Chúng tôi vô cùng thích thú khi nghe người dân nói về những chiếc giếng kỳ bí nơi non ngàn này. Sau hơn nửa ngày rong ruổi, chúng tôi đến một ngôi làng mang tên Tà Pa, xã Sơn Thượng (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) để tìm hiểu thực hư.
Già Đinh Văn May, người giữ giếng của làng Nước Tăm đang cùng mọi người chuẩn bị lễ tạ ơn thần giếng
Những ngôi nhà sàn bằng gỗ nằm chênh vênh bên triền đồi hoặc im ỉm sát những cánh rừng già âm u là nơi cư ngụ của đồng bào H're ở Sơn Hà (Quảng Ngãi) bao đời nay. Trên đoạn đường tìm về chiếc giếng đặc biệt được coi là bảo vật của người dân làng Tà Pa, chúng tôi liên tục nhận được lời chỉ dẫn tận tình của người dân địa phương và cũng được nghe kể về những giai thoại kỳ bí của chiếc giếng đã gắn bó với người dân làng này từ thuở xa xưa.
Bên bếp lửa, già làng Đinh Văn May, một già làng cao niên nhất của làng Tà Pa trầm ngâm nhớ lại những câu chuyện nửa thực nửa hư của vùng đất này với vốn tiếng kinh bập bõm: “Tiếng H're thì “kà lạ arâm” nghĩa là cúng giếng. Muốn lập làng, có làng, có dân thì phải đi tìm nguồn nước tốt, phải đào giếng trước. Đó là quy luật sống của đồng bào mình. Nếu giếng nước bị “sỉ nhục” thì cả làng phải chịu tội, phải chịu chết, phải bệnh tật, phải đi nơi khác. Nên phải có người thực hiện “xà rươn” (điều cấm kỵ) và cúng giếng nước ngày tết hay lễ mừng lúa mới. Phong tục này có từ mấy trăm mùa rẫy rồi cũng không nhớ nữa”.
Theo tập tục thì người giữ giếng phải là người có uy tín, làm ăn khá giả, nói được thì làm được và nhất là biết phân xử công lớn, việc nhỏ của cộng đồng ở… giếng nước. Đó là vinh dự cũng là trách nhiệm rất nặng nề của “ngài”. Chính vì thế, được sự tin tưởng của người dân trong làng, già làng Đinh Văn May đã được bà con kính trọng giao cho công việc giữ giếng, một công việc được coi là quan trọng nhất trong làng, đảm bảo mạch nước, cũng như mạch sống của cả làng.
Vậy là, cứ đến lễ mừng lúa mới, lễ tạ ơn hay ngày tết của người H're thì người giữ giếng lại đứng ra làm lễ “kà lạ arâm” cho cả làng để cầu chúc cho người dân trong làng một mùa màng bội thu. Dù có hệ thống nước sạch theo chương trình 135 về tận thôn bản, nhưng 5 làng Gò Răng, Tà Pa, Nước Tăm, làng Vố, làng Nưa của xã Sơn Thượng đều phải có một giếng thiêng. Già Đinh Văn May kể lại, từ thuở xa xưa, khi nào có người H're bị bệnh, lập tức người giữ giếng sẽ mang người đó ra giếng thần để chữa bệnh.
“Nếu lấy gang tay phải đo cánh tay trái mà thừa hay thiếu thì không có bệnh, còn nếu đo đến giữa lòng bàn tay thì người đó đang bị bệnh rồi đó” - già May khẳng định. Sau màn bắt bệnh, người giữ giếng sẽ quấn khăn trắng lên đầu, chọn con gà trống tơ có đuôi dài, lá cây phải được rửa bằng nước giếng trước khi cúng nếu không thần giếng sẽ quở trách. Ngài cúng máu gà tươi quanh giếng, và chỉ xin thần phù hộ cho đồng bào khỏe mạnh, gia đình hòa thuận. Rồi cả làng ăn lộc tại giếng thần luôn. Người giữ giếng sẽ lấy chân trái của con gà cúng để “chẩn đoán” người bệnh bị đau cái gì, đau ở đâu. Rồi lấy tiếp giò phải để xem “con ma bệnh” thích ăn gì thì sẽ cúng cái đó. Giờ đây, những tục bắt bệnh như vậy rất ít. Chủ yếu do người bệnh có nhu cầu về mặt tâm linh thì nhờ đến ngài.
Người H're giờ đã biết đưa người bệnh đến bệnh viện cứu chữa. Nhưng với họ như vậy không có nghĩa là không cần đến người giữ giếng nữa. Dù đi bệnh viện, nhưng người nhà của người bệnh vẫn lấy áo hoặc váy, khăn của người bệnh mang ra giếng thiêng để làm lễ tiễu trừ con ma bệnh. Già May bảo với người H're, thuốc chỉ chữa lành phần xác còn phần hồn thì vẫn phải nhờ đến “giếng thiêng”.
Điều đặc biệt nhất về giếng của làng Tà Pa này là giếng luôn luôn có nước. Dù mùa mưa hay mùa khô, dù những năm hạn hán nước giếng của người dân trong làng đều cạn khô hay nước sông hồ quanh vùng đều trơ đáy thì giếng làng này vẫn có một nguồn nước róc rách chảy ra trong vắt, ngọt lành đến kỳ lạ.
Sự huyễn hoặc có cánh
Sự linh thiêng của giếng Tà Pa còn được biết đến qua những câu chuyện truyền miệng của người dân nơi đây. Một người dân kể rằng: “Những ai đến thành tâm xin nước giếng uống thì về sẽ gặp may mắn, còn những người tới giếng mà buông lời tục tĩu hoặc làm việc bậy bạ ở giếng thì sẽ bị trừng phạt. Trước đây có người đàn ông trong làng cởi hết quần áo vào múc nước giếng tắm, khi về thì bị ngứa ngáy khắp người, da nổi những nốt lạ chạy chữa khắp nơi mà không khỏi phải tới khi làm lễ cầu khấn, tạ lỗi tại miếu thờ giếng thì mới đỡ”.
Người giữ giếng Đinh Văn May (thứ 2 bên phải) trong một buổi hòa giải của gia đình Đinh Thị Oanh và Đinh Văn Trân
Người làng cho rằng ông này đã bị thần giếng phạt vì dám làm việc thô tục ở chốn linh thiêng. Khu vực xung quanh giếng cũng được cho là vùng đất thiêng, những người sống trong khu vực này đều rất khó ở. Trước đây cũng có một gia đình làm nhà sinh sống trong mảnh đất có giếng và sử dụng nguồn nước giếng để ăn uống. Tuy nhiên, khi sống ở đây họ luôn cảm thấy lo sợ, không làm được việc gì thành công.
Trong công việc nhà, người phụ nữ H'rê có thể giặt giũ bên “giếng thiêng”, nhưng họ không được giặt đồ lót sẽ ô uế, và nhất là không được lấy đá đập, hay vỗ tay gây ra tiếng động vì họ sợ con quạ nghe thấy sẽ bắt gà, con cọp bắt mất trâu… Người ở làng này không được sang lấy nước giếng của làng khác vì sợ năm đó nuôi con trâu, con bò không được, dân làng không khỏe mạnh.
Một điều đặc biệt là với người dân nơi đây, mỗi khi có người đau ốm hoặc trong gia đình xảy ra lục đục sẽ được giải quyết ở... giếng nước. Nơi đây, biết bao câu chuyện huyền bí của một tộc người diễn ra chỉ quanh… cái giếng. Một lãnh đạo UBND xã Sơn Thượng kể lại câu chuyện mà chính ông đã chứng kiến, rằng mới đây ở làng Vố, trẻ con bắt gặp Đinh Thị Oanh là vợ của Đinh Văn Trân ngoại tình với Đinh Văn Đủ người cùng làng. Nhà Trân mời các già làng và già May giữ giếng đưa ra giếng để phân xử. Chị Oanh và người tình phải góp con heo to để làm lễ cúng giếng thiêng.
Trong lễ cúng này, già May khấn rồi hỏi lý do vì sao ngoại tình, già tiếp tục hỏi người chồng, và đại diện nhà chồng. Xong xuôi ngài lấy nước giếng thiêng “rửa tội” cho 2 người và tắm heo để tế. Vậy là anh Trân vẫn chấp nhận vợ, còn chị Oanh thì hiểu mình đã sai. “Hai vợ chồng nớ mới sinh thằng con trai kháu lắm. Còn người tình tên Đủ không bao giờ được đi qua nhà này nữa” - già May cười nói thêm. Ở đây bao nhiêu đôi vợ chồng có gì xích mích cũng đưa ra giếng để khấn. Khấn xong lại sống yên vui. Đặc biệt, trai gái cưới nhau sẽ được người giữ giếng làm lễ tạ thần giếng và là chứng nhân của 2 vợ chồng.
Vì thế, theo nhiều người dân nơi đây cho biết thì đồng bào H're “xử” rất nặng với người nào phụ tình. Người đó không được phép ở lại làng cũ nếu không cả làng sẽ không được khỏe mạnh, làm ăn không tốt. “Người H're rất kỵ sự lẫn lộn như giếng nước làng này làng khác ăn và đồng bào rất quý trọng sự chung thủy vợ chồng. Nếu ai phạm phải sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng” - già May khẳng định…
Từ những câu chuyện tưởng chừng như truyền thuyết xung quanh cái giếng thiêng Tà Pa kỳ lạ này đã khiến người ta tâm linh rằng, đó chính là một phần lịch sử có thật của huyền thoại nơi đây. Giếng Tà Pa với dòng nước ngầm vô tận, chảy suốt quanh năm giúp cho người dân vượt qua từng cơn hạn hán, đảm bảo nguồn nước ăn uống và sinh hoạt cho cả dân làng, chở che cho người dân mỗi khi thiên tai hoạn nạn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.