Kỳ công săn giống chó cổ xưa nhất Việt Nam

Thứ sáu, ngày 27/09/2013 11:01 AM (GMT+7)
Để có được những chú chó H’mông thực sự ưng ý, người chơi phải lặn lội hàng trăm km rồi cuốc bộ nhiều ngày liền đến khu vực có đồng bào H'mông sinh sống lâu đời để tìm mua chó.
Bình luận 0
Hải Anh ở lì nhà người H'mông đó gần một tháng trời. Ngày nào anh cũng lên nương, đi rừng đốn củi như những thành viên trong gia đình họ. Sau một thời gian dài thân tình, gia đình người H’mông đó thấy “ưng bụng” (quý mến- PV) và biếu anh con chó họ rất yêu quý mà chẳng lấy một đồng tiền.

imgHải Anh bên một chú chó cộc mà anh phải lặn lội nhiều ngày liền mới có được.

Đổi chó quý bằng gạo và muối

Để có được một con chó cộc ưng ý của người H'mông không phải là dễ, theo Hải Anh, một tay chơi sành về loại chó này cho biết, không phải có nhiều tiền để sở hữu được chó đẹp. Vì tìm mua chó cộc H’mông thường, có thể đến bất kỳ khu chợ nào của người H'mông, tuy nhiên đó là giống chó mà đồng bào thải loại, chất lượng không cao.

Để tìm mua được những chú chó H’mông thực sự ưng ý, người chơi phải lặn lội hàng trăm km rồi cuốc bộ nhiều ngày liền đến khu vực có đồng bào H'mông sinh sống lâu đời để tìm chó.

Nhớ lại những kỷ niệm trải dài cung đường Hà Nội - Tây Bắc để tìm chó H'mông cộc, Hải Anh không thể quên chuyến lặn lội lên tận vùng cao Mèo Vạc (Hà Giang), cách đây gần 2 năm.

Lần ấy, anh xin nghỉ phép 1 tuần để thực hiện niềm đam mê của mình. Cũng chỉ nghe người ta nói ở khu vực Mèo Vạc có nhiều người H'mông sống và rất có thể ở khu vực đó có chó H'mông cộc giống tốt. Vậy là Hải Anh khăn gói lên đường, sẵn sàng vượt mấy trăm km để tìm giống chó quý.

Sau đoạn đường dài, gần như lấy hết sức lực của chàng trai trẻ cường tráng đã được huấn luyện khắc nghiệt, Hải Anh còn phải đi thêm 30 km nữa, với “phương tiện” duy nhất thực hiện được đó là cuốc bộ. Đôi chân của chàng trai trẻ gần như quỵ xuống thì thấy xa xa những chiếc váy xòe rực rỡ phơi trên hàng rào, lúc này bao nhiêu mệt mỏi trong anh bỗng tiêu tan.

Đến nhà một người dân, anh gặng hỏi mua chó, người đàn ông H'mông lắc đầu quầy quậy. Đi đến một số nhà khác, tình hình vẫn không khá hơn, họ đều không bán chó. Bởi người dân H'mông rất quý chó, con chó không khác gì thành viên trong nhà…

Đồng bào H'mông không đặt nặng vấn đề tiền bạc nên dù có trả đến 30 triệu đồng/con họ vẫn lắc đầu. Hải Anh mặt tiu ngỉu đành quay trở về.

Sau chuyến đi dài ngày mà chẳng được việc, Hải Anh học hỏi được nhiều kinh nghiệm xương máu. Đồng bào dân tộc H'mông không thích tiền, với họ thì gạo và muối quý hơn nhiều. Tuy nhiên nếu đi vào thời điểm họ vừa thu hoạch nông sản thì họ cũng không bán chó, mua chó dễ nhất là thời điểm giáp hạt.

Khi đó chum gạo của họ cạn kiệt, người đến mua chỉ cần đổi bao gạo, túi muối hoặc túi xà phòng là được một con chó quý, tính ra chỉ mất vài trăm nghìn. Còn nếu đi mua vào lúc cái bụng họ no thì dù có trả cả hai ba chục triệu đồng họ cũng không tha thiết.

Theo Hải Anh thì ngoài thời gian giáp hạt, vào những đợt mưa gió lũ lụt dài ngày nương rẫy gần như trắng xóa hoa mầu cũng là thời điểm có thể mua được chó. Khi đó chỉ cần vài cân gạo, cân thịt hay cân muối là cũng có thể đổi được con H'mông cộc ưng ý.

Tuy nhiên, những ngày mưa gió nguy hiểm như vậy mà lội bùn vượt núi qua mấy chục km rừng núi thì cũng chỉ có những tay mê chó cực độ mới dám làm.

Ăn chực, nằm chờ để mua

Từ kinh nghiệm nhiều chuyến lên vùng cao săn chó H'mông cộc, Hải Anh cho biết, để chọn được con chó tốt thì phải “mục sở thị” tận bếp của người H’mông. Bởi theo quan niệm của đồng bào Hmông thì bếp là nơi quan trọng nhất, nơi giữ lửa, giữ ấm cho mọi người trong gia đình. Nó linh thiêng như gian bàn thờ của người Kinh.

Với người H'mông, các vật dụng lao động dựng trong bếp chính là những “vị thần” đã giúp họ làm ra của cải, nuôi sống họ từ đời này qua đời khác. Chính vì thế mà con chó nào được nuôi trong bếp chứng tỏ con đó rất khôn ngoan và được gia chủ cưng chiều. Chúng được coi là thần giữ của của gia đình họ. Còn những con chạy loăng quăng ngoài sân, hàng rào là những con chó loại.

Trong cái giá lạnh dưới 0 độ của vùng sơn cước, chó con vừa đẻ thường rất dễ bị chết. Vì thế, con tốt nhất sẽ được chó mẹ cắp vào gần bếp lửa, con ấy sẽ sống và sau này rất khôn ngoan. Chủ nhà cũng thường quan sát và chọn con ấy làm con nuôi trong bếp. Những con chó cực khôn rất hiếm khi có mặt ở chợ phiên, họ thường giữ lại để nuôi.

Trong những lần đi săn chó H'mông cộc, Hải Anh không thể nào quên chuyến đi vào mùa đông năm ngoái. Lúc ấy, ở Hà Nội trời đã lạnh, nhưng đi lên Hà Giang, đặc biệt là vùng người H'mông sinh sống cái lạnh âm 5 độ khiến cho những đầu ngón tay của một cậu con trai Hà thành cứng như đá, cắn vào tay không thấy cảm giác đau. Lại lặn lội đi bộ hơn ba chục cây số, Hải Anh mới tới được bản của người H’mông.

Dù tiết trời lạnh lẽo nhưng tình cảm của đồng bào H'mông khiến trái tim của cậu con trai Thủ đô ấm lòng. Anh đi vào nhà ai cũng được tiếp đón nồng hậu như người thân trong nhà đi xa lâu ngày trở về. Vào nhà ai gia chủ, cũng giết gà để tiếp đón.

Họ tất bật vui vẻ, người thì lên rẫy gọi người thân về chơi với khách, người thì đun nước giết gà, nấu cơm ngon. Những điều mà mấy chục năm sống ở đất thị thành anh chưa hề cảm nhận được, thậm chí trong suy nghĩ anh cũng không tưởng tượng được tình người nồng hậu ấm áp đến vậy. Bất giác anh lại nhớ đến những vụ hôi của khi có người gặp tai nạn mà thấy nhoi nhói trong lồng ngực.

Đi đến nhiều nhà trong bản, anh ưng ý nhất con H'mông cộc có màu vằn lửa. Sau buổi uống rượu thịt gà say bí tỉ với chủ nhà, anh ngỏ ý muốn đổi gạo lấy con H'mông cộc. Người đàn ông cười khì khì rồi lắc đầu nguầy nguậy.

Tưởng rằng chủ nhà chưa đồng ý với số gạo ấy, Hải Anh nói sẽ thêm 10 triệu đồng nữa. Chủ nhà vẫn cười, lắc đầu. Nhìn con vằn lửa nằm trong gian bếp ưng ý quá trong khi kì nghỉ phép đã hết, đắn đo mãi anh quyết định gọi điện thoại xin phép cơ quan, quyết dùng tất cả số ngày nghỉ phép của mình trong năm để ở lại mua bằng được con vằn lửa này.

Người dân ở đây có đặc điểm rất mến khách, khách ở lại bao lâu cũng được, ngày nào họ cũng thiết đãi rất cẩn thận. Hải Anh ở lì nhà người H'mông đó gần một tháng trời. Ngày nào anh cũng lên nương cùng gia đình họ, về nấu cơm, chặt củi như những thành viên trong gia đình họ. Sau một thời gian dài thân tình, gia đình người H’mông đó thấy ưng bụng và biếu anh con chó họ rất yêu quý.

Hải Anh từ biệt gia đình người H'mông tốt bụng kia và vác con chó hơn chục cân xuyên qua rừng. Hơn một ngày sau anh cũng đến đoạn đường có thể đi xe máy rồi bắt xe về Hà Nội. Mất đứt tháng trời nghỉ phép cuối cùng cũng Hải Anh sở hữu được con Tun.

“Bây giờ sống cùng nó mới thấy thời gian gan lì ở lại gia đình người H'mông kia quả không uổng”- Hải Anh tâm sự.

Tuy nhiên không phải ai trong giới sành chơi chó H'mông cộc cũng may mắn được như Hải Anh. Anh Tiến, người sở hữu chú chó tên Mic “huyền thoại”, được trung tâm Nhiệt đới Việt Nga nghiên cứu, gặp tôi khi trên tay vẫn còn vết băng truyền nước.

Mọi người nhìn cái dáng gầy tong teo, nước da đen nhẻm của anh mà thương. Anh đi Hà Giang bốn lần, ròng rã cả mấy tháng trời mà kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Và còn phải nhập viện trong tình trạng suy kiệt sức khỏe và tiếp nước liên miên mấy tuần.

Anh Tiến bùi ngùi kể lại: “Biết đồng bào dân tộc hiếu khách, anh đã ở lại nhà của một người có con chó mà anh vô cùng ưng ý. Con này có mõm hơi ngắn và rộng ngay từ phần dưới mắt, thu hẹp dần dần về phía chóp mũi. Chóp mõm của chú chó này có hình hơi tù, lưỡi to, có các vệt màu đen hoặc tím, có 8 răng nanh đặc biệt đuôi chỉ dài chừng 2 cm.

Với đặc điểm đuôi ngắn như vậy, anh biết chắc nó không bị lai tạo với giống chó khác, bởi nếu lai tạo thì đuôi sẽ không thể giữ được độ ngắn và những đặc điểm về mõm, hông, lông không thể giữ được nét cổ xưa của dòng chó này. Ưng con chó này nhưng để thuyết phục gia đình họ bán thì không thể.

Suốt một tuần liền anh Tiến ở lại nhà người H'mông ấy, ngày nào cũng được họ thiết cơm với thịt gà nhưng nói đến chuyện bán con chó thì nhất định không. Đã có lúc anh trả tới 27 triệu đồng nhưng vẫn không được gia chủ chấp nhận.

Anh ở nhà họ suốt một tuần vẫn không thể có con chó. Về Hà Nội được mấy ngày, anh không thể quên ý nghĩ phải mua bằng được con chó ấy. Anh lại lên, cứ như vậy 4 lần liền nhưng lần nào cũng thất bại.

Nhìn cánh tay còn dính băng truyền nước, tôi hỏi đùa “anh đã đầu hàng chưa”, anh tủm tỉm “chờ sức khỏe phục hồi rồi tính tiếp”.
Đời sống và Pháp luật (Theo Đời sống và Pháp luật)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem