Sáng 6.7, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã xét xử phúc thẩm vụ kỹ sư Lê Văn Tạch kiện Công ty Toyota Việt Nam (TMV), liên quan đến vụ kỷ luật lao động kỹ sư này. Đáng chú ý trong phiên xử sáng qua là việc phía nguyên đơn (kỹ sư Lê Văn Tạch) cho rằng, cấp toà sơ thẩm đã mắc hàng loạt sai phạm tố tụng ở mức độ nghiêm trọng.
|
Kỹ sư Lê Văn Tạch trong phiên phúc thẩm sáng qua, 6.7. |
“Qua các phương tiện thông tin đại chúng, có thể thấy trong rất nhiều vụ tranh chấp lao động, vai trò của Công đoàn cơ sở rất mờ nhạt. Vụ tranh chấp của kỹ sư Lê Văn Tạch chính là một minh chứng điển hình” - phát biểu của luật gia đại diện cho ông Tạch tại toà.
Vị luật gia đại diện cho ông Tạch khẳng định, tòa sơ thẩm có đến 5 vi phạm nghiêm trọng về tố tụng: Không mời đại diện Ban chấp hành Công đoàn TMV tham gia tố tụng; chấp nhận sự sai lệch vị trí tố tụng của vị Chủ tịch Công đoàn TMV (ông Ngô Thành Trung - Chủ tịch Công đoàn TMV tham gia tố tụng sơ thẩm với tư cách đại diện cho chủ sử dụng lao động); không triệu tập hai người làm chứng theo đề nghị của nguyên đơn; không tạo cơ hội để chứng minh sự vô tư của những người tiến hành tố tụng; bác bỏ nhiều đề nghị của nguyên đơn, song trong bản án không đưa ra căn cứ vì sao.
Phía nguyên đơn đã trích dẫn các quy định pháp luật, chủ yếu từ Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Công đoàn, để chứng minh cả 5 vấn đề trên đều vi phạm quy định pháp luật ở mức độ nghiêm trọng.
Chẳng hạn, phía nguyên đơn trích dẫn Điều 11 Luật Công đoàn “Khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc Tòa án xét xử tranh chấp lao động, phải có đại diện của Công đoàn tham dự và phát biểu ý kiến”, để khẳng định cấp toà sơ thẩm không mời đại diện Ban chấp hành Công đoàn TMV tham gia tố tụng là vi phạm pháp luật.
Tranh luận lại, phía TMV cho rằng 5 vấn đề tố tụng phía nguyên đơn đưa ra “không nằm trong nội dung kháng cáo”, “đề nghị HĐXX không xem xét”.
Phía nguyên đơn “phản pháo” rằng ông Tạch kháng cáo toàn bộ bản án, do vậy, HĐXX cấp phúc thẩm phải xem xét toàn bộ bản án sơ thẩm bao gồm cả phần tố tụng và phần nội dung.
“Hơn nữa, chúng tôi nêu ra những sai phạm tố tụng không chỉ nhằm giải quyết tranh chấp giữa đôi bên đương sự, mà còn để bảo vệ pháp chế XHCN nói chung” - vị đại diện cho ông Tạch nói.
Với quan điểm này, phía nguyên đơn đề nghị bà kiểm sát viên tham gia phiên toà với tư cách giám sát tuân thủ pháp luật cho ý kiến.
Phát biểu quan điểm, bà kiểm sát viên không trả lời câu hỏi đặt ra từ phía nguyên đơn.
Thay vào đó, bà kiểm sát viên đọc một văn bản soạn sẵn khá dài; phần tố tụng có thể gói gọn là HĐXX và các đương sự tham gia phiên toà “đã tuân thủ đúng quy định pháp luật”; phần lớn dung lượng văn bản dành để phân tích từng điểm trong nội dung kháng cáo của nguyên đơn, đánh giá chi li xem cần chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu này, yêu cầu kia...
Những người dự toà khá bất ngờ trước phát biểu của bà kiểm sát viên, bởi nhận thấy nó đã “lấn sân” HĐXX, xem xét cả nội dung vụ án.
Trong khi đó, với tư cách giám sát tuân thủ pháp luật, căn cứ vào Luật Công đoàn, lẽ ra vị kiểm sát viên cần vạch ra rằng chính cấp toà phúc thẩm cũng đang mắc đúng lỗi tố tụng của cấp sơ thẩm, đó là không mời vị đại diện Ban chấp hành Công đoàn TMV tham gia và phát biểu quan điểm tại toà.
Bản án được HĐXX tuyên đọc đã bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo của kỹ sư Lê Văn Tạch (bỏ qua không nhận định các cấp toà có cần phải mời đại diện Công đoàn TMV tham gia phiên toà không).
Bản án không gây bất ngờ với những người dự toà. Điều đọng lại với họ là câu hỏi phía nguyên đơn đã nêu ra: “Một điều khoản bé nhỏ mập mờ gây nhiều tranh cãi trong Nội quy lao động của TMV đã được cấp toà sơ thẩm ra sức bảo vệ; trong khi một quy định hết sức rõ ràng trong Luật Công đoàn của Nhà nước Việt Nam lại không được áp dụng; điều gì đang xảy ra ở đây?!”.
Theo Tiền Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.