Buổi chiều cuối cùng, gió lục lọi những chiếc thùng rỗng ngày xưa bà tôi vẫn ra bờ sông gánh nước... Giờ quang gánh bỏ không, đánh đu trên cành đại mốc; dòng sông bỏ không mà chẳng được nghe một khúc Kiều... Cứ thế, những vết chân Giao Chỉ của những người phụ nữ làng tôi lại chìm vào đáy cỏ.
Buổi chiều cuối cùng, không thấy người ra sông đổ đó bắt tép, những tấm áo làm đồng không người rút để sương về ướt hết... Còn tôi nặng trĩu bàn chân.
Tôi đứng trước ngôi nhà được quây bằng bốn vách đất đã khoá chặt cửa - ngôi nhà đầy nạn đói đằng đẵng nuôi lớn tôi suốt tuổi thơ dài... Tôi đứng lại trước những sợi giăng của con nhện mà nhớ sự nghèo đói của ngày xưa, cái cuộc sống cơ cầu, bần túng chỉ có thể dư giả hơn một màu khói trắng...
Đúng nơi này một năm về trước, ông nội tôi trở thành người thiên cổ... Ông lại về bầu bạn với khói thuốc và hơi men, chỉ kịp để lại nấm cỏ gừng phía cánh đồng khô một ngày gió bấc...
Ảnh minh họa.
Tôi nhớ những chiều xa lắc... vẫn đâu đó vập vờn một mảnh lưng cong như chiếc liềm nhụt; ông ngồi đó nèn chặt đỗ và gạo nếp trong những tấm lá dong. Vẫn mùi cái trấu, củi xoan sáng bừng lên phía góc nhà ẩm thấp; khói lẻn vào mắt tôi những kí ức cay xè. Và vẫn đâu đó là mấy lời mắng mỏ đám cháu tinh nghịch mà lúc này, khi đã thiếu đi, tôi bỗng như người đói lả...
Ba tháng sau ngày ông mất, đến lượt bà tôi cũng mang theo Truyện Kiều và cổ tích mà đi... Gian nhà đất lợp gianh để mặc gió lùa lãnh lẽo... Ngoài kia, mùa Xuân đã cận kề bờ giậu cây râm bụt... còn tôi một mình ngồi với khối kí ức người già lục tìm những hao hao kỉ niệm về tuổi thơ và khói...
Lâu rồi tôi không gặp màu khói cũ trên cái mảnh đất cằn cỗi đã mấy đời người ở... Có cái bếp lợp bằng rơm rạ, bà tôi ngồi khum khum gại lửa bắc nồi. Này khói bạch đàn, khói bui bui trấu vẩn quyện vào nhau nhuộm mái tóc của bà thành cước. Những ngón chân góc cạnh rẽ lối, chẳng dép guốc và tất cứ phím xuống nền đất cả sự đói nghèo. Cứ thế, từ Xuân này qua Xuân khác...
Hôm nay, tôi lại trở về ngôi nhà cũ thuở cách đây không xa vẫn còn ấm dấu chân người. Phía sau tấm mành xập xệ cũ rích là bức ảnh ông bà tôi ngồi nghiêm ở một góc ban thờ có mùi nhang khô cổ tịch... Những con nhện già nua vẫn bận bịu một ngày giáp Tết, vẫn đói, đem túi tơ đi lượm côn trùng...
Tôi nhớ ngày vừa đi học, nhớ những ngày cận Tết thường xin hương ông bà để thắp, chẳng thắp cho ai, chỉ thắp cho bức tường làm bằng rơm khô và bùn đất... Hôm nay, những chân hương lại găm vào kí ức tôi một mùi khói trắng, găm vào tôi tuổi thơ ngày còn ở với ông bà.
Chạnh lòng thương mái nhà của ông bà tôi - ngôi nhà đất trường kì trụ lại giữa miền quê chiêm khê mùa thối vùng Bình Lục như còn là minh chứng cho cái sự thống khổ. Tết với ông bà chỉ dư thừa dăm ba màu khói lạt, thanh đạm vài tấm bánh chưng, còn tôi thì vá víu những đồng xu hai trăm, năm trăm, một ngàn tự lấy làm vui để rồi chắt dành mua sách vở... Tết này, tôi không còn ông bà nữa; không còn được nhận lì xì. Gian nhà thiếu khói củi xoan và trấu mẳn, thiếu khói hương và tiếng lầm bầm khấn rồi loãng cả cái Tết của đứa cháu ngày về quê.
Những chiều cuối năm, thế giới lại nườm nượp xuống đường còn ông bà đã thành hai nấm mồ xanh cỏ... đồng cạn mùa này vẫn lèn đầy gió như nhắc tôi những kí ức bình yên...
Ở một xóm vắng rất đỗi quê mùa, vẫn còn đâu đó những đứa trẻ trạc tuổi tôi, những đứa trẻ lớn lên ở cái độ giao thời giữa tiền xu và tiền giấy... Kí ức về quang gánh, cổ tích, Truyện Kiều cũng hao hao tự ấy đến tận bây giờ.
Ở cái xóm rất đỗi quê mùa, mấy đời cha con, ông cháu đều sinh ra từ khói rồi cũng chính khói ấy lại mang họ về miền hư ảo… Có người ra đi vì khói súng ngoài mặt trận, có người ra đi vì khói bom giặc thả xuống làng. Còn ông, ông ra đi vì khói thuốc, thật thanh thản, vô ưu giống như cách nhiều người trở về với đất. Cũng vì khói mà tôi xè xè đôi mắt nhớ ông bà những ngày Tết qua đường.
Năm cũ đang cạn dần. Và hết thảy những bộn bề cuộc sống, những đầu tắt mặt tối ngược xuôi cơm áo gạo tiền, tôi vẫn chưa thể trở về ngôi nhà cũ – nơi có lẽ chỉ còn là biểu tượng cho một thời khó nhọc làng tôi, một thời yên bình và đẹp đẽ.
Trong cái rét cuối cùng của mùa Đông, những đàn trâu vẫn về qua nghĩa địa vắng, những đứa trẻ vẫn thay tôi đốt lửa sưởi ấm và chơi bên mộ ông bà. Rồi mai này, khi những đô thị, nhà máy và xí nghiệp tràn qua bờ ruộng, còn bình yên nào cho những ngôi làng; còn khói bếp nào để những đứa trẻ thành phố thương nhớ một miền quê xưa?
Bình Lục một ngày cuối năm!
Tên tác giả: Nguyễn Đức Hậu
Địa Chỉ: Bối Cầu – Bình Lục – Hà Nam
Số điện thoại: 0981 147 297
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.