Hội chợ nghề xưa đang diễn ra ở Hà Nội

Thứ sáu, ngày 09/08/2013 08:33 AM (GMT+7)
BQL phố cổ Hà Nội dành hơn một tháng (từ 26.7 đến 30.8) để trưng bày nét đẹp của 3 nghề thủ công truyền thống: tiện, sơn mài, mây tre đan (tại ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây), đình Đồng Lạc (38 Hàng Ðào), đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc).
Bình luận 0
Tôn vinh nghề xưa phố cổ Hà Nội
Vốn quý nghề xưa phố cổ Hà Nội
Nghệ thuật sắp đặt mây tre đan tại đình Kim Ngân (Hàng Bạc)
Những phố nghề Hà Nội đang mai một dần và có nguy cơ biến mất. Như phố Hàng Thiếc nay chỉ bán các sản phẩm bằng nhôm hay inox, phố Lò Rèn chỉ còn 1 – 2 người thợ rèn hành nghề, phố Hàng Bạc nay trở thành nơi giao dịch của các trung tâm du lịch lữ hành, phố Hàng Đào bán các sản phẩm thời trang…

Vì lẽ đó, triển lãm nghề xưa phố cổ vào dịp cuối tuần phần nào giúp du khách cũng như công chúng quan tâm tới văn hóa truyền thống có cơ hội hòa nhịp cùng đời sống của một số nghề xưa.

 Vốn quý nghề xưa phố cổ Hà Nội
Không gian làng nghề được tái hiện tại những địa chỉ văn hóa quen thuộc: Tại đình Ðồng Lạc (số 38 phố Hàng Ðào) đang trưng bày và giới thiệu sản phẩm nghề tiện của làng Nhị Khê (huyện Thường Tín) và các sản phẩm của các hộ dân phố nghề Tô Tịch.

Đây là một nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân làng Nhị Khê, khởi đầu với những sản phẩm như đồ thờ cúng, ống hương, bát nhang, mâm bồng, đài nến… được tiện, sau đó mang sơn son thếp vàng, tiếp đó là các sản phẩm dân dụng như chấn song, tay vịn cầu thang, chiếu gỗ, đệm gỗ, đồ nội thất…

Ngày nay, sản phầm của làng nghề tiện Nhị Khê rất phong phú, đa dạng, chất liệu không dừng lại ở gỗ mà còn có cả sừng, ngà, vỏ trai, đá… Để tiện tiêu thụ sản phẩm, người làng Nhị Khê mang lên phố Tô Tịch để bán, dần dần sau này cả phố chủ yếu là người làng tiện Nhị Khê sinh sống, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại phố cổ.

 Vốn quý nghề xưa phố cổ Hà Nội
Đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc) trưng bày và giới thiệu sản phẩm mây tre đan làng nghề Phú Vinh (Phú Nghĩa, Chương Mỹ). Làng nghề này hiện đang được biết đến với các sản phẩm đa dạng, từ thông dụng như rổ rá, túi xách… đến các sản phẩm tinh xảo như tranh, tượng, khung ảnh, khay, đĩa, lọ hoa, giường, tủ, bàn ghế… Nghề mây tre đan gắn liền với hầu hết người dân Phú Vinh.

Ở ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Ban Quản lý phố cổ giới thiệu về nghệ thuật sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội). Các sản phẩm trưng bày ở đây được làm theo lối truyền thống và hiện đại.

Bên cạnh đó, nghệ thuật sắp đặt, bài trí trong ngôi nhà cổ của người Hà Nội cũng được Ban Quản lý thể hiện và giới thiệu tính ứng dụng cao của nghệ thuật sơn mài đối với cuộc sống của cha ông ta thủa xưa và đời sống hiện nay… Những trưng bày của nghề truyền thống từng một thời "vang bóng” cho thấy sức sống bền bỉ của làng nghề vẫn đang thực sự hiện hữu.

Vốn quý nghề xưa phố cổ Hà Nội
Trưng bày các sản phẩm sơn mài tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. (Ảnh VGP)
Người làm nghề tự cứu mình

Đến với cuộc trưng bày, người xem cùng trò chuyện với nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (xã Phú Vinh, Chương Mỹ, Hà Nội) - người đã gắn bó với nghề hơn 40 năm qua. Ông đã tham gia và đạt được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Ông cũng là nghệ nhân có kỹ thuật cao trong cách tạo ảnh chân dung và phong cảnh bằng mây tre.

Vốn quý nghề xưa phố cổ Hà Nội
Theo ông Trung, dù mây tre đã qua thời vàng son, nhưng người dân vẫn gắn bó với nghề. Người làm nghề đã có những bước đột phá để tự cứu mình bằng cách cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Nếu như trước đây, sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ chủ yếu dùng làm đồ trang trí, lưu niệm, thì đến nay, người thợ làng Phú Vinh đã sáng tạo hàng loạt sản phẩm như đèn ngủ, đèn chùm, lọ hoa, bàn ghế, khay đựng hoa quả, khung tranh, khung ảnh... được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Ông Trung cũng cho biết: Mặc dù kỹ thuật làm nghề đã có nhiều thay đổi để bắt kịp với xu thế của thị trường nhưng kỹ thuật xử lý nguyên liệu của làng nghề Phú Vinh theo cách truyền thống vẫn được gìn giữ và đề cao nhằm tăng tính độc đáo cho sản phẩm. Ông Trung đến với triển lãm phố nghề Hà Nội lần này là để quảng bá một nghề truyền thống của Việt Nam chịu "làm mới” mình để thu hút được du khách trong và ngoài nước.

Đồng thời ông Trung cũng mong muốn bên cạnh những nỗ lực của người làm nghề thì Nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới chính sách phát triển làng nghề. Trong đó vai trò của người nghệ nhân đặc biệt quan trọng, vì họ có sứ mệnh nối dài truyền thống.

Vốn quý nghề xưa phố cổ Hà Nội
Sản phẩm chạm khắc gỗ được nhiều du khách ưa thích. (Ảnh: Hà Nội Mới)
Cùng đó, làng nghề sơn mài Hạ Thái có lịch sử hơn 200 năm cũng gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh chung. Làng nghề Hạ Thái có hơn 800 hộ gia đình nhưng đến nay chỉ còn trên dưới 400 hộ sản xuất. Vì vậy số lượng đơn đặt hàng cũng như doanh thu giảm còn 50 - 60%.

Hiện nay làng Hạ Thái đã được thành phố quy hoạch là một trong 6 điểm làng nghề du lịch, nhưng thời gian qua ngoài việc chuyển được các cơ sở sản xuất lớn ra vùng quy hoạch thì đến nay làng vẫn chưa thể thu hút được các tour du lịch, ngoại trừ các khách đơn lẻ tự tìm về với làng nghề.

Vốn quý nghề xưa phố cổ Hà Nội
(Ảnh VOV)
Trong lần trưng bày này, những người làm nghề đã mang những sản phẩm sơn mài đẹp mắt, chất lượng nhất cũng như mẫu mã phong phú đến với công chúng, với hy vọng tạo sức hấp dẫn đưa du khách về tham quan làng nghề. Tuy nhiên, theo một người thợ sơn mài thì họ tự xoay xở để phát triển chứ chưa có một kế hoạch dài hơi của Nhà nước dành cho sự tồn vong của làng nghề sơn mài.

Cùng đó, chính sách đối đãi với nghệ nhân cũng cần sớm được xem xét để kịp thời động viên những người gắn bó và giữ nghề từ nhiều đời nay…

Vốn quý nghề xưa phố cổ Hà Nội
Trưng bày và giới thiệu các sản phẩm làng nghề Nhị Khê tại Đình Đồng Lạc. Ảnh VGP/Quang Hiếu.

Triển lãm nghề xưa phố cổ kéo dài hơn một tháng để đón khách tham quan. "Điểm nhấn” văn hóa truyền thống này liệu có trợ giúp được nỗ lực vượt qua khó khăn mà người dân làng nghề đang phải đối mặt?
Đại Đoàn Kết (Theo Đại Đoàn Kết )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem