Kỹ thuật chăm sóc heo con sơ sinh

Thứ tư, ngày 17/08/2011 05:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngay khi vừa sinh ra, heo con rất cần được chăm sóc cẩn thận nhằm hạn chế tỷ lệ chết và gia tăng hiệu quả chăn nuôi. Do đó, bà con cần chú ý thực hiện đầy đủ cách thức chăm sóc cũng như cách ăn uống của heo con.
Bình luận 0

Dưới đây là những tư vấn chi tiết hơn của Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam phối hợp với TS Đỗ Võ Anh Khoa - chuyên gia lĩnh vực chăn nuôi (Trường ĐH Cần Thơ) nhằm giúp bà con có được đàn heo con khỏe mạnh, mang lại kinh tế cao.

img
Heo sơ sinh giống GF 280 sau khi sinh được 2 giờ.

1. Cho heo con bú sữa đầu:

Heo con mới sinh cần được lau khô, cắt rốn và cho bú sữa đầu ngay vì sữa đầu có chứa hàm lượng vật chất khô cao, đặc biệt là protein, vitamin, kháng thể A-globulin và MgSO4... Nhưng sữa đầu chỉ hiện diện trong vòng 24 giờ sau khi sinh nên cần phải cho heo con bú sữa đầu càng sớm càng tốt để có thể nhận được kháng thể của mẹ truyền qua sữa. Do đó không nên cắt răng heo con sớm vì việc này có thể làm heo con bị đau ê hàm giảm sức bú mẹ.

Cho heo con bú còn tạo sự kích thích để tiết ra Oxytocin giúp heo mẹ tăng sự co bóp tử cung sinh con nhanh hơn, đồng thời giảm áp lực gây căng cứng bầu vú ở heo mẹ. Tuy nhiên, không nên cho bú chậm vì có thể làm heo con bị mất năng lượng, cứng hàm.

2. Cố định đầu vú:

Cố định đầu vú cho heo con sẽ đảm bảo được tất cả heo con đều được bú sữa đầu, nhất là trong trường hợp số heo đẻ ra vượt quá số vú thì cần thực hiện cho bú luân phiên. Việc này cũng góp phần làm nâng cao tỷ lệ đồng đều của bầy heo con, vì do giữa các vú khác nhau sẽ có sản lượng sữa khác nhau.

Cho heo nhỏ bú vú ngực nhiều sữa. Cố định vú cho heo con cũng là cách tập cho heo con có phản xạ trong khi bú nhằm nâng cao sản lượng sữa mẹ, vì sản lượng sữa tiết ra phụ thuộc vào sức bú của heo con, trạng thái thần kinh của heo mẹ khi cho con bú, nên khi không có sự tranh giành thì heo mẹ sẽ ổn định tinh thần giúp sữa tiết nhiều hơn.

3. Nhốt riêng heo con vào lồng úm:

Trong những ngày đầu tiên, sưởi ấm lồng úm ở mức 32oC, cho bú theo cữ cách khoảng 1,5 - 2 giờ. Việc nhốt riêng heo con những ngày đầu để dễ kiểm soát nhiệt độ úm heo con, việc tiết sữa của heo mẹ và nhất là tránh heo mẹ bị mỏi mệt mất sức sau khi sinh.

4. Tiêm sắt cho heo con:

Liều lượng chuẩn từ 150 - 200mg Ferdextran vào ngày thứ 3-4.

5. Tập ăn cho heo con:

Tuổi tập ăn là từ 4-7 ngày tuổi, cho ăn theo nguyên tắc ít và thường xuyên. Với heo đực, việc thiến không để giống sau này rơi vào 7-14 ngày tuổi.

Sau giai đoạn chăm sóc dinh dưỡng ban đầu cho heo con, bà con tiếp tục tiến hành công đoạn cai sữa cho heo con ở độ tuổi 20-28 ngày. Chỉ cai sữa cho heo con khi heo con khoẻ mạnh, thể trọng đạt trên 6kg, hoặc heo con đã quen với thức ăn. Không nên cai sữa cho heo con lúc thời tiết bất thường (mưa bão…).

Trước khi cai sữa cho heo con phải giảm dần dần số lần bú mẹ, ít nhất trước 3 ngày để tránh hiện tượng sốt sữa trên heo mẹ và heo con bị tiêu chảy. Tập heo con tách mẹ và tăng dần thời gian cho đến khi tách hẳn. Thời gian tách mẹ tốt nhất là vào ban đêm. Khi tách mẹ nên giữ heo con lại trong chuồng, chỉ chuyển heo nái sang chuồng nái khô chờ phối.

Không chỉ chú trọng chăm sóc đàn heo con, bà con cũng cần chú ý tới giai đoạn nuôi dưỡng heo nái tách con. Cụ thể:

Chăm sóc nuôi dưỡng heo nái tách con:

- Ngày tách con cho nái nhịn ăn và uống rồi chuyển nái sang chuồng nái khô chờ phối, giữ heo con tại chuồng.

- Ngày thứ hai cho nái uống nước, cho ăn thức bằng 1/3 khẩu phần nái khô.

- Ngày thứ ba ăn tỷ lệ 2/3, ngày thứ tư cho theo tỷ lệ 3/3.

- Nếu heo lên giống cho heo ăn tự do 1-2 ngày đến khi phối giống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem