bình luận 0

Loại vải dệt hoa văn mầu đen trên nền vải trắng là loại vải để may mặt chăn, loại hình trang trí này phổ biến trong các dân tộc nói ngôn ngữ Tày-Thái, mà người ta còn dùng một thuật ngữ để gọi đồ án trang trí hoa văn như thế này là lái ăm - có nghĩa là vằn đồ đan, giống như các vằn nổi trên đồ đan. Họa tiết được kỷ hà hóa là chính để thích hợp với việc dệt trên khung dệt.

img
Trang phục cô gái Tày.

Bố cục họa tiết theo phương pháp ô quả trám có các đường viền xung quanh tạo thành các đường diềm gãy khác. Trong các ô quả trám là họa tiết cách điệu hóa hình họa, hình ngọn rau bầu, bí, là loại cây có liên quan nhiều đến nền văn hóa cổ, tín ngưỡng cổ của nhiều cư dân nông nghiệp ở phía Bắc nước ta, trong đó có người Tày. Các dân tộc Thái, Lào, Lự ở nước ta phát triển loại hình trang trí này rất đa dạng, phong phú.

Trên cơ sở của loại bố cục hoa văn một mầu đen trên nền trắng như thế này, người Tày lại phát triển trang trí theo một hướng khác, gài mầu vào từng đoạn họa tiết, từng mảng họa tiết tùy trình độ thẩm mỹ, ý thích của người dệt trên khung dệt thủ công, có tên gọi là thổ cẩm, mang ý nghĩa là một loại gấm của địa phương.

Thổ cẩm có loại hình vuông để may mặt địu, có thể thức bố cục hoa văn đăng đối tuyệt đối, bao gồm những diềm và hoa văn bỏ ô ở khu vực trung tâm trang trí. Ngoài ô quả trám đã xuất hiện các biến thể như ô hình tám cạnh, hình vuông, hình chữ nhật, tạo cho đồ án trang trí có đường nét cấu tạo phong phú hơn, đa dạng hơn.

Có loại thổ cẩm bố cục hình chữ nhật để làm mặt chăn, màn che. Những tấm màn che mà vị trí là ở các nơi thờ cúng tổ tiên, người ta thể hiện các đề tài liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, như thêm đường diềm ở phía trên - tương ứng với cõi Trời, có hình các vị thần linh, bảo hộ cho sự sống bình an của con người hoặc thêm đường diềm ở phía dưới - tương ứng với cõi Đất, có hình con ngựa, con chim là những hình tượng biểu trưng cho cuộc sống, cỏ cây, muông thú trên mặt đất như quan niệm về vũ trụ của dân gian.

Ngoài ra, còn có nhiều họa tiết khác nữa, như các chữ Hán-theo kiểu chữ triện, hồi văn phật giáo-chữ Vạn, Hoa đào, Hoa cúc cách điệu, hình mặt trời, ngôi sao tám cánh v.v.

Mầu sắc rực rỡ, sự phối hợp các màu nguyên sắc có độ tương phản cao bên nhau khá mạnh bạo. Có những hòa sắc trầm, dịu, hoặc sáng tươi, các sắc thái khác nhau cho thấy thổ cẩm Tày không gò bó trong quy thức hòa màu hạn chế nào, cho thấy sức sáng tạo phong phú và đa dạng của nghệ nhân nhiều thế hệ, đó cũng là những dấu ấn của sự phát triển trong trang trí dệt dân gian của người Tày để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống ngày một đa dạng phong phú, về các mặt văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc.

Bố cục hình vuông của thổ cẩm, bố cục hình chữ nhật của loại thổ cẩm làm mặt chăn hoặc màn che có quy định phía trên phía dưới - là những bố cục riêng có trong trang trí dệt của người Tày, mà các dân tộc anh em không có.

Theo Báo Lào Cai
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem