Kỳ bí hoa văn lạ bỗng dưng hiện trên nền giếng cổ

Thứ hai, ngày 17/03/2014 08:03 AM (GMT+7)
Nhiều năm nay, người dân xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa truyền tai nhau về những hoa văn lạ trên bức tường của Nghè Đồn.
Bình luận 0
Điều đặc biệt là Nghè này được xây dựng trên một chiếc giếng cổ đã bị vùi lấp, nên người dân tin rằng, những hình vòng tròn kỳ lạ trên tường chính là mô phỏng hình giếng cổ.

Hoa văn lạ


Nghè Đồn nằm cách di tích Thành nhà Hồ khoảng 1,5km về hướng Tây Bắc. Nghè rộng 3 gian nằm trên một ngọn đồi cao cạnh bờ sông Mã, từ đây có thể phóng tầm mắt bao trùm toàn bộ khu vực xung quanh, bao gồm cả Thành nhà Hồ.

Cụ Nguyễn Văn Hy, 88 tuổi, người trông coi Nghè Đồn lật đật dẫn chúng tôi lượn quanh điện thờ chính tìm những hình vẽ lạ, rồi kể về lịch sử của ngôi đền mấy trăm năm tuổi: "Trước kia khi vua Lê Lợi đi đánh giặc, đóng quân trên con đường phía cửa Tây Thành nhà Hồ. Đêm về ông được thủy thần báo mộng rằng: "Nhà ngươi cứ đánh giặc đi, ta sẽ giúp ngươi thắng giặc. Khi thắng trận trở về, nhà ngươi phải lập đền thờ tạ lễ".

Khi giặc Minh kéo vào xâm chiếm nước ta, Lê Lợi đem quân đi giết giặc, trên đường hành quân qua đây liền lập đàn tế, sau đó sai người đi tìm một hòn đá vuông rồi khắc chữ "thủy thần hộ quốc lưu dân" và sai người chôn hòn đá xuống một cái giếng sâu ngay trên đỉnh núi".

Sau lễ tế cầu an của vua Lê Lợi, người dân nơi đây được cơm no áo ấm, mùa vụ bội thu. Để tưởng nhớ công ơn của vua Lê Lợi và thủy thần, người dân đã dựng 3 gian nhà tranh ngay trên miệng giếng cũ, hướng quay ra sông Mã để tiện bề thờ cúng.

img
Vòng tròn kỳ lạ xuất hiện trên tường Nghè Đồn.
Theo người dân địa phương thì khi có cuộc sống ấm no, người dân phá nghè cũ, xây dựng nghè mới khang trang, sạch đẹp hơn. Nhưng rất lạ là trên tường nghè mới bỗng xuất hiện những nét vòng tròn uốn lượn khắp hai đầu đốc tường. Lúc đầu thưa thớt, chỉ có vài đường như trẻ con lấy que vẽ bậy lên, những đường nét kỳ lạ này xuất hiện với mật độ ngày càng dày rồi kín mít cả bức tường.

Đặc biệt hơn, những hình vẽ lạ không chỉ xuất hiện ở những bức tường cổ, mà khi trùng tu, sửa chữa, đập tường cũ xây tường mới những nét vẽ lạ đó vẫn xuất hiện trở lại như thể được rập khuôn từ trước khiến nhiều người tò mò.

Theo quan sát của chúng tôi thì càng lên trên nóc nhà, những nét vẽ này càng rõ nét hơn. Ngay cả những bước tường của nghè bị mưa gió, lâu ngày làm hỏng mới được trát lại cũng đã có những nét vẽ lạ, nhưng còn mờ và cạn hơn những nét vẽ ở trên.

Nhiều người đến đây đều thấy lạ vì những đường nét do nó tự nhiên xuất hiện, nét vẽ chỉ nhỏ như que tăm nhưng lại rất đậm, đặc biệt là bức tường bên phải của nghè. Cụ Hy khẳng định, những vòng tròn kỳ lạ trên là do nước mưa làm xói mòn bức tường, qua nhiều năm thì tạo thành những vòng tròn kỳ lạ đó chứ không hề có trẻ con đến vẽ bậy hay người chạm khắc vào.

img
Người dân địa phương cho rằng, những hình vẽ này mô phỏng giếng cổ.

Hình vẽ giếng cổ?

Theo người dân địa phương thì những vòng tròn lạ trên bức tường của Nghè Đồn có liên hệ với cái giếng không đáy đã được Lê Lợi vùi lấp khi chôn bia "thủy thần hộ quốc". Nói là không đáy bởi nó có mạch nước to thông ra sông Mã, khi Lê Lợi chôn hòn đá có khắc chữ "thủy thần hộ quốc" xuống đây, một thời gian sau hòn đá bất ngờ xuất hiện ở bờ sông Mã.

Ở làng Đồn ngày nay còn lưu truyền câu chuyện kể rằng, khi Lê Lợi hành quân qua đây thì người, ngựa đều mệt mỏi, khát nước. Nghĩa quân đang loay hoay tìm nguồn nước uống thì phát hiện một cái giếng ngay trên núi. Lê Lợi sai quân làm gầu múc nước, thế nhưng quân lính thả dây rất dài mà vẫn không chạm tới đáy giếng. Lê Lợi lại sai quân lính buộc dây vào hòn đá thả xuống để đo độ nông, sâu.

Nhưng kỳ lạ là quân lính cứ nối dây dài mãi ra mà hòn đá vẫn cứ lăn đi, không hề thấy đáy. Lê Lợi cho rằng, đáy giếng có thể chạm tới lòng sông, đáy biển nên cho người rút dây lên rồi huy động lính ném bia đá "thủy thần hộ quốc" xuống và dùng đất đá lấp đầy đến miệng giếng, sau đó Lê Lợi tự tay trồng một cây si tại đây để ghi dấu tích.

img
Cụ Hy lần tìm hình vẽ cổ.
Ba năm, sau khi Lê Lợi đánh thắng giặc Minh, ông hành quân về Nghè Đồn để tạ ơn vị thủy thần trước kia đã phù trợ đánh giặc cứu nước, khi đến bờ sông thì thấy bia đá nằm ngay sát bờ cạnh bến đò. Ông lên đến ngọn đồi thì thấy cây si mới trồng 3 năm mà đã to lớn khác thường. Lê Lợi cho quân hạ trại, làm lễ bái tạ thủy thần.

Trong lúc nghỉ ngơi, ông vô tình nhặt lá si lên xem thì thấy lá si nào cũng bị sâu rỉa những vòng tròn. Ông liền đưa cho Nguyễn Trãi xem, Nguyễn Trãi lật ngửa lá si lên thì thấy có một dòng chữ "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần". Sau, nhờ có những dòng chữ này mà trên đường hành quân, ông cho người viết chữ rồi bôi mỡ dọc nét chữ để kiến ăn nhằm tạo dựng sức mạnh lòng tin của nhân dân đối với nghĩa quân trong các trận đánh.

Theo người dân địa phương thì những hình vòng tròn trên bức tường của Nghè Đồn giống với những hình vòng tròn trên lá si mà Lê Lợi từng nhìn thấy. Những vòng tròn đó có lẽ là mô phỏng lại hình dạng giếng không đáy, nơi Lê Lợi đã từng chôn bia đá "thủy thần hộ quốc".
"Đến nay, trên miệng giếng cũ vẫn còn nguyên ban thờ từ cách đây hàng trăm năm để thờ cúng thủy thần. Hằng năm làng Đồn vẫn làm lễ kỳ phúc, rước nước từ sông Mã về để tạ lễ, tưởng nhớ về vị thủy thần đã ban phúc cho làng, nhờ thế mà làng làm ăn ngày càng thịnh vượng".

Cụ Nguyễn Văn Hy
(Theo Kiến thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem