Kết nối nông dân trồng cây thuốc nam

Thu Hà Thứ bảy, ngày 23/05/2015 10:13 AM (GMT+7)
Trong số 770 hộ dân của xã Chính Tâm (huyện Kim Sơn, Ninh Bình), có tới 500 hộ trồng cây thuốc nam (chủ yếu trồng loại cây trạch tả và bạch chỉ). Cây thuốc nam đang mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho người dân nơi đây.
Bình luận 0

Hỗ trợ đầu vào, ổn định đầu ra

Anh Trần Văn Thể - Chủ tịch Hội ND xã Chính Tâm cho biết: Tổ hợp tác (THT) trồng cây thuốc nam được thành lập từ tháng 5.2009 với 24 thành viên tham gia với diện tích đất trồng cây thuốc nam là 5ha. Nhiệm vụ chính của THT là chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, cung ứng giống cây và tìm đầu ra cho sản phẩm.

img
Nông dân xã Chính Tâm chăm sóc vườn cây thuốc nam bạch chỉ. Ảnh: Thu Hà
Theo anh Thể, nghề trồng cây thuốc nam đã có ở xã từ khoảng 30 năm trước, nhưng phải chục năm trở lại đây phong trào trồng cây thuốc nam mới phát triển rầm rộ.

 

Từ khi THT trồng cây thuốc nam được thành lập, mọi người kỳ vọng hình thức này sẽ góp phần phát huy thế mạnh của địa phương, giúp bà con làm giàu trên đất quê hương.

Ông Phạm Văn Kim – Tổ phó THT cho hay: THT sinh hoạt theo mùa vụ để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cũng như giải đáp thắc mắc gặp phải quanh việc trồng cây thuốc nam. Ngoài ra, THT còn chủ động tìm nơi cung ứng hạt giống giá rẻ cho ND và liên kết các đầu mối tiêu thụ sản phẩm cây thuốc nam, đứng ra thu mua sản phẩm cho thành viên với giá cao nhất trên thị trường.

Để tạo điều kiện cho hội viên có vốn đầu tư, Hội ND xã hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương. Từ tháng 2.2014, 14 hộ đã được vay tổng cộng 300 triệu đồng, trong thời gian 3 năm để phát triển trồng cây thuốc nam.

Lợi nhuận cao gấp 5 lần trồng lúa

Quan điểm

Ông Trần Văn Thể - Chủ tịch Hội ND xã Chính Tâm
  Từ dự án này, Hội ND xã đang xây dựng, mở rộng Tổ ND liên kết phát triển trồng cây thuốc nam đạt chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, thu gom xử lý phụ phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch, đảm bảo vệ sinh môi trường để hướng tới việc sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp hơn.  
Từ khi vào THT, chị Trần Thị Quế (xóm 1) đã cải thiện thu nhập hơn so với trước. Chị Quế tâm sự: “Trước đây, tôi chỉ biết tận dụng đất trống, vườn tạp để trồng 3 sào cây bạch chỉ. Tham gia THT, tôi thấy các thành viên trồng thêm cây trạch tả cho thu nhập từ 5-7 triệu đồng/sào, gấp 5-6 lần trồng lúa, tôi bèn thử trồng 2 sào. Kỹ thuật làm giống, chăm sóc, quy trình chế biến cây trạch tả rất phức tạp và cầu kỳ, nhưng được các bác trong tổ kỹ thuật hướng dẫn tận tình nên năm đó 2 sào trạch tả cho thu nhập tới 12 triệu đồng. Từ đó, vụ đông nào tôi cũng trồng thêm từ 3 – 5 sào trạch tả”.

 

Anh Phạm Văn Minh (xóm 2) cũng chia sẻ: “Sinh hoạt trong THT được nhiều cái lợi như được chia sẻ, trao đổi thông tin với các hội viên trong quá trình trồng cây thuốc nam, được THT đứng ra “bảo lãnh” giúp bao tiêu sản phẩm. Người ND chúng tôi thoát khỏi cảnh ép giá, được trả xứng đáng với công sức bỏ ra. Tôi có 4 sào vườn trồng bạch chỉ và 3 sào vụ đông trồng trạch tả. Mỗi năm, trừ chi phí tôi có thêm 40 triệu đồng, trồng thuốc nam không vất vả mà thu nhập lại cao”.

Thấy được lợi ích rõ ràng khi tham gia THT, số thành viên tham gia ngày càng đông. Sau 6 năm thành lập, số thành viên trong Tổ tăng lên 38 người với diện tích trồng cây thuốc nam là 15ha, gấp 3 lần so với diện tích ban đầu” - ông Phạm Văn Kim – Tổ phó THT cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem