“Khai tử” 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Thứ tư, ngày 06/07/2011 06:06 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc 6 tháng đầu năm xuất khẩu gần 4 triệu tấn gạo là một thắng lợi lớn của ngành. Tuy nhiên, tình hình 6 tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn nhiều biến động, trong đó sẽ có nhiều “cuộc ra đi” của doanh nghiệp.
Bình luận 0

Lùi thời gian thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm tại TP.HCM ngày hôm qua (5.7), đã thống nhất sẽ lùi thời gian thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu 2011 lại sau ngày 15.7.

Chủ tịch VFA - ông Trương Thanh Phong, lý giải rằng việc thu mua tạm trữ là để giữ giá lúa cao, đảm bảo nông dân có lời 30% nhưng giá lúa đang cao hơn mức 30% đó và hiện trong dân đã không còn lúa để mua.

img
Theo VFA, lượng lúa hè thu trong dân đã được tiêu thụ hết.

Theo tính toán của VFA, giá thành vụ lúa hè thu năm nay là 3.500 đồng/kg, trong khi giá thị trường đang trên 5.700 đồng/kg. “Kể cả khi mua 5.000 đồng/kg là mức thấp nhất mà chúng tôi cam kết, nông dân vẫn có lãi 43%. Nhưng thực tế hiện nay trong dân thu hoạch được bao nhiêu lúa hè thu là bán hết sạch, có đâu để mua tạm trữ” - ông Phong nói.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo VFA vẫn khẳng định rằng đã giao cụ thể chỉ tiêu thu mua 1 triệu tấn gạo cho 80 DN và chỉ cần thấy tình hình có biến động theo hướng bất lợi cho người nông dân là 80 DN này sẽ khởi động thu mua ngay.

Việc VFA lùi thời gian thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu còn do lãi suất ngân hàng hiện còn quá cao (trên 17%) trong khi giá lúa hè thu năm nay lại cao hơn mọi năm khiến doanh nghiệp không có lời. Mặt khác, lượng tồn kho chuyển sang quý 3 còn nhiều (tồn kho đến 30.6 là 1,36 triệu tấn) và lượng hàng hóa vụ đông xuân, hè thu sớm tăng thêm 920.000 tấn so với cân đối dự kiến lúc đầu.

Sẽ chỉ còn 80 DN xuất khẩu gạo?

Đầu quý 4/2011, ngành cũng sẽ chứng kiến sự thay đổi lớn trong đội ngũ của mình khi mà cho đến nay chỉ mới có 7 DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Theo đánh giá của ông Trương Thanh Phong, đến ngày 1.10.2011, là thời hạn cuối cùng để các DN có được giấy chứng nhận xuất khẩu gạo, sẽ chỉ có khoảng 80 DN trong cả nước đạt được tờ giấy thông hành này. Như vậy ngành sẽ chứng kiến sự ra đi của khoảng 200 DN lớn nhỏ còn lại.

Theo dự báo của FAO, sản lượng gạo toàn cầu năm nay vượt mức tiêu dùng, tồn kho năm 2011 ở mức cao nhất từ năm 2002. Trong đó, thị trường Ấn Độ tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất khi mà lượng tồn kho quá lớn, 27,6 triệu tấn gạo, sẽ bổ sung nguồn cung cấp cho thế giới và làm giảm sút giá thị trường trong năm nay. Dự kiến từ nay đến đầu năm sau, họ sẽ xuất khẩu ít nhất là 3 triệu tấn gạo”.

Ông Phong cho rằng đây là sự sàng lọc cần thiết khi mà hiện nay có quá nhiều DN tham gia xuất khẩu gạo trong khi số lượng xuất rất ít và 80 sẽ là con số hợp lý cho việc quản lý và phát triển ngành. “Mấy năm nay có sự bùng nổ của nhiều thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu gạo, trong đó nhiều DN không có cả cơ sở hoạt động, kho bãi hay kinh nghiệm xuất khẩu gì cả” - ông Phong nói.

Theo thống kê của VFA, năm 2010 có tới 284 DN xuất khẩu gạo và 6 tháng đầu năm nay là 211 DN tham gia. Trong đó số DN có lượng xuất khẩu trên 10.000 tấn trong 6 tháng đầu năm chỉ có 50 DN, chưa tới 24% trong tổng số DN xuất khẩu gạo, nhưng lại chiếm đến 92,7% lượng gạo xuất khẩu. 161 DN còn lại chia nhau miếng bánh nhỏ bé 7,3% (khoảng 285.000 tấn gạo).

“Nhiều DN xuất khẩu có 700kg, hoặc 1 tấn, 3 tấn, thậm chí có 1 tổng công ty lớn xuất khẩu được có mấy trăm tấn khiến ngành gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý” – ông Phong đánh giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem