Hội Nông dân Thái Nguyên đổi mới, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân các cấp

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ bảy, ngày 06/04/2024 15:00 PM (GMT+7)
Trong thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn đổi mới sáng tạo và nâng cao hiệu quả trong công tác Hội cũng như phong trào nông dân. Nhờ đó, phong trào nông dân trên địa bàn ngày càng có những chuyển biến tích cực.
Bình luận 0

Thực hiện Chương trình hành động số 53-CTr/TU ngày 03/02/2024 của Tỉnh ủy Thái Nguyên về việc thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về "Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới", Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Hội Nông dân Thái Nguyên đổi mới, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân các cấp- Ảnh 1.

Những năm qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn đổi mới, nâng cao vai trò và hiệu quả của phong trào nông dân. Ảnh: Hà Thanh

Theo đó, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 46-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ, kịp thời, phù hợp với thực tiễn hoạt động của các cấp Hội và phong trào nông dân trong giai đoạn mới đảm bảo cụ thể, thiết thực, hiệu quả để Nghị quyết nhanh đi vào cuộc sống.

Coi trọng quá trình tổ chức thực hiện, chuyển biến thực chất, nhằm phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững, tạo động lực phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mục tiêu tổng quát là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào nông dân, xây dựng Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả; làm tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; động viên, cổ vũ nông dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, tích cực tham gia phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển tỉnh Thái Nguyên ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Cụ thể, hằng năm Hội Nông dân các cấp trong tỉnh phấn đấu thực hiện các mục tiêu sau: Kết nạp từ 3.200 hội viên nông dân mới trở lên; 100% cán bộ Hội Nông dân chuyên trách các cấp, chi hội trưởng chi hội nông dân được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ công tác Hội; Đào tạo, bồi dưỡng nghề cho từ 4.000 hội viên nông dân, lao động nông thôn trở lên; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 100.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân trở lên (trong đó có ít nhất 1.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện); Thành lập mới ít nhất 100 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 10 chi hội nông dân nghề nghiệp; Vận động từ 7.000 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới 15 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 03 hợp tác xã nông nghiệp; Có 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu, trong đó có 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; Có ít nhất 97% cơ sở Hội hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 100% cơ sở Hội xây dựng được mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội Nông dân Thái Nguyên đổi mới, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân các cấp- Ảnh 2.

Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên thường xuyên mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân trên địa bàn. Ảnh: Hà Thanh

Để hoàn thành các mục tiêu đó, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 46-NQ/TW gắn với tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong đó chú trọng xây dựng nội dung và tổ chức các hoạt động, sinh hoạt chi, tổ Hội Nông dân, câu lạc bộ của nông dân gắn với tuyên truyền, vận động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho nông dân.

Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động thông qua các lớp tập huấn, việc triển khai, thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở nông thôn. Phát triển mạnh chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, xây dựng hướng dẫn và đẩy mạnh thành lập các mô hình "Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Câu lạc bộ nông dân xuất sắc", "Câu lạc bộ nông dân với pháp luật", "Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông", "Câu lạc bộ nông dân tỷ phú"; tổ chức tốt hoạt động "Nhà nông sáng tạo", "Nhà nông đua tài" để thu hút, tập hợp, đoàn kết và kết nối, truyền tải thông điệp tích cực đến hội viên, nông dân.

Từ năm 2016 đến nay, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã thành lập 21 Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" với 866 thành viên. Ông Tạ Hồng Hà – Chủ tịch Hội Nông dân TP.Phổ Yên cho biết: Trong năm 2023, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ Hội Nông dân TP.Phổ Yên thành lập được 1 câu lạc bộ nông dân với pháp luật tại phường Tân Hương, qua đó nhằm tuyên truyền giúp cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn thành phố và phường nắm bắt, hiểu biết về pháp luật, tránh được những khiếu kiện vượt cấp, trong đó có lĩnh vực đất đai, môi trường…

Hội Nông dân Thái Nguyên đổi mới, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân các cấp- Ảnh 3.

Từ khi Câu lạc bộ nông dân với pháp luật được thành lập tại phường Tân Hương, TP.Phổ Yên đã giúp nâng cao nhận thức của nhiều cán bộ, hội viên nông dân về pháp luật. Ảnh: Hoàng Cường

"Từ những hiệu quả của mô hình này mang lại đã giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, góp phần xây dựng và phát triển số lượng hội viên, nông dân trên địa bàn ngày càng vững mạnh hơn", ông Hà nhấn mạnh.

Việc gắn công tác tuyên truyền, vận động với giải quyết lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân trong hoạt động của hội, nhất là sinh hoạt chi hội, tổ hội, câu lạc bộ nông dân ở cơ sở cũng được các cấp Hội Nông dân đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Từ đó giúp tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế… gắn với chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.

HTX Nông sản Ôn Lương, Phú Lương là một trong những đơn vị đang áp dụng mô hình liên kết sản xuất kinh tế nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả. Tận dụng các phụ, phế phẩm nông nghiệp của người dân trong vùng, HTX đã tạo ra phân vi sinh, hữu cơ để cung cấp cho bà con sản xuất chè, mang lại giá trị sản phẩm cao. Cùng với đó, HTX còn nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè tươi cho bà con với giá cả ổn định.

Hội Nông dân Thái Nguyên đổi mới, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân các cấp- Ảnh 4.

Với mô hình liên kết sản xuất kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, HTX Nông sản Ôn Lương, huyện Phú Lương đã giúp nhiều bà con có thu nhập ổn định trong phát triển sản xuất. Ảnh: Hà Thanh

Cùng với đó, các cấp Hội cũng cần tích cực hướng dẫn, vận động hội viên, nông dân tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh, liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi theo quy định mới, nâng cao chất lượng phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Khuyến khích, vận động các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc tham gia hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân khác sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các hộ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng thiên tai.

Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu trong sản xuất, giúp các hội viên nông dân cùng nhau phát triển kinh tế và làm giàu ngay tại địa phương. Điển hình như hộ gia đình ông Vũ Chí Long, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ không chỉ làm giàu với mô hình nuôi huơu lấy nhung mà ông còn cung cấp con giống và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi giúp nhiều hộ dân trong vùng có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo.

Hội Nông dân Thái Nguyên đổi mới, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân các cấp- Ảnh 5.

Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu trong sản xuất. Ảnh: Hà Thanh

Không dừng lại ở đó, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn cần đẩy mạnh phát động, hướng dẫn tổ chức phong trào thi đua "Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể". Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Hướng dẫn, hỗ trợ các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất thực phẩm an toàn, phát triển thành tổ hợp tác, hợp tác xã; phát triển các tổ hợp tác thành hợp tác xã nông nghiệp; củng cố các hợp tác xã nông nghiệp do các cấp Hội hỗ trợ thành lập hoạt động hiệu quả, chất lượng. Xây dựng các mô hình điểm về tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình. Vận động hội viên, nông dân tích tụ đất nông nghiệp, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tổ chức sản xuất quy mô lớn, mở rộng quy mô sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp.

Tăng cường hơn nữa việc tổ chức tốt các cuộc thi, tôn vinh nông dân với công nghệ thông tin, sáng tạo kỹ thuật nhà nông; biểu dương, tôn vinh kịp thời gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu, các cá nhân, tập thể tiêu biểu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn; Tạo điều kiện cho nông dân tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng xã, huyện đạt tiêu chí nông thôn mới, nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chỉ số phát triển con người, nhất là ở các huyện, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong nông dân, nhất là phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem