Ký ức Hà Nội: Cảm xúc khó quên về Thủ đô sau mỗi lần ghé thăm
Ký ức Hà Nội: Cảm xúc khó quên mỗi lần về thăm Thủ đô
Nguyễn Đức Quân (Sơn La)
Thứ hai, ngày 22/08/2022 10:39 AM (GMT+7)
Sẽ là một thiếu sót nếu thăm Thủ đô mà chúng ta lại không muốn thêm một lần sống lại cảm xúc hào hùng của dân tộc. Tôi đến thăm cầu Long Biên một chứng nhân lịch sử của dân tộc, cây cầu thép đầu tiên bắc ngang con sông Hồng do người Pháp xây dựng...
Có dịp trở lại thăm "cố nhân" vào đúng một ngày cuối hạ đầu thu của 2 năm trước bất giác tôi nhớ tới câu nói của các cụ vẫn ví "tháng 7 ngó ra, tháng 3 ngó vào". Tháng 7, cái tháng của mưa ngâu. "Cố nhân "đón tôi vào một buổi chiều của những tháng ngày mùa thu buồn hoang hoải trong thi ca.
Nhưng tôi lại thích cái tiết trời ấy nếu có dịp cảm nhận nó bên người "bạn cũ" mà mỗi khi có dịp tôi lại muốn gặp để hàn huyên, giãi bày, tâm sự và mong sống lại những kỉ niệm chẳng thể nào quên.
"Cố nhân" tôi muốn nhắc ở đây chính là người "bạn" nghìn năm tuổi. Một Thủ đô lạ mà quen. Một Hà Nội mà bất cứ ai mỗi khi ra về đều có chung một cảm giác tiếc nuối để rồi tự dặn lòng "nhất định có dịp sẽ quay trở lại". Trong cuộc hội ngộ tương phùng này "người bạn" đón tôi khi vừa trải qua cơn bạo bệnh – Hà Nội cũng như cả nước đã kiên cường chống lại đại dịch Covid -19.
Đôi chân dảo bước như thôi thúc tôi đến phố Trần Duy Hưng nơi đã cho tôi biết bao kỉ niệm của tuổi đôi mươi đầy hoài bão. Nơi ấy tôi đã có mối tình đầu đầy thơ mộng để rồi từ một người không yêu "đặc sản" của Thủ đô cổ kính chính là mùi hoa sữa mà bỗng nhiên tôi đã trở thành tín đồ của thứ mùi thơm nồng nàn có khi đến ngộp thở.
Con phố vẫn vậy, có phần trầm mặc và tĩnh lặng hơn bởi cái không khí có phần ưu tư. Bất giác tôi mỉm cười, có lẽ trong cái rủi lại có cái may. Hà Nội lúc này không đông đúc, nhộn nhịp, hối hả như chúng ta vẫn thấy, mà thay vào đó là hình ảnh một Thủ đô tạm gác cái xô bồ náo nhiệt ấy sang một bên để dệt nên một bức tranh nhẹ nhàng, tĩnh lặng.
Một vài cây hoa sữa cũng đã ra bông mang cái màu trắng pha chút vàng nhạt đang e ấp chúm chím chốn trong những tán lá như những nàng thiếu nữ tuổi đôi mươi còn vương chút thẹn thùng.
Hình ảnh ấy khiến tôi nhớ đến em – mối tình đầu dang dở nhưng đã cho tôi thật nhiều cảm xúc về hình ảnh người con gái Hà thành dịu dàng nhưng không kém phần vui vẻ, nhiệt thành với bất cứ ai.
"Ai khoai luộc đi", tiếng rao quen thuộc của bác bán hàng rong vọng lại bên tai cắt đứt dòng miên man hồi tưởng. Sự dung dị, mộc mạc từ những gánh hàng hoa, hàng quà bánh hay những mẹt trái cây di động cũng làm nên một Hà Nội thật khác, thật đặc biệt.
Những gánh hàng đơn sơ với những thứ quà mộc mạc dân dã khiến cho Hà Nội mang một nét duyên ngầm theo năm tháng. Những hình ảnh chân chất rất đỗi đời thường ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, bất cứ vùng quê nào từ miền ngược tới miền xuôi, đồng bằng hay rừng núi.
Nhưng khi những hình ảnh thân thương ấy ta bắt gặp giữa lòng Hà Nội lại khiến trong tôi dấy lên cảm xúc đó chính là những hình ảnh tái hiện lại một Hà Nội xưa, một Hà Nội cổ kính, thanh bình.
Nét cổ kính mang đậm dấu ấn thời gian ấy còn được tái hiện qua hình ảnh của một văn miếu Quốc Tử Giám – Ngôi trường đại học đầu tiên của dải đất hình chữ S nhỏ bé xinh đẹp.
Nơi đã cho tôi kỉ niệm về ngày đầu của mấy chục năm về trước khi lần đầu tiên được đặt chân tới địa danh linh thiêng mang đậm nét thành kính của bất kể sĩ tử nào muốn đến đây để cầu may cho kì thi quan trọng nhất trong đời. Để một lần hiểu hơn về Khổng Tử vị hiền triết mẫu mực của Trung Quốc khi xưa.
Sẽ là một thiếu sót nếu thăm Thủ đô mà chúng ta lại không muốn thêm một lần sống lại cái cảm xúc hào hùng của dân tộc. Tôi đến thăm cầu Long Biên một chứng nhân lịch sử của dân tộc, cây cầu thép đầu tiên bắc ngang con sông Hồng do người Pháp xây dựng.
Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian cây cầu vẫn hiên ngang, bất khuất như chính chí khí hào hùng của cha ông trong lịch sử gìn nước và giữ nước. Để rồi "tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội" ấy đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô.
Một chứng nhân cho các thế hệ con cháu có dòng máu lạc hồng chảy trong huyết quản mỗi lần đứng trên cầu ngắm dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa là ta như một lần được cảm nhận được tự hào về một Việt Nam nhỏ bé nhưng quá đỗi kiên cường.
Trước khi chia tay người bạn lớn tôi đã không quên ngồi ghé lại bên đường thưởng thức một xuất bún chả mang đậm phong vị người Hà Nội.
Mùi thơm ngậy của những viên chả, miếng thịt nướng trên than hoa rực hồng ăn kèm với bún, rau thơm và chấm vào linh hồn của món bún chính là bát nước chấm chua chua, ngọt ngọt tất cả tổng hòa tạo lên một món ăn nếu ăn ở những hàng quán bên đường thì ta bắt gặp cái cảm giác sôi động xen lẫn sự trầm mặc pha chút cuốn hút. Còn nếu ta thưởng thức món bún chả Hà Nội này tại nhà hàng thì khi ấy cái cảm giác thư thái, sang trọng gần như đang xâm chiếm hết tâm hồn thực khách…
Cuộc chia tay nào cũng khiến con người ta nuối tiếc và nhung nhớ. Nhưng "ra đi là để trở về " nên trong tôi luôn có một niềm tin ở mảnh đất yêu người mến khách này sẽ luôn chào đón ngày trở lại của tôi hay bất cứ người con nào của một Việt Nam kiêu hãnh này hay những du khách nước ngoài bằng một trái tim nồng ấm thân thương nhất.
Bài Ký ức Hà Nội: Cảm xúc khó quên mỗi lần về thăm Thủ đô dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.