Gần 1 năm qua, chị Lường Thị Phức (SN 1985), ở bản Mường Lắc, xã Tô Múa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La chưa từng có một bữa ăn ngon, một giấc ngủ yên. Chưa bao giờ chị sợ hai từ “chẳng may” sẽ ập vào gia đình mình đến vậy. Con trai chị - cháu Lường Văn Hai (SN 2006) đã bị những cơn đau của căn bệnh ung thư máu hành hạ đến mức kiệt sức.
Đầu tháng 10/2023, sức khỏe xuống dốc trầm trọng, Hai liên tục chán ăn, nôn ra máu và đau bụng liên miên. Nghĩ bụng, chị Phức cùng chồng - anh Lường Văn Hoan (SN 1984) bắt chuyến xe từ sáng sớm, ra Hà Nội khám bệnh cho con. Trên chuyến xe lèn chặt người từ Sơn La đến Hà Nội, hai vợ chồng chỉ nhìn nhau không hé một lời. Họ không ngờ, từ buổi trưa hôm đó, gia đình mình sẽ rơi vào cùng cực bởi: Con trai bị ung thư máu.
Tay run run cầm tờ phiếu kết quả, chị Phức lặng người đi. Lần đầu tiên, chị cảm nhận nỗi đau tột cùng, nước mắt ứa ra. Đứa con trai chị yêu thương lại đang phải đối diện với căn bệnh quái ác. “Tôi chưa bao giờ nghĩ con trai mình lại phải nhập viện vì căn bệnh ung thư, thằng bé còn quá nhỏ. Sao ông trời lại bất công với con tôi đến vậy” - chị Phức nói trong nước mắt.
Vài hôm sau đó, vợ chồng chị Phức làm thủ tục nhập viện cho con. Từ một đứa trẻ khỏe mạnh, giờ đây Hai lại khoác lên mình chiếc áo bệnh nhân của Viện huyết học - Truyền máu Trung ương.
Đưa con trai vào phòng bệnh, chị Phức sững sờ khi xung quanh toàn là những đứa trẻ đầu trọc với những ống truyền cắm dày đặc trên tay. Trong phòng bệnh đó, có những đứa trẻ mới dăm ba tuổi, cũng có đứa chưa cai sữa mẹ, đứa nào cũng khóc, khóc chán lại ngủ lịm đi. Chứng kiến cảnh tượng nheo nhóc đó, chị không dám nghĩ những ngày tiếp theo ở viện con trai sẽ thế nào.
Vì phát hiện muộn, bệnh tình con trai đã trở nặng, Hai phải nằm cách ly, điều trị liên tục. Những ngày này, lòng chị Phức như lửa đốt vì chị hiểu rằng, con trai đang rất yếu.
Có lần, Hai đi vệ sinh, sẩy chân ngã, em nằm ngất lịm dưới sàn nhà. Cũng may có người trong phòng phát hiện, cõng em về giường và được cấp cứu kịp thời. Nhìn đứa con trai nhỏ nằm thoi thóp, tím tái mặt mày, người lạnh toát đi, chị khóc không thành tiếng.
Lau vội đi những giọt nước mắt, chị Phức rầu rĩ nói: “Bác sĩ bảo bệnh của con nặng lắm rồi nhưng nhà tôi quyết xin điều trị hóa chất cho con. Cứ mỗi lần nhìn thấy chai truyền nhỏ giọt, từ từ đi vào cơ thể của con, tôi lại thêm sợ hãi, sợ con không còn ở bên mình lâu nữa”.
Mỗi đợt truyền hóa chất, chị Phức lo lắng con không đủ sức chống chọi với hóa trị. Chị mua rất nhiều đồ ăn, từ cháo, sữa, bánh kẹo, … chỉ mong con ăn để lấy sức. Dù đã cố gắng nhưng Hai cũng không ăn nổi. Bởi em ăn được bao nhiêu là nôn hết ra, có lúc còn nôn ra máu. Nguồn dinh dưỡng duy nhất mà cơ thể Hai tiếp nhận được là bịch truyền đạm sữa đắt đỏ.
Hàng đêm, chị Phức nằm đọc những thông tin về cách chăm sóc người bệnh ung thư máu. Từ một người mẹ không hiểu nhiều về kiến thức y học, chị đã biết thế nào là bạch cầu tăng, xuất huyết, hóa trị, … Chị còn cẩn thận ghi lại từng triệu chứng bệnh của con, thấy con có biểu hiện khác thường, chị lập tức tìm gặp bác sĩ.
Những ngày này, chị Phức gần như thức trắng đêm để trông con. Tiếng chuông báo thức reng, chị cũng chợt giật mình, vội chạy đến, xoa người con trai. Chị không dám ngủ vì sợ con trai xảy ra chuyện, sợ phải hối hận vì không làm tròn trách nhiệm của người làm mẹ với con. Gương mặt hốc hác, tái nhợt nhưng chị vẫn luôn túc trực bên giường bệnh của con. Với chị, mỗi ngày trôi qua là một cuộc chiến giành lấy sự sống cho đứa con trai bất hạnh.
“Mình về nhà thôi mẹ”
Một tiếng, hai tiếng rồi ba tiếng, cơn ho của Hai cứ sặc sụa kéo dài. Chị Phức vội vàng vỗ ngực, tay xoa bóp cho con trai. Nhìn người mẹ hết lòng vì mình, Hai xót xa vô cùng. Em cũng không quên cảm tạ ông trời vì đã cho em có một gia đình, một người mẹ tuyệt vời.
Kết hôn hơn 20 năm, chị Phức với anh Hoan sinh được hai người con trai. Cuộc sống khốn khó nhưng đủ đầy tình cảm, cả nhà sống nương tựa nhau. Vốn thuộc hộ nghèo, lại không có ruộng cày cấy, gia đình chị Phức quanh năm chỉ quẩn quanh với đồi chè nhỏ. Từ ngày con biết con bị bệnh, hai vợ chồng thay phiên nhau, người đi làm kiếm tiền, người ở nhà chăm con.
Căn nhà nhỏ tại bản Mường Lắc là nơi sinh sống của gia đình chị Phức.
Mỗi vụ chè (2 tháng), gia đình chị thu được gần 3 triệu đồng. Toàn bộ tiền bạc đều dùng hết cho chi phí sinh hoạt và chữa bệnh cho con. “Cứ mỗi đợt điều trị, thuốc thang của con cũng tiêu tốn hơn 10 triệu đồng, nhà tôi đã vay ngân hàng 50 triệu đồng, vay cả anh em họ hàng. Những gì bán được tôi cũng bán hết rồi, giờ chỉ còn cách đi vay mượn chứ không biết xoay xở ra sao. Mà ngặt nỗi, bây giờ có muốn cũng không biết vay ai nữa” - chị Phức nghẹn ngào.
Mấy năm trước, anh Hoan cũng bị chẩn đoán mắc bệnh suy thận, không làm được việc nặng. Giờ đây, một mình chị Phức phải lo thuốc thang, điều trị cho 2 người bệnh trong nhà, kinh tế gia đình vốn đã chẳng dư giả nay lại thêm phần túng quẫn. Có những hôm đưa con đi viện, chị Phức lại tranh thủ làm phụ xây, kiếm thêm tiền để đỡ đần người chồng bệnh tật. Nghĩ đến gia cảnh ngặt nghèo, chị Phức bật khóc trong bất lực.
Hiểu được nỗi khổ của bố mẹ, Hai nằng nặc từ chối điều trị hoá chất. Dù có đau quằn quại, đau đến mức không thở nổi thì em vẫn kiên quyết: “Nhà mình nghèo, làm gì có tiền. Bệnh con sắp khỏi rồi, bố mẹ không phải lo đâu, mẹ cũng đừng đi phụ xây nữa. Mình về nhà thôi mẹ”.
“Tôi phải động viên mãi, điều trị không mất tiền thì cháu nó mới yên tâm truyền hóa chất. Lo lắng nhưng không dám hé nửa lời, dù thế nào cũng phải cố kiếm tiền chữa cho con. Tôi không nỡ nhìn con đau đớn, vật lộn với bệnh tật” - chị Phức rầu rĩ.
Chị Hà Thị Hoàng - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tô Múa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La chia sẻ thêm về hoàn cảnh gia đình chị Phức: “Gia đình chị Phức vốn thuộc hộ nghèo của xã, vợ chồng hay đau ốm, giờ lại thêm con trai bị bệnh ung thư, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện, thăm hỏi, giúp đỡ gia đình nhưng cũng chỉ được một phần. Rất mong các nhà hảo tâm trên cả nước quan tâm, hỗ trợ gia đình vượt qua thời gian khó khăn này”.
Giờ đây, mong ước lớn nhất của chị Phức là có đủ tiền điều trị bệnh và làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con. Hai cũng hy vọng sớm khỏi bệnh để đi làm, kiếm tiền báo đáp công ơn dưỡng dục của bố mẹ.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về
Chị: Lường Thị Phức, ở bản Mường Lắc, xã Tô Múa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Số điện thoại: 0817.402.149
Hoặc gửi về Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Số tài khoản: 2120524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.