Kẽ hở khiến C.P đẩy trách nhiệm

Lê Hân Thứ hai, ngày 13/06/2016 11:31 AM (GMT+7)
Chúng ta đang khuyến khích chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có lợn theo hướng tập trung công nghiệp, hiện đại. Song dù phát triển theo hướng nào vẫn cần phải đảm bảo yếu tố bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế - môi trường.
Bình luận 0

Khái niệm “chăn nuôi gia công” được hình thành tại nước ta kể từ khi Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P quyết định đầu tư tại Việt Nam. Chăn nuôi gia công được hiểu nôm na là phía doanh nghiệp (ở đây là C.P) bàn giao con giống, vật tư thú y, thức ăn chăn nuôi cho người ký hợp đồng nuôi gia công cho C.P. Còn người chăn nuôi có nghĩa vụ xây dựng chuồng trại, đảm bảo khâu chăm sóc và xử lý môi trường chăn nuôi, C.P sẽ trả tiền công theo sản phẩm (con lợn) mà người nuôi có được.

Đối chiếu với các hợp đồng do chính C.P cung cấp cho thấy, phía doanh nghiệp (C.P) không phải chịu trách nhiệm gì về toàn bộ các khâu đầu tư chuồng trại, xử lý môi trường. Cụ thể, tại Điều 2.2 của một hợp đồng mẫu có ghi: “Bên B, tức hộ chăn nuôi xây hệ thống xử lý nước thải biogas, hạn chế thấp nhất không để xảy ra ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cộng đồng”.

Điều này có nghĩa C.P đã “đẩy” trách nhiệm xử lý môi trường về cho người chăn nuôi, còn mình chỉ biết cung cấp con giống thức ăn và thu mua sản phẩm (lợn) là xong. Chính bởi điều này, cho đến nay C.P đã phát triển tới 3.000 trang trại gia công với số đầu lợn ước tính 4-6 triệu con, nhưng dường như họ đứng ngoài vấn đề xử lý môi trường, mà đẩy hết về phía người chăn nuôi.

img

Những trang trại chăn nuôi gia công cho C.P vẫn ngày đêm xả thải, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: N.T.S

Trao đổi với NTNN, một số đại biểu Quốc hội cho rằng: “C.P đầu tư nuôi lợn ở nước ta, mọi thứ họ ăn hết, chỉ để lại cho ta mỗi… đống phân phải xử lý”. Điều này là rất đúng trong bối cảnh hiện nay, khi C.P thuê các hộ dân nuôi lợn dưới hình thức gia công, hình thức chi trả thường được áp dụng trả theo con lợn hậu bị xuất chuồng (155.000 đồng/con) hoặc theo trọng lượng với mức áp dụng 1.450-1.600 đồng/kg đối với lợn thịt. Còn lại tất cả các ràng buộc về xây dựng chuồng trại, xử lý môi trường, C.P không có nghĩa vụ gì.

Trao đổi với NTNN, lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, trong hợp đồng chăn nuôi này, chúng ta không có cơ sở để “bật” C.P, mà chỉ có thể áp dụng hình thức lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ trang trại chăn nuôi, thậm chí có thể đóng cửa trại lợn đó. Ở đây, rõ ràng bộc lộ nhiều vấn đề:

Thứ nhất, số lợn đó là của C.P, tức tài sản của công ty này. Như tại hợp đồng số 1601 ngày 16.1 giữa Chi nhánh Hải Dương 2, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam với Công ty CP Thương mại Đông Á, bên A (Công ty C.P) giao 2.400 con lợn nái cho bên B (Công ty Đông Á) nhận nuôi gia công. Có nghĩa, 2.400 con lợn trên là tài sản của C.P, được C.P giao cho Đông Á nuôi dưới hình thức gia công và số phân thải (từ đàn lợn của C.P giao) sẽ do bên Đông Á phải chịu trách nhiệm giải quyết.

Thứ hai, trong giá trị cấu thành số tiền mà bên B (tức người nuôi gia công được hưởng), hoàn toàn không đề cập đến các chi phí về xử lý môi trường, mà đây được hiểu là tiền công nuôi con lợn đó. Vậy thì người dân lấy đâu ra tiền để xử lý môi trường?

Chúng ta đang khuyến khích chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có lợn theo hướng tập trung công nghiệp, hiện đại. Song dù phát triển theo hướng nào vẫn cần phải đảm bảo yếu tố bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế - môi trường. C.P hay bất cứ công ty nào khác khi đầu tư tại Việt Nam cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc này. Song đáng tiếc, do các kẽ hở của luật pháp hiện nay đã dẫn tới việc một doanh nghiệp đang nuôi tới vài triệu con lợn trên đất nước ta nhưng lại không phải chịu trách nhiệm gì về môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem