Khóc dở mếu dở vì trót đặt cược sinh kế với... "vàng trắng"

Kiều Thiện-Thiên Ngân Thứ ba, ngày 05/01/2016 15:00 PM (GMT+7)
LTS: Sau gần 10 năm “Bắc tiến” (tính từ năm 2006 bắt đầu thí điểm trồng 3.000ha), cây cao su vẫn chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế, trong khi hàng nghìn hộ nông dân thì khóc dở mếu dở vì trót đặt cược sinh kế với loài cây được mệnh danh là “vàng trắng” này.
Bình luận 0

“Khó khăn quá chú ạ. Người trồng cao su chúng tôi kiến nghị mãi nhưng vẫn chưa được quan tâm giải quyết” – ông Lường Văn Khi- Trưởng xóm Củ Pe, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (Sơn La) ngao ngán bảo vậy.

Hoang mang khi hết tiền

Cuối năm 2008, 10 hộ dân tái định cư tại bản Củ Pe không khỏi vui mừng bởi họ được về tái định cư trên một vùng đất khá đẹp, đầy đủ cơ sở hạ tầng. Nhưng niềm vui lớn nhất là họ được góp đất trồng cao su và mỗi hộ có 1 người được tuyển vào làm công nhân Công ty cổ phần Cao su Sơn La (CSSL), tức là “làm cán bộ Nhà nước”. Riêng hộ trưởng xóm Lường Văn Khi có tới 2 suất công nhân do nhà ông góp vào công ty 2ha.

img

Trong tháng 5.2015, Công ty cổ phần Cao su Sơn La đã chặt bỏ hàng chục ha cây cao su đến tuổi thu hoạch vì sản lượng không như mong muốn. Ảnh: K.T

“Toàn bộ diện tích đất sản xuất của chúng tôi được giao đều nằm trong số diện tích đất mà Nhà nước đã giao cho Công ty CSSL nên khi chuyển về, sau mấy tháng ổn định nhà cửa, xóm chúng tôi có 11 người được công nhận là công nhân của công ty.

Tuy chẳng ai còn mét đất sản xuất nào, nhưng ngày ấy ai cũng vui lắm vì có nhiều chính sách hứa hẹn rất tốt nếu được làm công nhân. Nhà tôi có 6 khẩu, tuy chỉ có mình tôi được làm công nhân nhưng cũng  mừng vì việc làm trong năm đầu khá nhiều. Thu nhập năm đầu làm công nhân của tôi hơn 15 triệu đồng…” – ông Cam Văn Vui (xóm Củ Pe) cho biết.

Nhiều việc, lại được chấm công, ghi điểm, đo khoán, kiểm nhận rõ ràng và thanh toán sòng phẳng, dân xóm Củ Pe chẳng ai thấy có gì phải thắc mắc. Dù hộ được 1 hay 2 suất công nhân thì cả nhà cùng chung tay vào làm, hưởng chung lương.

“Ngày ấy thu nhập từ làm cao su cũng được 1-2 triệu đồng/tháng, cây cao su chưa khép tán nên còn trồng xen được ngô, lạc. Chúng tôi lại là dân tái định cư Thủy điện Sơn La có ít tiền của Nhà nước hỗ trợ nên cuộc sống chẳng khó khăn gì. Ai cũng tin vào nghề cao su ngày một giàu có. Rồi đây ngoài lương, chúng tôi còn có lợi tức được chia từ góp đất, có việc làm tăng thêm do cây cao su có mủ...” – bà  Lò Thị Thuận - vợ ông Vui nhớ lại...

Nhưng vài năm sau, việc của các công nhân cao su cứ ít dần, thu nhập giảm trông thấy, chỉ còn 5-6 triệu đồng/năm rồi đến lúc cả năm không có nổi một đồng; trong khi cây cao su đã khép tán, không thể trồng xen cây lương thực để có thêm nguồn thu. Người dân Củ Pe bắt đầu hoang mang thật sự.

“Hai năm nay chúng tôi không có nguồn thu nào từ cây cao su. Cả cái xóm với gần 50 khẩu này chỉ còn biết đi tìm việc ở bản, xã khác; ai thuê gì làm nấy, thu nhập rất bấp bênh. Trong bản đã xuất hiện tình trạng học sinh phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn như cháu Lò Văn Bàng con bà Điêu Thị Bình phải bỏ học khi hết THCS; cháu  Cam Thị Hiền con ông Cam Văn Vui thì bỏ học khi mới lớp 7; còn cháu Lò Văn Nhất con ông Lường Văn Vui  chấm dứt việc học hành ở lớp 9… Khổ đến thế nhưng người ta lại không cho chúng tôi được hưởng chế độ hộ nghèo” – Trưởng xóm Củ Pe - ông Lường Văn Khi buồn bã nói.

Lý giải về chuyện không được công nhận hộ nghèo dù không có nguồn thu, ông Cam Văn Vui cho biết: “Họ bảo nhà tôi có tủ lạnh, ti vi, xe máy, nhà sàn cột gỗ, điện thoại… Nhưng thực tế những cái đó là chúng tôi có trước khi chuyển về tái định cư ở đây, hoặc có xe máy là nhờ tiền Nhà nước hỗ trợ khi di dân tái định cư Thủy điện Sơn La năm 2008”. 

Vẫn chưa thỏa thuận được phân chia quyền lợi

Ông Cam Văn Vui cho biết thêm: “Chúng tôi kiến nghị nhiều thì gần đây, huyện Mai Sơn có bàn đến chuyện cho chúng tôi đấu thầu lại mấy ha đất ở đằng sau bản. Nhưng chỗ đất ấy, phần nào làm được nương thì họ đã cho người khác thầu rồi. Mấy ha mà họ định cho chúng tôi thầu lại là bãi thải của nhà máy tinh bột sắn, vừa lầy lội, vừa độc hại thì chúng tôi làm thế nào được?”.  

Khi được hỏi sao không báo cáo, kiến nghị tiếp với các cấp có thẩm quyền về những bất cập và khó khăn, Trưởng xóm Khi nghẹn ngào: “Chúng tôi kiến nghị nhiều lắm chứ, đến xã, huyện, tỉnh rồi Trung ương mà không thấy hồi âm. Ở nơi này, chúng tôi đã được hưởng đầy đủ chế độ di dân tái định cư Thủy điện Sơn La nhưng lại lấy của chúng tôi toàn bộ đất sản xuất để trồng cao su. Khi chúng tôi chuyển về đây, đất đã được giao cho Công ty CSSL, quy hoạch thành lô, thành khoảnh rồi, muốn từ chối cũng không được. Bây giờ chúng tôi muốn được tái định cư chỗ khác. Ở đâu thì cũng phải có miếng ăn hàng ngày...”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Luận - Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo phát triển cây cao su tỉnh Sơn La cho biết: Tỉnh đã nắm được những khó khăn của nông dân và đã có những giải pháp thiết thực để góp phần tháo gỡ. Trước hết là ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng của các địa bàn phát triển cây cao su: Xây dựng 9 trụ sở UBND xã, 23 công trình nhà văn hóa, nước sinh hoạt; mở mới 560km đường trong vùng cao su tạo thuận lợi cho giao thông giữa các bản; xây dựng 14 nhà trẻ, 13 nhà đội sản xuất...

Đã có 1.201 hộ trồng cao su được vay tổng số 6,8 tỷ đồng để mua bò. Tỉnh còn hỗ trợ vốn vay gần 86 triệu đồng cho các hộ về cây hoa màu trồng xen trên diện tích cao su khi chưa khép tán. Ngoài ra, tỉnh Sơn La đã quyết định chi trả mức hỗ trợ cho người dân từ 7 lần/7 năm đầu tư thành 1 lần để bà con có vốn đầu tư chăn nuôi, nuôi trồng, thủy sản, làm nghề phụ...

Cũng theo ông Luận, toàn bộ các hộ góp đất chưa thực hiện ký kết được hợp đồng kinh tế với Công ty CSSL là bởi chưa thỏa thuận được những điều khoản về việc phân chia quyền lợi giữa người góp đất và công ty. Nhưng đến nay, Công ty CSSL cũng đã tiếp nhận 4.301 lao động thường xuyên, trong đó đã tuyển chính thức 2.782 lao động. Lý do nhiều lao động chưa được tuyển dụng chính thức là bởi việc làm ở Công ty CSSL còn ít; cây cao su chưa cho thu nhập... 

Mặc dù Chính phủ không có chủ trương trồng cao su ở Đông Bắc, song các địa phương ở vùng này cũng đã tự trồng 47.000ha và Tập đoàn Cao su Việt Nam vẫn thành lập 3 công ty ở Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai để phát triển các dự án trồng cao su. 3 tỉnh có diện tích trồng cao su nhiều nhất là Lai Châu 9.700ha, Sơn La 6.700ha, Hà Giang 4.400ha. Sự phát triển nhanh của cây cao su tại đây góp phần tăng diện tích cao su cả nước lên hơn 910.500ha, vượt mức quy hoạch 800.000ha vào năm 2015.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem