Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Anh Lê Trường Giang chia sẻ: gia đình anh có hơn 5 công đất, trước đây sản xuất hoa màu nhưng thu nhập bấp bênh. Khoảng năm 2019, anh quyết định chuyển đổi giống cây trồng. Sau thời gian thử một vài giống cây ăn trái anh quyết định chọn cây sầu riêng.
Để kế hoạch chuyển đổi giống cây trồng mang lại hiệu quả, anh Giang đã sang các nhà vườn trồng sầu riêng ở Tiền Giang học tập kỹ thuật và sau đó mạnh dạn lên liếp 2.600m2 đất, mua 40 gốc sầu riêng về trồng.
Để lấy ngắn nuôi dài, khoảng 3.000m2 đất còn lại của gia đình anh tiếp tục trồng màu để có tiền trang trải cuộc sống. Sau 2 năm 40 gốc sầu riêng phát triển tốt, anh mạnh dạn lên liếp hết phần đất còn lại trồng thêm 52 gốc sầu riêng.
"Vùng đất Chợ Mới xưa giờ bà con chỉ trồng lúa và hoa màu, tôi là một trong số những người đầu tiên đưa cây sầu riêng về vùng đất này để trồng nên ban đầu tôi cũng rất lo lắng. Sau 2 năm thấy cây sầu riêng phát triển tốt nên tôi mới tự tin chuyển hết toàn bộ gần 6.000m2 đất gia đình sang trồng sầu riêng"- anh Giang nói.
Sau 4 năm, 40 gốc sầu riêng đầu tiên cho trái chiến, anh Giang thu hoạch được 120 triệu đồng. Đến nay vườn sầu riêng của anh Giang đã thu hoạch được 4 năm, riêng vụ cuối năm 2022 và năm 2023 anh thu hoạch được tổng 5 tấn, bán với giá 100 nghìn đồng/kg, lãi khoảng 400 triệu đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm bán sầu riêng được giá cao, anh Giang cho biết: Ngay từ đầu anh đã xác định trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, nên anh đã tự tìm tòi cách ủ phân hữu cơ từ đậu nành để bón cho cây nên chất lượng sầu riêng của anh luôn đặc biệt hơn các nhà vườn khác.
Tiếng lành đồn xa, bà con khắp nơi đổ về vườn anh để mua sầu riêng mỗi khi vào vụ. Với diện tích nhỏ, (gần 6.000m2), anh Giang nghĩ ra ý tưởng mở cửa cho khách tham quan, thu hoạch và bán sầu riêng lẻ tại vườn.
Bên cạnh, để phục vụ khách tham quan, anh cất 5 tum trong vườn sầu riêng phục vụ ăn uống cho khách khi đến vườn sầu riêng tham quan, mua trái. Từ đó nguồn thu nhập của gia đình cũng tăng thêm được một phần.
Để thực hiện kế hoạch mở cửa cho khách tham quan, thu hoạch và mua trái tại vườn, anh Giang kết hợp với một số người bạn quảng bá hình ảnh vườn sầu riêng trên các trang mạng xã hội như: Youtube, Zalo, Facebook... Chính từ cách làm đó mà vụ sầu riêng cuối năm 2022 và năm 2023 anh Giang đều bán được giá 100 nghìn đồng/kg.
Đầu tháng 10 vừa qua, để có thêm nguồn vốn làm trái cho đợt sầu riêng trái vụ và mở thêm các tum trong vườn phục vụ khách, anh giang được Hội Nông dân xã hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND.
"Do năm nay gia đình tôi đầu tư cất lại căn nhà, làm thêm các tum trong vườn để vụ sầu riêng sau phục vụ đủ lượng khách tham quan nên nguồn vốn bị hụt. May mà được Hội Nông dân xã kịp thời hỗ trợ nguồn vốn mà gia đình tôi sắp xếp được lúc chật vật nhất, thực hiện được kế hoạch, không phải vay tiền "nóng" bên ngoài"- anh Giang cho biết.
Theo anh Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Kiến, từ năm 2016 đến nay xã Long Kiến đều có nguồn vốn Quỹ HTND. Hiện trên địa bàn xã có 3 dự án, gồm 1 dự án từ nguồn vốn Quỹ HTND cấp Trung ương, 1 dự án cấp tỉnh và 1 dự án cấp huyện, với tổng nguồn vốn là 1,350 tỷ đồng, hỗ trợ cho 31 hộ vay; trung bình mỗi hộ vay từ 30-80 triệu đồng.
"Tuy nguồn vốn Quỹ HTND hỗ trợ cho mỗi hộ dân không quá lớn nhưng nguồn vốn này luôn hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng nên phát huy được ý nghĩa, mang lại hiệu quả tích cực. Từ đó bà con hội viên, nông dân rất phấn khởi, tin tưởng vào vai trò của tổ chức hội tại địa phương hơn"- Anh Nguyễn Ngọc Thành cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.