Kỳ 3: Những người kiên nhẫn xóa bỏ "cây trồng chủ lực"

Quốc Tuấn Thứ tư, ngày 04/07/2018 19:05 PM (GMT+7)
Đã rất nhiều thế hệ đồng bào vùng cao từng coi cây thuốc phiện là nguồn thu nhập chính và là thứ cây trồng "chủ lực". Do vậy, thuốc phiện ở vùng cao từng được dùng vô tội vạ. Thậm chí, có những bản tới 80% đàn ông nghiện thuốc phiện, có những gia đình cả nhà đều nghiện thuốc phiện, hậu quả để lại vô cùng nặng nề.
Bình luận 0

Kiên trì vận động xóa “cây chủ lực”

Với sự kiên trì bám bản, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và giúp dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các cán bộ vùng cao huyện Bắc Yên (Sơn La) từng bước lấy lại sự bình yên cho vùng cao và đẩy lùi được thứ cây đã làm khổ bao thế hệ người dân vùng cao... Hành trình triệt phá cây thuốc phiện nơi vùng cao Tây Bắc như ngắn lại từ những việc như thế này...

img

Người dân các bản của xã Háng Đồng nhận vịt giống do huyện hỗ trợ. (Ảnh: Q.T)

Cũng như các thế hệ cán bộ xã tăng cường trước đó, đã hơn 2 năm, kể từ ngày được tăng cường lên làm Bí thư Đảng ủy xã vùng cao Háng Đồng, anh Vương Hồng Hải đã có rất nhiều chuyến công tác đến từng hộ dân ở các bản vùng cao của xã để tuyên truyền, vận động đồng bào phá bỏ cây thuốc phiện, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Trên đường ngược từ Háng Đồng ra, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những em học sinh người Mông trên tay xách những bó rau rừng, những xâu ếch hay bó củi khô để xuống núi học chữ. Lãnh đạo xã khoe với chúng tôi: Các bản của Háng Đồng từ 5 năm trở lại đây đã giảm hẳn việc tái trồng cây thuốc phiện, một số bản đã biết trồng lúa nước. Họ đã biết được tác hại của việc trồng cây thuốc phiện và muốn thay đổi cuộc đời con cái họ bằng việc cho chúng cái chữ

Như bản Làng Sáng là một bản đặc biệt khó khăn của xã, muốn đến bản phải đi bộ khoảng 5 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Cũng bởi đi lại vất vả nên tới tận bây giờ, lãnh đạo huyện mới chỉ có vài người đến được với bản, còn các cấp cao hơn thì chưa có ai đến được với bản.

Ấy vậy mà trong khoảng thời gian gần 2 năm tăng cường tại xã, anh Hải đã có trên 20 lần cùng các đoàn công tác bám bản để tuyên truyền, vận động đồng bào các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó nội dung giúp dân thấy được tác hại của ma túy, vận động người nghiện đi cai nghiện ma túy hay phá bỏ cây thuốc phiện chiếm tới 60% chuyến công tác tại Làng Sáng.

Anh Vương Hồng Hải thông tin: Trước đây, mỗi lần các đoàn công tác lên với các bản vùng cao để tuyên truyền về công tác ma túy là y rằng gặp phải sự không hợp tác của người dân.

Họ thể hiện bằng cách không cho cán bộ ngủ ở nhà mình, không bán thực phẩm cho cán bộ lên nằm vùng. Khi cán bộ đến nhà, ngoài cửa lại treo lá xanh (theo phong tục của đồng bào vùng cao nếu cửa nhà treo lá cây thì không được vào). Do vậy, quá trình đi tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn.

Nhưng "nước chảy đá mòn". Cùng với việc tuyên truyền, vận động, xã đã ra nghị quyết chuyên đề trong việc phân công các đồng chí trong Ban thường vụ xã, đảng viên phụ trách từng nhóm hộ, khu vực. Nhiệm vụ là giúp dân thấy được tác hại của ma túy thông qua tuyên truyền bằng tờ rơi, băng đĩa và kết hợp với việc giúp dân kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.

Song song với đó, xã đã tham mưu với huyện, tỉnh có những chính sách trong việc hỗ trợ cây giống, con giống và vật tư để đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Nếu từ năm 2007 trở về trước, tại các bản vùng cao của xã Háng Đồng, người dân chủ yếu trồng lúa nương năng suất thấp, nuôi gia cầm không đủ để cung cấp cho nhu cầu hằng ngày, thì nay đồng bào đã trồng được gần 200ha lúa nước, đã nuôi được trên 4.000 con gia súc và hàng chục ngàn con gia cầm theo hướng hàng hóa.

Những vạt rừng trước đây chỉ để trồng cây thuốc phiện, nay đã được phủ bằng hàng trăm ha dong riềng, cây sơn tra, sa nhân và chanh leo...

Mặc dù, tỷ lệ hộ nghèo ở bản vẫn còn 69% nhưng quan trọng nhất là đồng bào đã thay đổi được tư duy trong phát triển kinh tế, không còn coi cây thuốc phiện là cây trồng "chủ lực" như trước nữa...

Tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Tìm hiểu được biết, trong những năm qua, xác định vấn đề tái trồng cây thuốc phiện có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của đồng bào vùng cao nên sau khi khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 21-CT/TW ngày 26.3.2008 về “tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới”, Ban thường vụ Đảng ủy xã Háng Đồng đã tổ chức quán triệt đến tất cả các khối, đoàn thể, các bản và cán bộ, đảng viên.

img

Cán bộ huyện và xã tuyên truyền công tác phòng chống ma túy tại bản Háng Đồng A. (Ảnh: Q.T)

Theo đó, xã luôn xác định và tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ công tác triệt xóa cây thuốc phiện, vận động nhân dân không tái trồng gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao đời sống cho người dân, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần được chú trọng.

Ông Mùa A Chu - người có uy tín của bản Háng Đồng C, từng nghiện thuốc phiện, từng lén lút vào rừng tái trồng cây thuốc phiện, khẳng định: Nếu không có cán bộ xã và sự động viên của người thân trong gia đình, tôi khó có thể từ bỏ được thuốc phiện. Không chỉ giúp những người nghiện cai được thuốc phiện, từ bỏ được thứ cây đã làm khổ mình, xã còn giúp các hộ cách trồng lúa nước, nuôi con bò, con gà...

"Những ngày đầu, cán bộ ăn, ngủ ở bản để giúp các hộ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu rõ được tác hại của ma túy. Như bản của tôi, nhiều năm nay không còn hộ nào tái trồng cây thuốc phiện nữa. Mặc dù cuộc sống còn khó khăn nhưng chúng tôi không bị ma túy làm khổ nữa, có lại được sức khỏe để lao động sản xuất”, 

Trong công tác tuyên truyền, vận động, ngoài việc phân công cán bộ, đảng viên bám bản, bám dân, Ban thường vụ Đảng ủy xã Háng Đồng còn tổ chức hội nghị cho 100% các bản vùng cao ký cam kết "5 không, 5 có". Đẩy mạnh công tác quản lý, nắm chắc địa bàn, coi trọng và phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền bản và Ban chỉ đạo từ xã đến các bản về công tác phòng, chống ma túy.

Ông Lê Văn Kỳ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, chia sẻ thêm: Với tinh thần kiên trì, bền bỉ của các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng và toàn thể nhân dân, đến nay, huyện Bắc Yên đã giảm được đáng kể diện tích tái trồng cây thuốc phiện. Trong đó, tại các xã vùng cao đã không còn trồng phổ biến như những năm trước nữa.

Những nương từng trồng thuốc phiện một thuở giờ đã được thay bằng cây ngô giống mới, dong riềng, lúa nước, sơn tra... mang lại hiệu quả cao, gắn với các chương trình, dự án giúp người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa.

"Tuy nhiên, để xóa bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện và tìm hướng đi mới cho bà con bằng việc thay thế, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới là cả một quá trình, một cuộc đấu tranh quyết liệt trong tư tưởng và cả hành động. Người dân đã đoạn tuyệt cây thuốc phiện nhưng các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm đời sống của bà con", Chủ tịch huyện Bắc Yên nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem