Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nghèo tại Bắc bộ. Những ngày Tết ở quê tôi luôn là chuỗi ngày thời tiết hanh hao, còn phảng phất chút không khí se se lạnh của mùa đông. Mấy đứa trẻ nhà nghèo như chúng tôi khi ấy, trải qua những ngày thân thể cóng đơ vì gió táp mùa đông, nên dẫu thời tiết dần trở nên ấm áp hơn thì da vẫn khô khốc và mốc thếch. Mấy ngày đầu xuân, theo mẹ ra đồng thu hoạch bắp cải, su hào để dành bán Tết, chị em tôi thường xuýt xoa vì đôi môi nứt nẻ đến bật máu, đôi lần chỉ biết khờ khạo liếm môi để xoa dịu cảm giác đau đớn. Mẹ tôi xót con thường xuýt xoa hứa hẹn rằng, khi nào thu hoạch hết cánh đồng, bán được hoa màu, sẽ ra chợ mua cho mỗi đứa ít dầu dừa để dành thoa lên môi.
Lời hứa của mẹ khiến tôi chợt nhớ mấy hôm đến lớp, ngồi kế cô bạn "tiểu thư" thoang thoảng ngọt thơm dầu dừa như một viên kẹo. Khi đó, bao nhiêu giấc mơ của tôi đều đơn thuần trong ánh nhìn ngưỡng mộ cô bạn cùng lớp. Nhiều năm trôi qua, mỗi khi nhắc đến thời tiết rét mướt trước Tết ở quê, tôi lại nhớ đến hình ảnh bọn trẻ gò lưng, gồng tay, căng chân để đạp xe qua được những quãng dốc vắng bừng nở đầy hoa anh đào. Thi thoảng, những cơn gió se sắt lạnh thổi qua khiến mấy vòng xe xiêu vẹo, dấp dính, suýt đan vào nhau của nhóm bạn cứ như là diễn xiếc. Dù hài hước là thế nhưng chẳng có đứa nào cười nổi. Nụ cười để dành cho mãi đến nhiều năm sau, trong những lần gặp gỡ hiếm hoi, khi chúng tôi có dịp cùng nhau ôn lại kỷ niệm. Tôi vẫn nhớ phút giây bản thân được thả mình trên xe lao xuống dốc. Những ngày giá lạnh, kỳ lạ thay, cũng có nhiều khoảnh khắc sung sướng, mát rượi và khoan khoái như thế.
Hoài niệm về những ngày giáp Tết luôn mang đến cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc. Tôi nhớ lắm những đêm 30 thời còn thơ bé, tôi an tĩnh ngồi đọc sách giữa mùi hương thanh tao của hoa huệ trắng phảng phất chút hương trầm lảng bảng. Lại loáng thoáng nhớ cả nồi nước mùi già của bà nội trong những đêm cuối năm mưa bụi lây rây rồi cả những giây phút mọi người trong nhà cùng ngồi bên nồi bánh chưng khói cay xè mắt nghe ngâm thơ qua chiếc đài radio cũ kỹ của bà nội. Thi thoảng, tôi cũng nhung nhớ mùi nhang trầm đen mỗi dịp cuối năm, nội khẽ khàng thắp trên bàn thờ tổ tiên. Mỗi khi thấy nội tay run run, mắt đỏ hoe, đứng nghẹn ngào khấn trước di ảnh ông nội mấy lời tha thiết: "Anh đi rồi, nhà cửa vắng vẻ quá! Anh có gặp được ba mẹ chưa?", ba tôi lại cố nén nỗi xúc động, đứng một góc im lặng hồi lâu. Bà nội vẫn thường kể ông nội ra đi vào những ngày đầu năm, khi thời tiết ngày càng trở nên rét mướt hơn. Ông nội tôi khi ấy ho rất nhiều. Ông cứ ho và ho suốt. Bà nội sang làng bên cạnh, bốc được ít thuốc Nam, sắc cho ông một chén uống cho qua cơn ho. Đêm Giao thừa, bà đưa ông một chén thuốc vừa sắc, bảo: "Anh uống tạm đi, qua Tết mình đi khám xem sao". Thế mà ông tôi chẳng thể chờ thêm, cứ thế mà trút hơi thở cuối cùng giữa những ngày mùa xuân vẫn còn bên thềm cửa.
Thế là năm nào, bà nội tôi cũng dọn thêm một mâm cơm trước di ảnh ông nội bên cạnh bàn thờ tổ tiên. Tôi nghe xong câu chuyện ấy thấy lòng mình chùng xuống trong vài khoảnh khắc. Dẫu biết đời người vốn vô thường nhưng mỗi khi phải đối diện với giây phút sinh ly tử biệt luôn khiến người ta phải chạnh lòng thương xót. Bình hoa thược dược đỏ vẫn lặng lẽ tỏa hương thoang thoảng, mùi nhang đen cũng lẩn khuất khắp nơi khiến gian nhà cảng trở nên tịch mịch hơn, dẫu ngoài xa kia pháo hoa đã bắt đầu bắn đì đùng. Tết mùa nào cũng tràn ngập biết bao ký ức khó quên, cứ rưng rức trong tim mỗi khi nhớ về.
Hoài niệm về Tết xưa cũng có những ký ức thật đẹp. Chợt nhớ những ngày còn nhỏ, bản thân vẫn luôn trông chờ những ngày giáp Tết để được đi chợ. Trong đôi mắt của đứa trẻ ngây ngô là tôi khi ấy, phiên chợ cuối năm dường như có tất cả mọi thứ cần có cho một cái Tết. Chắc cũng vì lẽ đó nên dù mưa gió hay giá rét nhưng người đi chợ Tết vẫn như nêm. Hàng hóa cứ thế tràn cả xuống lòng đường. Đôi khi chỉ cần dăm bó chè xanh, vài quả bưởi hoặc ít quả trứng nhỏ cũng đủ dựng nên một gian hàng nhỏ ồn ào, tạo nên sự náo nhiệt giữa làng quê vốn quanh năm tĩnh lặng.
Bọn trẻ con ở quê tôi khi theo chân cha mẹ thường mải mê với những viên kẹo xanh đỏ, mấy cây tò he xanh đỏ. Những cụ già thường mải mê ngắm nghía mấy câu đối nho nhã, các anh chị thanh niên thì ùa vào hàng tranh ảnh và hoa giấy, ai cũng mong muốn tìm cho mình một thứ gì đó mới mẻ cho những ngày đầu xuân.
Phiên chợ Tết ở quê cũng có đào, có mận như những phiên chợ khác. Những cành hoa đơn thuần được chặt vội từ vườn nhà, không tỉa tót cầu kì như hoa ở thành phố nhưng lại mang đến một cảm giác rất thanh tao. Phiên chợ quê ồn ã nhưng không quá lộn xộn, chật chội nhưng không hề chen lấy xô đẩy. Mẹ tôi thường bảo mọi người đi chợ để chọn mua thực phẩm chỉ là một lẽ, phần còn lại cứ như đi trẩy hội, ngắm nhìn để chứng kiến quê mình đổi mới thế nào qua những phiên chợ cuối. Đi chơi chợ chắc cũng vì lẽ đó không tập trung quá nhiều vào mua bán, mà người quê thuần nông làm gì có nhiều tiền để sắm sang chứ, chỉ gắng mua cho con một bộ quần áo mới, mua cho cha mẹ một vài gói bánh, như một cách để lan tỏa niềm vui với cả gia đình.
Chợ quê ngày Tết năm ấy, có cô bé nhỏ cứ lân la theo tay mẹ, bước chân mò mẫm và ngập ngừng. Thứ gì cũng mang đến cho nó biết bao niềm yêu thích, nào chong chóng quay tít, nào tranh màu rực rỡ, nào bánh kẹo thơm phức… nhưng nó chỉ biết lặng lẽ ngắm nhìn. Đơn giản vì mẹ nó không có đủ tiền để chiều những sở thích. Nhưng không vì thế mà đứa bé buồn rầu, cũng bởi được đi chợ Tết đã là một niềm vui mới mẻ rồi.
Nhiều năm về sau, tôi dần trưởng thành, rời xa quê hương ra miền Nam lập nghiệp. Mùa xuân ở phương Nam nơi tôi sống luôn tràn ngập nắng ấm rực rỡ. Những tán lá xanh um, những bông sứ, bông điệp, bông dâm bụt… dọc đường luôn thắm màu và tươi hớn hở nhờ nắng. Mấy hôm nay, ti vi dự báo miền Bắc bắt đầu bước vào mùa rét với những đợt gió mùa bắt đầu dài và đậm lại khiến tôi chênh chao biết bao nỗi nhớ ngày Tết quê nhà.
Có cảm tưởng ngày Tết như một lời nhắc nhở những ai đang tất bật với công việc, những ai đang vất vả ngược xuôi, những ai đang xa quê hương rằng mùa xuân đã đến. Đó là thời điểm của cảm giác đoàn viên bên gia đình, khiến bất kỳ ai cũng phải bồi hồi nhớ lại hương vị của những ngày Tết xưa. Đó là thứ dư vị lạ kỳ nhưng sâu đậm luôn trỗi dậy, cồn cào trong mỗi người, mỗi độ Tết đến xuân về…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.