Hiểm nguy rình rập
Đó là câu nói cửa miệng của người già, trẻ nhỏ ở thôn Thượng Lâm (Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị) – nơi quanh năm phủ đầy bụi đá.
Ở cái đất Quảng Trị, chẳng nơi nào có núi đá nhiều mà lại nằm sát đường quốc lộ thuận lợi như Thượng Lâm. Vì vậy các doanh nghiệp thi nhau “nhảy” vào đây khai thác làm cho núi đá ngày càng “hao gầy”, “ốm yếu”. Việc khai thác đá gây bụi bặm khiến hơn 250 hộ/1.000 khẩu ở thôn Thượng Lâm sống trong ngột ngạt, bệnh tật, kêu ca nhiều nơi nhưng rồi chẳng mấy cơ quan giải quyết dứt điểm. Bởi lẽ, không khai thác đá thì lấy gì xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa… Vả lại, phân nữa dân cư thôn Thượng Lâm gắn cuộc đời với đá, cấm khai thác đá khác nào lật đổ nồi cơm của dân.
Từ ngày chồng mất, chị Lê Thị Vân phải bươn chải nhiều nghề, một tay nuôi con
Ông Nguyễn Chí – Trưởng thôn Thượng Lâm cho biết, việc khai thác đá có nhiều phân công như khoan đá, nhồi mìn, nổ mìn, xay đá, lái xe, xúc, ủi… Công đoạn nào cũng nguy hiểm nhưng dễ chết nhất là khoan đá, nhồn mìn. Những người này đi theo nhóm 3-4 người, bám theo sợi dây bảo hộ thô sơ leo lên các vách đá dựng đứng, nhọn hoắt đã không mấy chắc chắn vì phải hứng chịu nhiều trận nổ mìn long trời lở đất. Sau đó, họ dùng mũi khoan khoan thẳng vào vách đá núi, tiếp đó đặt mìn, kíp nổ vào lỗ khoan.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực chất việc khoan đá núi vô cùng gian nguy. Bởi vì, khi đang treo lơ lửng trên các vách đá, chỉ cần một sơ xuất nhỏ sẽ phải đánh đổi tính mạng. Ấy vậy mà thu nhập của họ cũng chỉ trên dưới 5 triệu đồng/tháng.
Nước mắt hòa theo… bụi đá
Dù không mong muốn nhưng ai đã theo cái nghiệp khai thác đá đều xác định có thể tuổi đời của mình sẽ ngắn lại bất thình lình. Nhưng vì miếng cơm manh áo họ đành chấp nhận “trao thân” cho “thần núi”.
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Cam Thành, từ năm 1980 đến nay có không dưới 15 người là con em trên địa bàn bỏ mạng vì… đá núi, trong đó chủ yếu là người thôn Thượng Lâm. Ở Thượng Lâm, có nhiều ngôi nhà thiếu bóng đàn ông như hoàn cảnh gia đình chị Lê Thị Vân (40 tuổi).
Để kiếm cơm, nhiều người phải chấp nhận nguy hiểm hàng ngày cheo leo trên các vách đá núi khoan lổ, nhồi mìn…
Đỏ hoe đôi mắt chị Vân cho biết, chồng chị là Lê Trọng Sang, công nhân Công ty TNHH MTV Đ.T.S. 2 giờ chiều ngày 12.2.2009, sau khi leo lên vách núi khoan, nồ mìn xong thì anh Sang chuyển sang công đoạn xử lý sau nổ. Khi đang cheo leo thao tác trên vách đá, anh Sang không may trượt chân rơi tự do từ độ cao 150 mét, chết tại chỗ. Trong ngày hôm đó, anh Phùng Thế Hải (40 tuổi, cùng công ty) cũng bị đá đập vào người rồi qua đời.
Mất đi trụ cột trong nhà, một mình chị Vân phải cáng đáng mọi việc lo cho hai đứa con thơ 6 tuổi và 11 tuổi cho đến nay. “Tôi giờ làm thợ đụng, ngày công chẳng mấy đồng. Con trai cả mới học xong 12 nhưng không có tiền học tiếp nên phải nghỉ học. Ở đây chẳng có việc gì nên tôi phải xin cho nó theo làm công đoạn xay đá, cũng lo lắm nhưng biết làm sao bây giờ”.
Gia đình chị Trần Thị Ánh (36 tuổi, trú thôn Cam Phú 3, xã Cam Thành) cũng đang quằn quại nỗi đau mất chồng. Sáng 28.8.2016 khi anh Hoàng Đức Lãnh (41 tuổi) là công nhân Công ty Cổ phần Tân Hưng đang di chuyển khoan lỗ để nổ mìn phá đá ở mỏ đá thôn Thượng Lâm thì bị rơi từ độ cao khoảng 10 mét xuống đất và tử vong.
Mang chiếc khăn tang trên đầu, chị Ánh khóc than: “Anh ra đi bất ngờ quá, giờ tôi không biết phải làm sao để nuôi hai con đang tuổi ăn học. Đúng là sinh nghề tử nghiệp, đời làm đá bạc quá trời ơi”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.