Hưng Yên: Nhãn "cỏ" giá thấp, nhãn ngon giá vẫn 50.000 đồng/kg, muốn mua phải đặt trước

Trần Quang Thứ sáu, ngày 14/08/2020 17:40 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Thế - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Tử, nơi được coi là "thủ phủ" nhãn của Hưng Yên cho biết, trái ngược với giá nhãn cỏ (hàng dùng để làm long nhãn sấy), nhãn Miền Thiết ở Hàm Tử vẫn được giá cao và đắt khách. Thậm chí, loại nhãn siêu ngọt đang được giá cao trên 50.000 đồng/kg cũng không có hàng để bán.
Bình luận 0
Nhãn ngon "chính hãng" đặc sản Hưng Yên đắt khách, có loại bán 50.000 đồng/kg, khách muốn ăn phải đặt trước cả năm - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thế cho biết, hiện nhãn siêu ngọt hay còn gọi là nhãn đường đang có chất lượng và có giá bán cao nhất ở Hưng Yên, có thời điểm giá sản phẩm lên đến 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg.

"Thủ phủ" nhãn Hưng Yên

Hàm Tử có lợi thế là vùng đất màu mỡ được phù sa của sông Hồng bồi đắp qua hàng nghìn năm. Nơi đây là quê hương của giống nhãn Miền Thiết nổi tiếng với trái nhãn to, cùi dày, độ đường cao, để lại sức hút khó quên trong lòng người thưởng thức mỗi khi có dịp về vùng đất này.

Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thế - Chủ tịch Hội ND xã kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Nhãn Miền Thiết (xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu) cho biết: Ngay từ thời điểm mới thành lập (năm 2015), Hợp tác xã (HTX) Nhãn Miền Thiết đã xây dựng mô hình thâm canh nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, HTX trực tiếp thực hiện sản xuất cây giống, bảo đảm nhu cầu thị trường cây giống quanh năm.

"Áp dụng phương pháp hữu cơ trong trồng trọt là một trong những nguyên tắc mà xã viên trong HTX phải thực hiện, để bảo tồn và gìn giữ chất lượng, mẫu mã của nhãn Miền Thiết", ông Thế khẳng định.

Ông Thế cho biết thêm, việc áp dụng phương pháp hữu cơ trong quá trình chăm sóc cây nhãn rất cần thiết, bởi với diện tích trồng nhãn khoảng 100ha, lại nằm liền kề với nhau, nếu chăm sóc từng khu vườn riêng biệt mà không cùng một lúc với các vườn nhãn khác sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ diện tích trồng nhãn nếu như có dịch bệnh xảy ra.

Nhãn ngon "chính hãng" đặc sản Hưng Yên đắt khách, có loại bán 50.000 đồng/kg, khách muốn ăn phải đặt trước cả năm - Ảnh 2.

Vùng nhãn đặc sản Hưng Yên năm nay được mùa lớn.

Lợi thế của việc áp dụng phương pháp hữu cơ sẽ tạo cho quá trình chăm sóc, thu hoạch, đặc biệt là áp dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật được chặt chẽ, từ khâu bón phân, định tán, tỉa cành, định quả và phun thuốc đều được triển khai một cách đồng bộ, từ đó cho ra sản phẩm trái nhãn có chất lượng tốt.

"Chính vì chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ nên hàng năm người trồng nhãn ở đây thu hoạch với năng suất và chất lượng rất cao, trung bình 60 - 80 quả/kg, độ đường đạt 16 – 22% Brix, mẫu mã tương đối đẹp. 

Với năng suất 7 - 8 tạ/sào và giá bán với loại nhãn siêu ngọt, có mẫu mã đẹp tại vườn của gia đình ông Thế khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg có thời điểm giá sản phẩm đạt giá 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg, tùy năm", ông Thế tiết lộ.

Năm 2010, giống nhãn Miền Thiết được công nhận là giống nhãn Quốc gia, cần được bảo tồn. Năm 2019, HTX nhãn Miền Thiết được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận Nhãn Miền Thiết là sản phẩm nhãn quả tươi OCOP.

Nhãn ngon "chính hãng" đặc sản Hưng Yên đắt khách, có loại bán 50.000 đồng/kg, khách muốn ăn phải đặt trước cả năm - Ảnh 3.

Cận cảnh loại nhãn đường phèn có giá bán trên 50.000 đồng/kg ở Hưng Yên.

Khách muốn ăn nhãn ngon phải đặt hàng trước cả năm

Cũng theo ông Thế, đến thời điểm các xã viên trong HTX Miền Thiết đã thu hoạch được 2/3 diện tích khoảng 500-600 tấn/1.000 tấn. Giá bán sản phẩm nhãn Miền Thiết thuần đạt từ 18.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. Còn loại nhãn siêu ngọt bán làm quà biếu cao cấp luôn được người dân bán giá cao trên 50.000 đồng/kg.

"Diện tích nhãn siêu ngọt rất ít nên sản lượng cũng hạn chế. Chính vì thế mà khách có tiền muốn mua ăn cũng khó, có người phải hẹn trước cả năm mới có hàng", ông Thế nói.

Theo Sở NNPTNT Hưng Yên, tổng diện tích trồng nhãn của tỉnh vào khoảng trên 4.500ha, trong đó có khoảng gần 3.600ha cho thu hoạch. Năm nay nhãn Hưng Yên được mùa lớn, sản lượng ước khoảng 50.000 tấn.

Hiện ở Hưng Yên có nhiều giống nhãn, trong đó có loại nhãn quả nhỏ, vị ngọt sắc, cũng có loại nhãn khổng lồ quả to cùi dày, ăn giòn ngọt,... Tuy nhiên, diện tích trồng các giống nhãn quý, trong đó có nhãn đường phèn, hiện chiếm chưa đến 15% tổng diện tích nhãn của tỉnh, do đó mặt hàng này gần như không có bán ở chợ.

Nhãn ngon "chính hãng" đặc sản Hưng Yên đắt khách, có loại bán 50.000 đồng/kg, khách muốn ăn phải đặt trước cả năm - Ảnh 4.

Nhãn đường phèn được coi là "cây vàng" ở Hưng Yên.

Phản hồi về thông tin giá nhãn đặc sản của tỉnh giảm sâu, ông Thế cho rằng: "Để công bằng cho sản phẩm và người trồng nhãn đặc sản ở Hưng Yên và các tỉnh, người tiêu dùng và các kênh thông tin báo, đài truyền hình, mạng xã hội cần nhìn nhận đa chiều hơn để tránh làm ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ và người sản xuất.

"Ở Hưng Yên hiện giờ người dân đang trồng nhiều loại nhãn. Trong đó, loại nhãn cỏ (hay còn gọi là nhãn dùng để làm long nhãn sấy) đang có giá khá thấp trên dưới 10.000 đồng/kg do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. 

Song bên cạnh đó, giống nhãn Miền Thiết trồng ở Hàm Tử luôn có giá cao từ 18.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, nhãn siêu ngọt hay còn gọi là nhãn đường phèn luôn đắt hàng, giá bán rất cao nhưng cũng không có hàng để cung cấp cho khách", ông Thế nhấn mạnh.

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng và xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn đặc sản ở Hưng Yên, ông Thế khẳng định, dù đang chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số nơi không thể xuất khẩu được hàng nhưng không vì thế mà người trồng nhãn ở Hưng Yên lo ế hàng.

"Hiện có nhiều vùng ở Việt Nam người dân trồng được nhãn nhưng ở các xã, huyện ở Hưng Yên, quả nhãn vẫn có chất lượng và hương vị đặc trưng riêng cuốn hút người tiêu dùng. Vì thế, với sản lượng nhãn của tỉnh năm nay khoảng 50.000 tần, tôi cho rằng chúng ta chưa thực sự cần thiết phải xuất khẩu bằng mọi giá mà chỉ cần lo tiêu thụ ở thị trường nội địa cũng không đủ", ông Thế nói.

Giá nhãn sẽ tăng

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đỗ Minh Tuân - Giám đốc Sở NNPTNT Hưng Yên cho biết, vừa qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, một số doanh nghiệp của Trung Quốc tạm dừng mua long nhãn sấy khiến sản phẩm này và một số loại nhãn tươi (nhãn nhỏ làm long) xuống khá thấp.

Nhãn ngon "chính hãng" đặc sản Hưng Yên đắt khách, có loại bán 50.000 đồng/kg, khách muốn ăn phải đặt trước cả năm - Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh thăm vùng nhãn đặc sản ở Hàm Tử ngày 5/8.

"Ngay sau khi có thông tin này, tỉnh đã phối hợp với 2 Bộ NNPTNT và Bộ Công thương tổ chức họp và đàm phán lại với các đối tác gồm cả Trung Quốc và các đối tác quốc tế khác. Chính vì thế, đến thời điểm này, mọi khó khăn trong việc tiêu thụ nhãn của người dân ở tỉnh đã cơ bản được tháo gỡ, đặc biệt các doanh nghiệp Trung Quốc đã nối lại việc mua long nhãn giúp cho giá sản phẩm phục hồi dần và dự kiến giá nhãn tươi sẽ tăng thêm vào những ngày tới", ông Tuân khẳng định.

Cũng theo ông Tuân, hiện tại sản phẩm nhãn của Hưng Yên cũng đã có mặt tại hàng chục siêu thị ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước nên người tiêu dùng yên tâm mua để thưởng thức.

Ông Tuân cũng thông tin thêm, thời điểm này, nhãn ngon "chính hãng" Hưng Yên bán tại vườn vẫn được giá từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. Đối với các loại nhãn ngon đặc biệt như nhãn đường phèn chiếm khoảng trên dưới 15% sản lượng hiện đã hết hàng, người tiêu dùng có tiền muốn ăn giờ cũng khó mua được.

"Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang có khoảng 200 đơn vị, cơ sở sản xuất long nhãn với công suất trên dưới 20.000 tấn/năm. Các cơ sở trêu đều đã được cấp phép và đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nên các sản phẩm long nhãn làm ra rất chất lượng nên người tiêu dùng hay yên tâm, đặt mua thưởng thức".

(Ông Đỗ Minh Tuân)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem