Hội Nông dân Nam Định xây dựng các chi, tổ hội theo nguyên tắc "5 tự, 5 cùng"

Mai Chiến Thứ năm, ngày 17/10/2024 11:28 AM (GMT+7)
Nhằm đẩy mạnh xây dựng Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, nhiều năm qua, Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã hướng dẫn Hội Nông dân các cấp khảo sát, lựa chọn, xây dựng các Chi, Tổ hội theo nguyên tắc "5 tự, 5 cùng".
Bình luận 0

Xây dựng Chi, Tổ hội theo nguyên tắc "5 tự, 5 cùng"

Ông Tô Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã gặt gái được nhiều kết quả đáng mừng.

Hội Nông dân Nam Định xây dựng các Chi, Tổ hội theo nguyên tắc "5 tự, 5 cùng" - Ảnh 1.

Nhiều năm nay, mô hình chăn nuôi ốc nhồi và sản xuất con giống của gia đình anh Nguyễn Văn Luận (thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Mai Chiến.

Theo đó, trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết, Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã cụ thể hóa thành chỉ tiêu giao.

Hướng dẫn Hội Nông dân các huyện, thành phố và cơ sở tổ chức khảo sát, lựa chọn, xây dựng các Chi Hội, Tổ Hội nông dân nghề nghiệp bảo đảm tiêu chí và nguyên tắc 5 tự: "Tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm".

Và, nguyên tắc 5 cùng: "Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; và cùng hưởng lợi".

Để các Chi, Tổ hội hoạt động có hiệu quả, hằng năm Hội Nông dân tỉnh Nam Định tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn xây dựng, duy trì hoạt động của mô hình Chi, Tổ hội trên địa bàn toàn tỉnh.

"Từ năm 2022 - 2024 tổ chức được 21 lớp cho trên 2.000 người là thành viên Chi, Tổ hội nông dân nghề nghiệp", Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định thông tin.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Nam Định, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình Chi hội, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã xuất hiện trên các lĩnh vực sản xuất như: Nuôi trồng, khai thác thủy sản, trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi, kinh doanh chế biến đồ gỗ mỹ nghệ…

Đến nay, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã trực tiếp hướng dẫn thành lập được 35 Chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 630 thành viên tham gia, 119 Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 1.728 thành viên tham gia.

Điển hình như: Chi hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản xã Mỹ Thắng, Chi hội nghề nghiệp sinh vật cảnh xã Mỹ Phúc (huyên Mỹ Lộc); Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm Phú Nghĩa (Yên Nghĩa, huyện Ý Yên).

Tổ hội nghề nghiệp "Trồng hoa cây cảnh" tại xã Nam Điền, (huyện Nam Trực); Tổ hội nghề nghiệp "Nuôi trồng thủy sản" tại xã Bạch Long, Giao Hải (huyện Giao Thủy)…

Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

Chia sẻ về hiệu quả hoạt động của Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, ông Hiệp cho hay, để khuyến khích hội viên, nông dân tham gia vào các Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ các thành viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, các cấp Hội trong tỉnh đã tín chấp từ ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với tổng dư nợ đến nay là trên 13.000 tỷ đồng cho 36.620 hộ vay thông qua 1.661 tổ vay vốn.

Nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ đến nay hơn 1.700 tỷ đồng, thông qua 1.114 tổ tiết kiệm và vay vốn, cho 38.347 hộ vay.

Hội Nông dân Nam Định xây dựng các Chi, Tổ hội theo nguyên tắc "5 tự, 5 cùng" - Ảnh 2.

Mô hình nuôi cá Koi của gia đình anh Phạm Đức Thuần (xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đem lại lợi nhuận hàng tỷ đổng. Ảnh: Mai Chiến.

Tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh hiện đang quản lý là 38 tỷ 49,79 triệu đồng cho vay 315 dự án với tổng số hộ vay là 1.525 hộ. Trong đó: Nguồn Trung ương Hội ủy thác 15,9 tỷ đồng; nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh 4,6 tỷ đồng; nguồn Quỹ HTND huyện 8.989,54 tỷ đồng; Nguồn vốn do HND xã vận động hơn 8,5 tỷ đồng.

Để nguồn vốn Quỹ HTND mang lại hiệu quả, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nam Định chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố xây dựng Chi, Tổ hội nghề nghiệp đảm bảo đủ điều kiện được vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế.

"Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích nên các mô hình đều phát huy được hiệu quả đồng vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ hội viên", ông Hiệp nhấn mạnh.

Theo ông Hiệp, hằng năm, các cấp Hội phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, các ngành chức năng tổ chức các hội nghị tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc cây trồng vật nuôi, kiến thức liên kết chuỗi, lớp đào tạo nghề cho thành viên Chi, Tổ hội nghề nghiệp.

Đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, xây dựng thương hiệu, ứng dụng chuyển đổi số, cung ứng vật tư nông nghiệp cho thành viên chi, tổ hội nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vốn kinh doanh; tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm…

Ngoài ra, liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ hội viên nông dân ở các Chi, Tổ hội nông dân dân nghề nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các mô hình sản xuất nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho hội viên nông dân.

"Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 14 hội nghị hướng dẫn ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản cho trên 2.000 cán bộ Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân cơ sở; cán bộ chi, tổ hội nông dân; thành viên Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh…", ông Tô Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem