Huyền bí cổ tự linh thiêng xây từ gỗ quý của Long thần

Chủ nhật, ngày 22/06/2014 07:28 AM (GMT+7)
Sau khi được ban tặng báu vật, bà Sáu đem toàn bộ số gỗ này cúng dường cho vị thiền sư cạnh đó dựng chùa. Nhờ đó, Thiên Lộc Thiền Tôn tự ra đời.
Bình luận 0
Danh thắng trên “xứ trầm”

Đã từ lâu, chùa Thiên Lộc Thiền Tôn (ở thôn Phú Ân Nam, xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) nổi tiếng là một danh thắng trên “xứ trầm hương”. Hàng năm, có hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước tới tham quan, chiêm bái. Chùa được xây dựng trên một vị trí khá đẹp, mặt chùa về hướng phía Nam, nhìn về dãy núi Chín Khúc (Hoàng Ngưu), bên cạnh là dòng sông Cạn chỉ có nước vào mùa mưa lũ chảy qua.
Cổ tự Thiên Lộc Thiền Tôn
Cổ tự Thiên Lộc Thiền Tôn

Lối ra vào chùa có cổng tam quan gồm 3 cửa luôn rộng mở để đón khách thập phương tới chiêm bái, thành kính đức Phật. Bên trong là gian chánh điện được bài trí gian chính giữa thờ Phật, bên hữu thờ Quan Thánh (tức Quan Vân Trường) và bên trái thờ Nữ thần Thiên Y A Na. Phía sau là hệ thống tượng pháp, và ở trước là hai thần “Hộ pháp” uy nghiêm ngự ở hai bên.

Theo các nhà sư, rất khó xác định đúng niên đại xây dựng chùa. Nhưng căn cứ thông tin trên những cổ vật và các bài vị thờ chư Tổ tiền bối thì chùa được xây dựng cách nay khoảng 300 năm. Ngoài nhiều tượng cổ quý báu, chùa còn lưu giữ được quả “Đại hồng chung” và một “Bảo chung” có từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh truyền lại. Trên “Đại hồng chung” khắc: “Thiên Lộc Thiền Tôn Tự”. Trên “Bảo chung” có ghi: “Đinh Sửu niên, nhị nguyệt, nhị thập nhựt”. Cho thấy “Bảo chung” được đúc vào ngày 20/2 năm Đinh Sửu. Ngày tháng trùng tu chùa được ghi là vào niên hiệu Tự Đức năm thứ 9 (l856), tháng đầu mùa thu, ngày lành. Vì vậy chùa được khai lập trước đó.

Chiếu theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, cho đến năm thực dân Pháp xâm lược nước ta 1858, tuần tự có 4 lần năm Đinh Sửu: 1697 niên hiệu Chính Hòa; 1757 niên hiệu Cảnh Hưng; 1817 niên hiệu Gia Long và 1877 niên hiệu Tự Đức. Theo dự đoán có thể chùa Thiên Lộc được kiến tạo năm Đinh Sửu 1757 thời Cảnh Hưng. Từ khi vua Gia Long thống nhất lãnh thổ, buộc phải viết niên hiệu trước, rồi mới viết tuế nguyệt sau. Như vậy trên “Bảo chung” chỉ ghi tuế nguyệt, chắc chắn không phải từ thời Gia Long về sau mà phải có niên đại từ trước đó.

Theo như các sư ở chùa cho biết, trước kia khuôn viên chùa rộng đến vài mẫu đất và bao trùm cả miếu Bà Sáu và một phần thôn Phú Ân Nam bây giờ. Qua thời gian, khuôn viên chùa bị thu hẹp ít nhiều, nhưng không gian vẫn được bài trí tài tình, đẹp mắt. Hiện nay hai chiếc bảo chung là có giá trị lịch sử, gốc tích của chùa nên được đưa lên gác cao để thờ tự, tránh khỏi những ánh mắt nhòm ngó của phường đạo chích.
img

Huyền bí Long thần tặng gỗ quý


Bà Phạm Hoàng Liên (46 tuổi), người nhang khói miếu Bà Sáu gần 10 năm cho hay, Bà Sáu vốn là quả phụ trong vùng. Năm xưa, vì được Long thần tặng gỗ quý, lại đem dâng cho thiền sư dựng chùa khai lập Thiên Lộc Thiền Tôn tự nên sau khi bà mất, ghi nhớ công lao, người dân trong vùng đã lập miếu thờ bà trong khuôn viên của chùa, cạnh ngôi nhà bà sinh sống năm xưa. Ngày nay ngôi miếu được tách riêng để hương khói.

Tương truyền, thuở xưa ở làng này có một người phụ nữ không chồng không con, chuyên nghề nuôi tằm, tục gọi là Bà Sáu. Một đêm mùa thu trăng thanh, có 4 người đàn ông ở xa ghé nhà bà xin ngủ nhờ một đêm. Thương tình, bà Sáu đón tiếp một cách nồng hậu nhưng ngặt nỗi vì nhà quá nghèo nên không có chăn chiếu để khách được ngủ yên giấc. Thấy thế, bốn người đàn ông bèn hỏi mượn bốn chiếc nong để đem ra ngoài sân trải nằm.

Lúc gà gáy canh nhất tờ mờ sáng, bà Sáu trở mình dậy ra sân múc nước để chuẩn bị cho sinh hoạt ngày mới thì kinh hoàng khi thấy trong mỗi chiếc nong là một con rắn khổng lồ, thân to bằng cây cột đình đang nằm cuộn tròn, đầu nhô lên cao, vảy rắn lấp lánh ánh bạc dưới ánh trăng đêm thu mờ. Thấy cảnh tượng đó, bà Sáu chỉ kịp thét lên một tiếng lớn rồi ngã lăn ra bất tỉnh.

Khi hoàn hồn, bà Sáu lại thấy bốn vị khách xin ngủ nhờ hôm qua ngồi quanh giường, không còn những con rắn khổng lồ kia nữa. Một người cất tiếng nói: “Bà đừng sợ hãi, chúng tôi là những Long thần ở thủy cung đi ngang qua nên ghé ngủ nhờ chứ không có điều chi ác ý. Vâng lệnh Long Vương đi lấy gỗ, nhưng đường về xa xôi mà lại trời tối nên chỉ ngủ nhờ một đêm rồi mai lại lên đường. Công ơn chiếu cố của bà chúng tôi sẽ không bao giờ quên”. Sau đó 4 vị khách từ giã rồi biến mất vào không trung.

Đúng một tháng sau đó sau một đêm trời mưa như trút nước, nước sông dâng cao ngập cả những ruộng nương. Những nhà ở dưới thấp đều bị nước lớn xô đổ, hoặc bị cuốn trôi. Nhà bà Sáu tuy ở trên đầu dốc núi nhưng nước cũng vào đến sân. Đêm đến ai cũng lo sợ nên không dám ngủ, chong đèn canh con nước đang ngày một lớn dần. Bà Sáu không an tâm nên ngồi ở bậc hiên nhà. Chợt bốn người đàn ông hôm trước lại xuất hiện trước mặt bà, một người cất giọng nói: “Chúng tôi chở gỗ về Thủy Phủ, qua đây ghé thăm bà, bà chớ lo sợ, nước sẽ rút trong đêm nay”. Nói đoạn rồi bốn người lại biến mất như lần trước.

Sau khi bốn người đàn ông vừa bước ra khỏi, nước bỗng nhiên rút dần và đến sáng ngày hôm sau thì đã cạn sạch. Liền đó là một trận mưa nhẹ để gội rửa những bùn lầy dính trên cây lá, trời lại cao trong và bình yên như trước. Điều lạ là sau khi nước rút, ở trước bậc thềm cửa nhà bà Sáu bỗng xuất hiện một bè gỗ quý được xếp ngăn nắp. Biết là của các Long Thần ban tặng đền ơn bà cho ở nhờ hôm trước. Ở một mình, không làm gì đến số gỗ quý, nhân bên cạnh nhà có một thiền sư tu hành trong thảo am nên bà Sáu đã đem bè gỗ quý ấy sang tặng để nhà sư dựng chùa thờ Phật.

Nhận được gỗ quý, nhà sư vô cùng cảm kích, sau đó lập tức mướn người dùng gỗ lập chùa lấy tên là Thiên Lộc Tự, có nghĩa là “lộc trời”. Sau bởi tưởng nhớ vị thiền sư có công khai lập chùa, nên người đời sau còn gọi ngôi chùa với tên Thiên Lộc Thiền Tôn Tự. Khi chùa được xây xong, bà Sáu còn xin hiến tặng thêm một mẫu đất để lập miếu thờ 4 vị Long thần. Thế là một ngôi miếu thờ Long thần được cất lên trong khuôn viên chùa đến nay đã trải qua hàng trăm năm.
img

Hiện nay, bên cạnh ngôi nhà xưa của bà Sáu là miếu thờ của chính bà. Đối diện với ngôi miếu bà Sáu là miếu thờ ông Thạch. Trong đó thờ một tượng đá xanh, điêu khắc phần âm dương nam, nữ (Linga và Yoni), đây là phiến đá cổ đã vài thế kỷ do người Chăm để lại. Phần Linga nổi hẳn lên trên, phần Yoni khắc chìm xuống dưới rất khéo léo. Phiến đá Ông Thạch được thờ không chỉ như một tín ngưỡng mà còn là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật. Ngoài ra, miếu ông Thạch còn là biểu hiện của quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm.

Chùa Thiên Lộc Thiền Tôn nằm sâu trong một vùng đất làng quê, yên tĩnh và thơ mộng với lũy tre làng và dòng sông uốn lượn thơ mộng. Ở sân chùa có 12 cây tùng được trồng thẳng tắp, rất hài hòa theo lối “Thập nhị nhân duyên”. Bước vào chùa du khách còn được chiêm ngưỡng “Tân Đại hồng chung” đúc năm 1966 cao 1,6m, nặng 340kg. Đây là chiếc đại hồng chung lớn nhất nhì trong tỉnh Khánh Hòa, với tiếng ngân vang rất xa, mỗi khi nghe tiếng chuông chùa dường như lòng người tan biến hết những nhọc nhằn, âu lo trần tục.
(Theo Xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem