Kể chuyện làng: Ký ức về nghề nuôi vịt đẻ

Nguyễn Hải Phú Thứ tư, ngày 29/03/2023 09:07 AM (GMT+7)
Nuôi vịt phải nghèo? Không. Nghề nuôi vịt cũng khá, nếu…
Bình luận 0

 Dân gian có câu:

"Muốn giàu nuôi cá

Muốn khá nuôi heo

Muốn nghèo nuôi vịt".

Nuôi vịt con còn nhỏ, hay vịt đã lớn để lấy trứng là tùy điều kiện ruộng đồng và gia cảnh của mình, người ta chọn lựa để việc nuôi được hiệu quả cao nhất.

Ba tôi chọn nuôi vịt đẻ lấy trứng, là do:

- Đồng ruộng lúa quê tôi diện tích không lớn, mùa gặt chỉ diễn ra hơn một tháng là hoàn tất, không đủ thời gian nuôi vịt con tới lớn.

- Có bạn bè quen biết nuôi vịt đẻ ở Nam Bình Định khi quê họ vào vụ cấy cần đưa vịt đến nơi đang gặt lúa nuôi đỡ tốn kém. Quê tôi, làng Tuyết Diêm, (xã Xuân Bình, cận lân là Xuân Lộc, Xuân Cảnh) lại vào vụ gặt nên ba nhận vịt đẻ của bạn về nuôi. Cả hai bên đều có lợi: Chủ vịt không phải cho vịt ăn lúa quá tốn kém; ba tôi lo đấu giá mua đồng để thả vịt ăn lúa đổ, thu hoạch trứng. Đền hết vụ gặt thì trả vịt cho chủ cũ. 

Kể chuyện làng: Ký ức về nghề nuôi vịt đẻ - Ảnh 1.

Hình ảnh bản đồ xã Xuân Bình, Xuân Lộc, Xuân Hải. Làng Tuyết Diêm nằm trong xã Xuân Bình. Ảnh: Tác giả cung cấp

Nhưng nghề nuôi vịt đẻ không phải ai cũng làm được. Để vịt đẻ nhiều, không dịch bệnh, người chăn nuôi phải có "tay nghề". Nghĩa là đã tích lũy được kinh nghiệm nghề nghiệp.

Ngoài coi mạch trị bệnh, làm ruộng muối, nuôi vịt đẻ cũng giúp cho ba tôi có việc làm xoay vụ, góp phần ổn định cuộc sống. Vùng đất quê tôi khá cao, chỉ gieo trồng một vụ lúa bằng nước trời. Khoảng tháng 6 khi trời đổ mưa giông thì cánh đồng đất khô được cày trở, bừa cho nhuyễn rồi vãi những hạt lúa giống xuống đất, bừa lấp mặt. Hạt nào còn nổi lên trên sẽ làm món ăn cho bầy cu đất. Đến tháng 9 Âm lịch, mưa già, lúa đã lên gần tới gối, người ta tỉa những chỗ mọc dày, cắm vào chỗ thưa - gọi là cấy dặm. Sau tiết Đông chí thì lúa chín. Thời bấy giờ, lúa sinh trưởng dài ngày, năng suất còn thấp, nhưng những vé lúa chín vàng nặng trĩu đó khi gặt thường rụng rơi vãi xuống ruộng, trên bờ. Tận dụng của đổ, nghề nuôi vịt nảy sinh. Chỉ hơn một tháng, cả cánh đồng từ đám ruộng gò xuống đám ruộng sâu đều được gặt xong.

Tuy là lúa rơi xuống ruộng sau khi gặt, nhưng muốn cho vịt xuống ruộng ăn, chủ vịt phải "đấu giá đồng", tức phải đến chính quyền xã "tranh mua lúa đổ". Khi lúa chét đã trổ, lại phải mua "lúa chét" của chủ ruộng.

Kể chuyện làng: Ký ức về nghề nuôi vịt đẻ - Ảnh 2.

Cho vịt ăn ngoài đồng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Có lẽ một trong những nghề chăn nuôi cực khổ nhất là nuôi vịt đẻ. Dù trời mưa bão, dù bận giỗ, Tết vẫn phải chăn vịt ngoài đồng. Lùa vịt phải nhẹ nhàng, từ từ để nó đi, nếu nóng nảy đuổi xua nó phải chạy, bay hoặc để chó rượt thì ôi thôi, chó mà gặp vịt ở ngoài đồng chẳng khác nào như gấu gặp mật, mèo gặp mỡ - rượt cắn ngay. Vịt sẽ "sút" tức là đẻ non, đẻ ban ngày ngoài ruộng rồi nín đẻ.

 Nhà nuôi vịt nên bản thân tôi cũng có vài kỷ niệm gắn liền với con, trứng vịt.

Lần ấy, tôi để vịt vào ruộng lúa chưa gặt, bị chủ thả chó rượt cắn hết cả chục con, bầy vịt ngưng đẻ, bị ông già đánh một trận nhớ đời, sau không dám bỏ vịt đi chơi nữa.

Lúc 4 tuổi, một buổi trưa ba mẹ tôi đang ngủ, tôi thì thức để… làm đầu bếp. Nhà có trứng vịt cả thúng, tôi lấy từng cái đập ra đổ vào cái thau. Trong lúc đang say mê đập trứng thì có người quen đến tìm ba tôi, người này mới báo động cho ba tôi, tôi đang "học" đánh trứng chiên… Lần ấy, nếu không có người tìm ba chắc tôi đập hết cả thúng trứng vịt mà ba má không hay vì đang ngủ say. Tôi còn nhỏ nên được ba tha cho một trận đòn, dù vậy tôi vẫn nhớ mãi, tới nay đã trên 75 năm dài.

Một đám ruộng vừa gặt xong cho vịt vào ăn lúa đổ, cua, ốc… chỉ được vài ngày, ngày tiếp theo lùa vào đám ruộng mới gặt tiếp, cứ thế bầy vịt hàng ngàn con ăn khắp cánh đồng. Hết cánh đồng này chuyển sang cánh đồng khác. Đến nơi mới, tìm nơi gò cao để quanh mành nhốt vịt ban đêm. Tất nhiên, không có nhà cũng không cất chòi vì chừng vài tuần sẽ di chuyển đi nơi khác, che đỡ một chỗ ngủ sát bên mành nhốt vịt, cũng chẳng có giường, chỉ chiếc chiếu đơn trải trên nền đất lót rơm mà ngủ để giữ vịt, con người, con vịt gần gũi gắn bó nhau hơn bao giờ hết, cuộc sống người nuôi vịt luôn thiếu thốn suốt mùa theo đàn vịt đẻ. Không có thời gian đi mua thức ăn nên có khi chỉ luộc cái trứng vịt dằm chút nước mắm cho một bữa. 

Những đêm trời mưa vịt không sao nhưng người thì có khi phải chịu ướt vì chỗ ngủ che chắn tạm bợ. Nhưng nghề gì cũng có cái thú vị, nuôi vịt đẻ cũng thế. Với con mắt nhà nghề, cha tôi biết chính xác con vịt nào tối nay đẻ, con vịt nào nghỉ sanh. Theo đó, con vịt chuẩn bị đẻ thì chiều về chuồng là dáng đi lệch bệch, trứng đã sà xuống hậu môn, lấy tay sờ là biết, vịt hết đẻ không có trứng như thế. 

Mỗi ngày theo giữ chúng, tôi đứng trên bờ nhìn đàn vịt dàn hàng ngang rúc xuống nước cái đầu trồi sụt, xỉa xỉa tìm mồi như đang xem bức tranh quê thật sinh động. Mỗi khi có con bắt được con cua đồng, nó ngậm ở miệng xóc xóc chưa nuốt được, con khác thấy vậy chạy lại giành, đuổi nhau chạy khắp khoảng ruộng, thật vui. Những lần như vậy tôi thích lắm, chờ xem con nào thắng? Con vịt tốt đẻ sai là con vịt siêng tìm mồi. Ngày nào chiều về, bầu diều của nó cũng no ắp tận cổ. 

Hàng ngàn con vịt nhốt trong mành quanh tròn, mỗi chiều chúng đều được "kiểm kê", đủ mới thôi. Với cây sào bằng tầm vông dài, các chú vịt ngoan ngoãn chạy qua đầu sào, người nuôi canh đếm từng cặp, không sai một con. Tới bây giờ đã hơn 60 năm, tôi vẫn còn nhớ như in có một chiều khi đếm vịt, ba tôi đã khéo đè cổ bắt được con vịt trời theo bầy vịt nhà mà nó không kịp bay. Còn có vụ đi đòi vịt trong mành người khác. Hôm đó, bầy vịt nhà tôi cho ăn gần bầy vịt của một chủ cũng nuôi vịt đẻ. Hai con vịt bên tôi qua nhập bầy vịt của họ. Chiều về kiểm thấy thiếu, ông đến mành vịt kia nhìn hai con vịt của mình trong đó nhưng người ta không chịu. Thế là ba tôi vào chuồng dùng sào bắt đúng hai con vịt của mình mà người chủ vịt không cãi được. Người nuôi vịt thường làm dấu riêng dưới chân con vịt để khỏi lộn với vịt người khác. Cha tôi biết được vì hai con vịt nhà tôi do lạ chuồng, nó ngơ ngác muốn kiếm đường ra.

Một cái thú nữa là khoảng 3-4 giờ sáng là lúc vịt đẻ trứng, chúng kêu những tiếng cạp cạp nho nhỏ và dồn trứng thành từng ổ. Hừng đông ánh sáng còn mờ mờ, chưa rõ hẳn, nhưng nhìn vô mành vẫn thấy những ổ trứng trắng trắng thật đẹp, thích lắm! Giờ chỉ bước vô lượm. Đã có mối chờ mua, gánh về chợ cho kịp buổi sáng.

Kể chuyện làng: Ký ức về nghề nuôi vịt đẻ - Ảnh 3.

Vịt đẻ trứng ban đêm, sáng ra người nuôi thu lượm. Ảnh: Tác giả cung cấp

Cuối mùa nuôi vịt đẻ quê tôi trùng vào ngày Tết Nguyên đán. Hằng năm, khi chuẩn bị trả vịt cho chủ, do giữ gìn tốt không mất mát nên người nuôi được chọn bắt lại số vịt dành để bù hao. Do đó, ngày Tất niên, mồng 4 Tết cúng ông bà, nhà tôi năm nào cũng thịt những con vịt mập tròn. Vịt nuôi bằng lúa đổ, ruộng có ốc, cua đồng làm mồi thật là ngon béo, thịt thơm lừng. Thơm cái hương vị của đồng quê, thời niên thiếu của tôi tuy cơ cực, nhưng lưu đầy kỷ niệm thật đẹp, khó quên.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

                                                             

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem