Ngày 10/12, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tổ chức Lễ tôn vinh 62 Nhà khoa học của nhà nông năm 2022

Thu Hà Thứ tư, ngày 07/12/2022 19:10 PM (GMT+7)
Tại Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ IV, năm 2022, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ tôn vinh 62 cá nhân tiêu biểu, có nhiều cống hiến, đóng góp to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Bình luận 0

Tôn vinh các "Nhà khoa học của nhà nông"

Nhằm kịp thời đánh giá, ghi nhận, tôn vinh và biểu dương những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, nhà sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội khu vực nông thôn, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức Chương trình tôn vinh: "Nhà khoa học của nhà nông" lần thứ Tư, năm 2022.

Theo Ban Tổ chức, Chương trình xét chọn và tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông" lần thứ Tư, năm 2022 đã được triển khai trên toàn quốc. Sau khi xét chọn qua 2 cấp Hội đồng (Hội đồng xét chọn cấp tỉnh/ bộ/ngành và Hội đồng Thẩm định Trung ương), 62 "Nhà khoa học của nhà nông" đã được lựa chọn để tôn vinh năm 2022.

Ngày 10/12, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tổ chức Lễ tôn vinh 62 Nhà khoa học của nhà nông năm 2022 - Ảnh 1.

Lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ Ba năm 2020. Ảnh: T.L

Tổng số "Nhà khoa học của nhà nông" được tôn vinh thông qua Chương trình này từ năm 2018 đến nay là 245 người.

Năm 2022, trong số 62 "Nhà khoa học của nhà nông" được tôn vinh lần thứ 4 này có 9 nữ và 54 nam. Người cao tuổi nhất là ông Lê Thanh Liêm, sinh năm 1947 (75 tuổi, ở Tây Ninh), trẻ tuổi nhất là anh Nguyễn Văn Huỳnh, sinh năm 1993 (29 tuổi, ở Yên Bái). Có 2 người là Giáo sư, 8 người là Phó giáo sư. Học vị từ Thạc sỹ trở lên có 29 người, trong đó có 20 tiến sỹ.

Đây đều là những nhà khoa học, những chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp và nhà nông sáng tạo có công trình nghiên cứu, giải pháp sáng tạo, sản phẩm công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi và được các cơ quan chức năng chứng nhận mang lại nhiều lợi ích cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và người nông dân.

Một trong số các Nhà khoa học có học hàm, học vị có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng điển hình được vinh danh năm nay là PGS.TS Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NNPTNT). Trong giai đoạn 2005 - 2020, PGS.TS Phạm Anh Tuấn đã làm Chủ nhiệm đề tài, tham gia chính thực hiện 16 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp.

Nhiều "nhà khoa học không chuyên" tiêu biểu được vinh danh

Trong số các "nhà khoa học không chuyên" tiêu biểu được vinh danh năm nay là anh Nguyễn Văn Huỳnh, sinh năm 1993, dân tộc Tày, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát (Yên Bái). Giải pháp sáng tạo của anh Huỳnh là bếp bình đun nóng lạnh tận dụng nhiệt thừa.

Bếp đun củi nóng lạnh Huỳnh Phát được sử dụng thay cho bình nóng lạnh điện, nóng lạnh gas, bình năng lượng mặt trời. Giải pháp này tiết kiệm tiền điện, tiền gas. Đây là sản phẩm rất phù hợp ở nông thôn, với các hộ gia đình còn sử dụng chất đốt bằng củi, rơm rạ, mùn cưa, vỏ trấu, chất đốt bằng thực vật.

Bình bảo ôn với dung tích từ 60 – 5.000 lít có tác dụng giữ nhiệt từ 24 - 40 giờ. Dung tích nước nóng nhiều, ngoài sử dụng cho gia đình còn có thể sử dụng cho tập thể như khu nội trú, bán trú, xí nghiệp, công ty, doanh trại quân đội, dịch vụ xông hơi, tắm lá thuốc, trang trại nuôi ếch, nuôi cá

Giải pháp loại bỏ nỗi lo điện giật, cháy nổ; không lo chi phí phát sinh; tiết kiệm chất đốt và không cần bổ nhỏ củi; rút ngắn thời gian đun nấu; dễ dàng sử dụng, gọn gàng, sạch sẽ...

Bếp đã được trên 8.000 khách hàng sử dụng, được đưa vào sản xuất trên 8 năm, đến nay những khách hàng lắp đặt đầu tiên vẫn hoạt động tốt. Hiện tại đã có 18 đại lý tại các tỉnh thành trong khu vực Đông Bắc và Tây Bắc.

Trong số các "Nhà khoa học của Nhà nông" được tôn vinh đến từ khối doanh nghiệp, hợp tác xã năm nay có kỹ sư Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc CTCP Sữa Việt Nam. Trên góc độ khoa học quản trị kinh doanh, bà Mai Kiều Liên đã có những giải pháp quyết định ảnh hưởng tích cực đến hàng ngàn gia đình nông dân nuôi bò sữa như: Các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp công nghệ, vật tư chăn nuôi, xây dựng vùng nguyên liệu, chính sách cho vay về phân bón, hạt giống và trả chậm... giúp người dân chăn nuôi bò sữa giảm giá thành sản xuất, kiểm soát dịch bệnh bò sữa.

Bà Liên cũng là người lãnh đạo doanh nghiệp đổi mới tư duy, đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ; ứng dụng khoa học – công nghệ - kỹ thuật và sáng kiến trong nông nghiệp vào ngành sản xuất và chế biến sữa, đưa Tập đoàn Vinamilk trở thành thương hiệu quốc tế và là đối tác tin cậy của nông dân nuôi bò sữa Việt Nam.

Bà Mai Kiều Liên là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều phần thưởng, danh hiệu uy tín trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế.

Nói về ý nghĩa của Chương trình tôn vinh "Nhà khoa học của Nhà nông" lần thứ 4 năm 2022, bà Bùi Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Chương trình cho biết: "Đây là chương trình mang ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, thể hiện rõ nét ở ba khía cạnh: Thứ nhất, tôn vinh "Nhà khoa học của Nhà nông" không chỉ của những Nhà khoa học có học hàm học vị, có công trình nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả mà còn tôn vinh những Chuyên gia, nhà quản lý, cá nhân người nông dân có phát minh, sáng kiến, giải pháp, quy trình kỹ thuật công nghệ được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao; chuyển giao và nhân rộng giá trị ra cộng đồng xã hội, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân và cộng đồng.

Ngày 10/12, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tổ chức Lễ tôn vinh 62 Nhà khoa học của nhà nông năm 2022 - Ảnh 3.

Bà Bùi Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ Tư, năm 2022 nhấn mạnh Lễ tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông" là hình thức củng cố, vun đắp, xây dựng và nâng cao nhận thức về vai trò cực kỳ quan trọng của mối quan hệ giữa Nhà nông và Nhà khoa học, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 - NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Thứ hai, tôn vinh "Nhà khoa học của Nhà nông" là hình thức củng cố, vun đắp, xây dựng và nâng cao nhận thức về vai trò cực kỳ quan trọng của mối quan hệ giữa Nhà nông và Nhà khoa học, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII của Đảng về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao năng suất cao, chất lượng tốt và bảo vệ môi trường bền vững, thông qua đó nâng cao kiến thức cũng như mức độ hưởng thụ thành quả của Nhà nông, Nhà khoa học, hài hoà lợi ích với cộng đồng người tiêu dùng...

Thứ ba, tôn vinh "Nhà khoa học của Nhà nông" chính là sự tri ân của giai cấp Nông dân đối với những nhà khoa học, những cá nhân đã và đang đồng hành, sát cánh và có nhiều công lao đối với giai cấp Nông dân; góp phần xứng đáng vào phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra: Đến năm 2045, nước ta là nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao".

Lễ tôn vinh "Nhà Khoa học của Nhà nông" lần thứ Tư, năm 2022, sẽ được Truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Thời gian: Từ 09h00 đến 10h10 ngày 10/12/2022.

Chương trình được tổ chức tại: Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội - Số 130, Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem