Cuối tháng 7.2013 vừa qua, nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân (24.7.1945 – 24.7.2013), Ban liên lạc đồng hương huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã tổ chức cuộc gặp mặt đồng hương Hoằng Hóa tại hội trường Học viện Hành chính - Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ở số 77 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội.
Ngồi trong hội trường, nghe các ca sĩ là người Hoằng Hóa đang sinh sống tại Hà Nội biểu diễn toàn những ca khúc về Hà Nội, Tây Nguyên rất... chung chung, không dính dáng gì đến Hoằng Hóa quê mình, một ông nhà thơ thương binh chống nạng lên sân khấu đăng ký với Ban tổ chức xin đọc một bài thơ về chính mảnh đất đã sinh ra ông và tất cả những người đang có mặt tại cuộc giao lưu này. Bài thơ có tên là “Khúc xẩm tạ đất Trạng”. Trạng Quỳnh sinh ra và lớn lên tại xã Hoằng Lộc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Hiện đang còn nhà thờ Trạng tại đây.
Đáng tiếc, nhà thơ không nhận được sự đồng tình của Ban tổ chức vì: “Chương trình đã kín lịch mất rồi”. Nhà thơ bèn chống nạng quay lui, ẩn mình vào một góc khuất của hội trường. Rồi cuối cùng ông rủ mấy ông bạn thân là doanh nhân cỡ đại gia của huyện nhà đi uống rượu. Sau khi nghe thủng câu chuyện là nguyên do của cuộc uống rượu đột xuất, các ông bạn đại gia yêu cầu ông nhà thơ đọc bài thơ “Khúc xẩm tạ đất Trạng”.
Đọc xong, ông nhà thơ hỏi: “Thơ ấy mà không cần, thì người ta cần gì?”. Một trong hai ông bạn đại gia lặng lẽ mở cặp đưa ra một chiếc giấy mời. Tờ giấy mời ấy viết: “Kính mời ông…Phó tổng giám đốc tổng công ty… đến dự buổi gặp mặt đồng hương… Ban tổ chức kính mời và mong chờ nhận được sự tài trợ của ông…”.
Tờ giấy thứ hai mà ông bạn đại gia đưa ra tiếp sau đó là tờ phiếu tiếp nhận với nét chữ còn tươi rói màu mực: “Đã tiếp nhận từ ông … số tiền tài trợ là 10.000.000 đồng. Ban tổ chức xin trân trọng cảm ơn”.
Mọi người trong cuộc rượu im lặng chuyền tay nhau cả hai tờ giấy ấy. Và kể từ lúc đó, họ lặng lẽ uống mà không hề nói thêm bất cứ một câu chuyện nào nữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.