Mái nhà tranh, vách đất tuy mộc mạc giản dị nhưng mang đến không khí đầm ấm. Mái nhà chở che cả gia đình tôi đi qua những tháng năm gian khó trong thời gian dài.
Nhà tôi hồi ấy ba gian, hai chái, khung làm bằng các đòn tre, vách chát đất. Lợp tranh là khâu quan trọng nhất, xếp ken tranh khít nhau, mưa không thấm mà lại bền đẹp. Nhưng kỹ thuật lợp tranh không phải ai cũng giỏi, nên thường những người khéo tay mới được giao nhiệm vụ đan mái. Người quê tôi còn ví von rằng ai đan tranh đẹp thường là người đó sẽ khéo léo thu vén gia đình.
Ngôi nhà lợp mái tranh ở quê tôi.
Mái nhà tranh quê tôi lợp bằng gốc rạ của lúa nếp cái hoa vàng, mẹ bảo rằng cần phải chọn loại lúa có thân dài, ống thân to tròn, cứng thì trải qua mưa nắng mới bền. Gốc rạ phải phơi khô, rũ sạch mùn, sau đó lựa cẩn thận để riêng rồi xếp thẳng hàng ngăn nắp.
Dẫu vậy mưa nắng dãi dầu nên cứ hai năm phải đảo mái một lần để thay những phên tranh bị mục nát cho mưa gió thấm nhiều. Nhưng cũng có những mùa mưa bão mái tranh không trụ được trước cơn gió giật mạnh nên bay mất cả mảng. Nhớ khi ấy, cả nhà tôi co cụm lại dưới phần mái tranh còn sót lại, cầu trời cho bão mau qua.
Bão tan, nắng lên mọi người lại quây quần bên nhau đan lại mái tranh bị gió cuốn, lợp lại mái nhà để che mưa, tránh nắng… Những lúc như vậy càng thấm thía tình cảm gia đình, sự đùm bọc, chở che của làng xóm.Rồi cuộc sống ở quê tôi cũng khấm khá hơn, những căn nhà tranh vách đất được thay bằng ngói đỏ, tường gạch khang trang. Mưa gió bão bùng không còn là nỗi lo xa ngái của bao gia đình như hồi nào. Cũng theo đó, hình ảnh mái nhà xưa dần lùi vào quá khứ, còn đâu những áng khói lam chiều bảng lảng bay lên từ mái nhà tranh, còn đâu mùi nồng ẩm, ngai ngái thân quen sau cơn mưa… Tất cả giờ chỉ còn trong ký ức….
Một tuổi thơ khốn khó, dưới mái nhà tranh đơn sơ đã cho tôi thấu hiểu rằng, không gì quý hơn sự yêu thương, đùm bọc của gia đình, làng xóm. Những tình cảm mộc mạc giản dị mà sao ấm áp, nhớ lâu đến kỳ lạ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.