Hương sắc chợ Việt trên thế giới

Thứ sáu, ngày 31/01/2014 07:44 AM (GMT+7)
Với những người Việt sống xa quê, từ “chợ Việt” thường dùng để chỉ những khu chợ sầm uất có đông người Việt buôn bán. Khái niệm “ở đâu có người Việt, ở đó có chợ Việt” đã thực sự ăn sâu bám rễ trong suy nghĩ của hàng triệu người Việt xa xứ.
Bình luận 0
“Chợ Việt” ở Paris

Vào những ngày cuối năm, khu phố 13 ở Paris, Pháp nơi mà người Việt ở đây vẫn quen gọi là khu chợ Việt, còn người Trung Quốc thì gọi là khu “Phố Tàu”, đông đúc, nhộn nhịp hơn ngày thường. Sở dĩ khu thương mại này có nhiều cách gọi khác nhau là vì thực tế đây là khu thương mại lớn nhất ở Pháp dành cho người châu Á.

Nơi đây tập trung nhiều người gốc Á như Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào... sinh sống và buôn bán, tạo thành khu phố châu Á lớn nhất ở châu Âu. Người Việt thấy có nhiều đồng hương buôn bán trong khu thương mại này thì đặt tên cho nó là “chợ Việt”, còn phần lớn các gian hàng trong khu thương mại là do người Trung Quốc làm chủ nên cũng có tên gọi là khu “Phố Tàu”.

Góc quầy hàng Việt ở khu phố 13.
Góc quầy hàng Việt ở khu phố 13.

Trong khu thương mại này bán đủ các loại thực phẩm, văn hóa phẩm của các nước châu Á. Những cửa hàng của người Việt cũng bán thực phẩm Việt như rau muống, giò lụa, các loại đồ khô... Ngoài ra, trong khu phố 13 có 3 cửa hàng sách Việt nổi tiếng, nơi thu hút một lượng lớn kiều bào ở Pháp ghé mua, trong đó có cửa hàng Nam Á, Diễm Phương và Khai Trí. Trong trung tâm cũng có những cửa hàng bán đồ ăn Việt như phở, mì vằn thắn, và có cả bún bò Huế. Người Việt ghé đến những cửa hàng này để thưởng thức những món ăn quê hương và có cơ hội gặp gỡ những người đồng hương khác.

Chợ Sài Gòn ở Campuchia


Ở Phnom Penh có 4 ngôi chợ lớn, gồm: Chợ Or xây (còn gọi là chợ Cũ), chợ Th'mey (chợ Trung tâm), chợ Stung Luk Bung (chợ Nga) và chợ Sài Gòn. Trong số 4 ngôi chợ ấy, duy nhất chợ Sài Gòn chấp nhận giao dịch bằng tiền Việt, số còn lại chỉ sử dụng tiền đô la và tiền real. Gọi là chợ Sài Gòn bởi hầu hết những hộ kinh doanh trong chợ là người Campuhia gốc Sài Gòn, đặc biệt là xuất thân từ dân chợ Lớn. Có những gia đình đến Campuchia từ những năm 1950, nhiều thế hệ sau được sinh ra ở Campuchia nhưng vẫn nói tiếng Việt và đi theo con đường buôn bán.

Một quán ăn ở chợ Sài Gòn - Campuchia.
Một quán ăn ở chợ Sài Gòn - Campuchia.

Trong chợ Sài Gòn này, hầu như tất cả hàng hóa đều có xuất xứ từ Việt Nam. Từ hàng quần áo, thực phẩm đến những cửa hàng ăn đồ Việt. Ngoài ra, những người bán hàng trong chợ cũng có thói quen nói thách và người mua đã mặc nhiên với kiểu mặc cả xuống một nửa. Điều đặc biệt, gắn liền với tên gọi chợ Sài Gòn là xóm chợ Sài Gòn. Phía sau chợ Sài Gòn là một dãy nhà trọ lụp xụp mọc chen chúc ven sông Ton Le Sap. Xóm chợ Sài Gòn có khoảng 800 hộ dân Việt. Ngoài những người sống lâu năm, có nhà, có quốc tịch, có việc làm ổn định, phần nhiều người Việt mới sang đều vất vả.

Tìm hương vị Việt ở Bangkok

Ở Thái Lan, có một khu chợ nhỏ chỉ họp vào dịp cuối tuần của bà con Việt Kiều tại ngay trung tâm Bangkok. Đây không chỉ là nơi mua bán những sản vật của Việt Nam mà còn là nơi mà những người con Việt Nam xa xứ tìm đến, cảm nhận một chút hương vị và không khí của quê hương.

Người Việt Nam, dù có đi đâu xa xôi, trong lòng vẫn luôn lưu giữ tình cảm nồng nàn và niềm nhớ thương với quê hương Việt Nam. Dù ở đâu, người Việt cũng lưu giữ những giá trị truyền thống, rất “Việt Nam”.

Chợ chỉ họp từ 6- 10 giờ sáng, nên muốn đi chợ được lâu phải dậy từ sáng sớm. Khu chợ Việt nằm nép mình trong một con hẻm của đường Samsen, sát nhà thờ Saint Francis Xavier Bangkok. Thật thú vị, cách bày trí trong chợ không khác gì một khu chợ ở Việt Nam. Có những sạp hàng lớn, nhưng cũng có những xe hàng nhỏ. Hàng đồ ăn treo lủng lẳng những xâu giò còn bốc khói trông rất thích mắt. Không hiểu có dụng ý gì không, nhưng ở ngay lối vào chợ đã có những xe hàng đồ ăn chuyên món ăn Việt như giò, chả chiên, lạp xưởng, hành phi khô, ruốc… Đây là những món ăn Việt Nam được chế biến và vận chuyển từ vùng Đông Bắc của Thái Lan, chủ yếu là ở tỉnh Mukdahan. Chỉ cần nhìn thấy từng ấy đã đủ thấy hương vị quê hương Việt Nam nơi xứ người.

Chợ Vòm người Việt ở Bulgaria

Người Việt ở Bulgaria có khoảng hơn 1.000 người, nhưng phần lớn trong số họ làm nghề buôn bán ở chợ. Nằm cách trung tâm thành phố Sofia khoảng 7km, có 2 khu chợ đông người Việt buôn bán. Một là chợ trời, một là chợ Vòm. Hai khu chợ này có tên gọi bằng tiếng Bulgaria có nghĩa là chợ Rồng, tuy nhiên, người Việt vẫn quen gọi là chợ Vòm vì nó có mái che giống như chợ Vòm trước đây của người Việt ở Mátxcơva, Nga.

Chợ họp từ 6 giờ sáng đến 5 giờ chiều và chủ yếu bán quần áo, giày dép, không bán đồ thực phẩm. 2/3 quầy hàng trong chợ là của người Việt, số còn lại của người Trung Quốc và một số ít là của người Thổ Nhĩ Kỳ. Chợ chuyên về bán buôn cho người Bulgaria đưa hàng vào bán ở các cửa hàng trong trung tâm thành phố. Ngoài ra, một lượng lớn khách hàng từ các tỉnh thành khác cũng đổ về chợ để mua buôn. Các “con buôn” ở Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sang chợ này để mua hàng. Tuy vậy, hàng Việt không phải chiếm ưu thế trong chợ Vòm và rất nhiều người Việt phải lấy lại hàng của người Trung Quốc, thậm chí chủ hàng người Việt phải đi “đánh công hàng” từ Trung Quốc sang.

Đã hàng chục năm trôi qua, chợ Vòm và chợ Trời ở Sofia vẫn là nơi bám trụ sinh sống của cộng đồng người Việt nơi đây. Mặc dù “thời những cơn mưa vàng” để nói về việc buôn bán dễ dàng ở những năm 90 đã đi qua, nhưng nay, nếu chăm chỉ, cần cù, người Việt vẫn sống tốt, thậm chí có rất nhiều người giàu có nhờ buôn bán trong chợ Vòm và chợ Trời.

Chợ Sapa ở Czech

Sapa được biết đến như một Hà Nội thu nhỏ, “thành phố” riêng của người Việt Nam tại trái tim châu Âu – Prague. Những người Việt Nam, nói một cách hơi cường điệu, thì có thể sống cả đời ở đây vì ngoài hoạt động kinh tế sầm uất người ta có thể tìm thấy bất kỳ thứ gì họ cần.

Chợ Việt ở Séc trông không khác ở Việt Nam.
Chợ Việt ở Séc trông không khác ở Việt Nam.

Trung tâm Thương mại Sapa gồm nhiều dãy nhà nằm giữa khoảng đất trên một ngọn đồi ở Prague 4. Bên trong chợ Sapa giống như bất kỳ một khu chợ thuần Việt nào vì tất cả biển hiệu cửa hàng đều viết bằng tiếng Việt, và xung quanh hầu như chỉ nghe người ta trao đổi bằng tiếng Việt.

Giữa trung tâm Sapa có một khu vực gắn bảng thông báo, đầy ắp các thông tin, từ cáo phó về người thân của một tiểu thương trong chợ, thông báo về một sự kiện, hoạt động trong cộng đồng cho đến các thông tin về việc làm, thuê người giúp, dạy tiếng Anh, tiếng Czech. Do có lượng người Việt sinh sống trên 65.000 người nên cộng đồng Việt còn phát hành sách báo bằng tiếng Việt và được bày bán trong chợ Sapa.

Kim Linh -Tuấn Phùng - Nguyễn Quỳnh -Cẩm Thơ - Ngọc Phạm ( Kim Linh -Tuấn Phùng - Nguyễn Quỳnh -Cẩm Thơ - Ngọc Phạm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem