Kon Tum: Dân nhường đất cho thủy điện, 10 năm vẫn chưa tái định cư xong

Lê Kiến Thứ sáu, ngày 10/07/2020 08:53 AM (GMT+7)
Sau hơn 10 năm thực hiện, nguồn vốn 149 tỷ đồng đã sử dụng gần hết nhưng dự án tái định cư cho 126 hộ dân lòng hồ thủy điện PleiKrông do huyện Đăk Hà (Kon Tum) làm chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện xong.
Bình luận 0

Dân chưa đến ở đã chi hết tiền

Năm 2009, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt dự án "Quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk Hring" (nay là xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) để thực hiện tái định cư cho 126 hộ dân với 679 nhân khẩu vùng lòng hồ thủy điện PleiKrông. Thời gian thực hiện giai đoạn 2009 - 2015, tổng kinh phí gần 150 tỷ đồng do UBND huyện Đăk Hà làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, sau 11 năm kể từ ngày phê duyệt, chỉ có khoảng một nửa số hộ nằm trong quy hoạch về nơi ở mới, còn khoảng 60 hộ dân vẫn cố gắng bám trụ ở vùng đất cũ. 

Theo kế hoạch, mỗi hộ sẽ được cấp 2 ha đất sản xuất, 800m2 đất nhà ở và đất canh tác. Thế nhưng, diện tích đất cấp và số tiền trợ cấp càng giảm theo thời gian.

Kon Tum: Nhường đất thủy điện, 10 năm vẫn chưa định cư xong - Ảnh 1.

Làng tái định cư Pa Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà được xây dựng gần chục năm nhưng chỉ có 5 hộ đến ở.

Cụ thể, giai đoạn 2009- 2010, 52 hộ dân đầu tiên đã được chính quyền đón về nơi ở mới này. Tại đây, mỗi hộ được cấp bình quân khoảng gần 0,6 ha đất canh tác và 400m2 đất ở. Ngoài ra, mỗi hộ dân khi về nơi ở mới còn được dự án hỗ trợ 41 triệu đồng xây nhà, 1 triệu chi phí vận chuyển.

Giai đoạn 2, từ năm 2011-2015 có thêm 74 hộ dân khác cũng được chính quyền dự định bố trí định cư tại khu tái định cư này. Theo đó mỗi hộ chuyển lên được cấp 400m2 đất ở và 0,5 ha đất canh tác. Đồng thời mỗi hộ dân chuyển đến được hỗ trợ 32 triệu đồng để xây nhà.

Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành sau 2 lần gia hạn để tái định cư cho người dân. Nguồn kinh phí theo dự toán ban đầu đã chi gần hết nhưng vẫn còn gần một nửa số hộ dân vẫn chưa thể đến nơi ở mới.

Vì sao dân chưa chịu tái định cư?

Theo ghi nhận tại điểm tái định cư thôn Pa Cheng (xã Đăk Long), có hàng chục ngôi nhà được xây dựng dở dang. Phần lớn các ngôi nhà này chỉ dựng lên cái khung trơ trọi, không có tô trét, không có cửa… trông chẳng khác nào những căn chòi hoang. Giếng không có nước nên để cỏ dại mọc um tùm. Cả làng chỉ có 5 hộ dân đến ở.

Kon Tum: Nhường đất thủy điện, 10 năm vẫn chưa định cư xong - Ảnh 2.

Những căn nhà tái định cư chỉ xây khung, không tô trét, dân không đến ở trông như căn chòi hoang.

Chị Y Tuyền (trước đây nhà ở làng Long Loi, thị trấn Đăk Hà) nói: "Gia đình mình lên đây ở từ tháng 8/2019, ở dưới đó không còn đất nên mới lên đây. Nhà nước hỗ trợ thêm 28 triệu xây nhà, còn mình bỏ thêm tiền để làm cho đẹp. Bà con ở làng cũ không ai muốn chuyển lên đây vì không có đủ nước, giếng đào gặp đá. Nhà nước cho khoan giếng nhưng cả 4 hộ dùng chung vẫn không đủ, lúc tắm phải đi xuống ruộng".

Tương tự, bà Y Vang (60 tuổi) tay bế cháu nhỏ than thở: "Lên đây buồn lắm, chỉ có vài nhà thôi. Đất sản xuất cũng thiếu, chỉ được cấp 28 triệu xây nhà và 500 cây cà phê. Xây nhà xong mình còn nợ 30 triệu. Trước ở làng cũ nhà mình có 2ha đất, được nhận đền bù 45 triệu đồng".

Kon Tum: Nhường đất thủy điện, 10 năm vẫn chưa định cư xong - Ảnh 3.

Giếng không có nước, người dân ở khu tái định cư đành sống khổ trên vùng đất mới.

Theo thông tin của UBND xã Đăk Long cho biết, hiện tại Ban Quản lý dự án đầu tư huyện Đăk Hà vẫn chưa bàn giao lại khu tái định cư này cho địa phương. Vẫn còn khoảng 60 hộ chưa đến ở.

Theo ông Ka Pa Thành - Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, nguyên nhân khiến người dân chưa chuyển đến khu tái định cư là do đất sản xuất chưa bảo đảm. Ngoài ra cũng có 1 phần nguyên nhân do việc thiếu nước sinh hoạt. 

Huyện đang cho các phòng ban chuyên môn rà soát quỹ đất để hỗ trợ sản xuất cho người dân. Về việc người dân phản ánh tiền hỗ trợ ít không đủ xây nhà, huyện sẽ rà soát lại… Ai làm sai phải chịu trách nhiệm. 

Đối với những hộ dân đã về khu tái định cư, UBND huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các điều kiện để người dân ổn định cuộc sống. Các hộ dân chưa chuyển đến, địa phương sẽ tiếp tục vận động để người đến sinh sống tại khu tái định cư.

Kon Tum: Nhường đất thủy điện, 10 năm vẫn chưa định cư xong - Ảnh 4.

Bà Y Vang - làng Pa Cheng, xã Đăk Long nói: "Sống ở đây buồn lắm, chỉ vài hộ dân. Thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt nên các hộ dân khác không muốn tới ở".

Được biết năm 2010, UBND huyện Đăk Hà thuê rà phá bom mìn, vật liệu nổ trên đất dự án 420 ha và thanh toán 14,8 tỷ đồng. Nhưng đến tháng 9.2011, UBND huyện Đăk Hà mới có tờ trình gửi UBND tỉnh Kon Tum xin chủ trương bổ sung hạng mục rà phá bom mìn và vật liệu nổ vào dự án.

Hiện tại, số tiền thực hiện dự án tái định cư hơn 149 tỷ đồng đã chi trả gần hết nhưng công tác định cư cho dân vẫn còn ngổn ngang. Để có vốn tiếp tục triển khai dự án, huyện Đăk Hà đề nghị Trung ương bố trí thêm hơn 16 tỷ đồng và lồng ghép các nguồn vốn, chương trình khác khác tại địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem