Ký ức Tết trong tôi: Ngõ quê rực màu vạn thọ ngày Tết

Ngũ Thanh Tuyến Thứ ba, ngày 04/02/2020 11:15 AM (GMT+7)
Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, con ngõ nhỏ dài chưa đến mười mét nhà tôi như được khoác thêm một màu áo mới. Những đóa vạn thọ vàng ươm, cành hoa phụng đủ sắc màu hay khóm dâm bụt đỏ rực… cùng nhau đua sắc dưới nắng xuân ấm áp lan tràn càng làm cho khung cảnh xuân quê thanh bình, ấm áp.
Bình luận 0

Dù hồi ấy nhà tôi thuộc loại nghèo nhất xóm, nhưng má tôi vẫn ráng dành thời gian, công sức chăm sóc hai hàng hoa trước ngõ để đón Tết. Nhắc đến chuyện trồng hoa ngày Tết là tôi lại nhớ ông ngoại tôi da diết. Ngoại tôi lúc già tuy mù cả hai mắt, nằm ngồi một chỗ nhưng rất nhạy với thời tiết chuyển mùa. Cứ sắp đến Tết là ngoại hay nhắc má: “Nhỏ trồng bông trước nhà chưa con?” (Nhỏ là tên thường gọi của má). Má tôi phải ngồi ghé sát lại để trả lời, ngoại mới nghe thấy vì ngoại bị thêm chứng nặng tai. Nghe xong, ngoại cười móm mém tỏ vẻ hài lòng, rồi dặn thêm: “Ờ, nhớ trồng bông vạn thọ nghen con”.

img

Chỉ có hai, ba loài hoa bình dị mà con ngõ nhỏ nhà tôi trở thành một không gian đầy màu sắc, đẹp mê hồn.  Ảnh: Ngũ Thanh Tuyến

Loại hoa má tôi hay trồng ngày Tết là hoa vạn thọ màu vàng cam và vàng chanh; xen lẫn là hoa phụng (có nơi gọi là hoa bóng nước hay hoa móng tay) với đầy đủ sắc màu, nào là đỏ, tím, nào là trắng, hồng phấn... Thế nhưng, má tôi ưng nhất là giống hoa vạn thọ Thái Lan màu vàng chanh. Vì chúng nở xòe giống như bánh bò, đẹp mắt nên người dân quê tôi hay gọi đó là hoa bánh bò. Dù những năm sau này, có thêm nhiều loại hoa khác đẹp hơn, rực rỡ hơn, nhưng má nhất nhất phải trồng cho bằng được hoa vạn thọ. Vì chỉ cần nhìn thấy vạn thọ là lòng đã rộn ràng thấy Tết.

Từ độ rằm tháng 10 âm lịch, má tôi đã hì hục ra khoảnh đất trước sân nhà, băm mét đất nhỏ rồi gieo giống hoa. Thời điểm ấy chính là thời điểm lý tưởng để má trồng hoa cho kịp Tết. Khoảng sau 2-3 tuần, hoa mọc lên cao và có thể đem bứng trồng ngoài ngõ được. Trồng dư giống, má thường cho bớt hàng xóm hoặc mang ra chợ bán. Có khi giống hoa bị thất lạc, ủ mục, hoặc thối giống, gieo mà cây không lên, mẹ mới xuống chợ mua những cây con về trồng. Những năm trời lụt tháng 9, tháng 10 dai dẳng, lo nước ngập úng hoa, má trồng cây trong chậu trước rồi đợi dứt lụt mới dám bứng ra ngõ.

img

Ngõ quê là nơi lý tưởng để chụp hình lưu niệm.  Ảnh: Ngũ Thanh Tuyến

Chừng giữa tháng Chạp, khi những nụ vạn thọ rải rác nở vàng nơi ngõ, ấy là lúc chợ tết bắt đầu tấp nập. Dường như hoa nở nụ chính là dấu hiệu của Tết cận kề. Mỗi buổi sáng ngày giáp Tết, tôi hay ra ngõ chờ ngóng má đi chợ Tết về. Tôi vừa chơi đùa với đám trẻ trong xóm vừa tranh thủ bắt sâu, tỉa cành cho hoa với rạo rực niềm vui. Chiều chiều, chị em chúng tôi lại phụ má cầm cuốc xẻng ra ngõ xới gốc, bón phân, nhổ cỏ, tưới cây cho hoa. Chỉ có vài loài hoa bình dị mà con ngõ nhỏ nhà tôi trở thành một không gian đầy màu sắc, đẹp mê hồn.

Khoảng 28-29 Tết, tôi phụ ba mang rựa để phát quang hàng rào dâm bụt bên hông cửa ngõ. Hàng dâm bụt mọc um tùm thế mà sau khi ba cắt tỉa gọn gàng, những bông hoa đỏ chói vẫn cứ âm thầm khoe sắc. Đường ngõ được chị em tôi quét lại, trông sáng sủa hẳn ra. Những bụi cỏ dại được dọn sạch sẽ. Ngõ trước ngõ sau, ba đều sắp xếp gọn gàng đâu vào đấy để đón xuân.

Mồng một Tết, tôi tung tăng ra ngõ khoe với mấy đứa nhỏ trong xóm bộ quần áo mới cộng với mấy bao lì xì mới được người thân mừng tuổi. Khách đến nhà, ai cũng tấm tắc khen bà Năm Nhỏ sao mà trồng bông mát tay ghê, năm nào cũng trung thành với hai hàng bông Tết đều tăm tắp. Má đáp lại bằng nụ cười hiền hòa, lộ cái miệng móm mém trông thật dễ thương, tươi như màu nắng Tết. Trong mấy ngày Tết, ngõ nhà tôi lại thêm rộn ràng, ơi ới tiếng mời khách vào nhà ăn mứt Tết, uống trà gừng, chuyện trò về những buồn vui năm cũ.

Hoa trước ngõ nhà tôi vẫn ung dung khoe sắc đến tận sau rằm tháng giêng. Cúng rằm lớn, ba tôi thường cắm nhang đầy ngõ. Mùi hương nhang quyện với hương hoa một mùi thơm thanh tịnh, trầm ấm. Hết tháng giêng, hoa bắt đầu héo rũ dần. Lũ trẻ chúng tôi tranh nhau ùa ra ngõ hái búp hoa tàn cho ba má làm giống, để dành Tết năm sau sau lại gieo xuống đất, tiếp tục tạo thêm những mùa hoa mới. Có lẽ lúc ấy trong chúng tôi mới hết lưu luyến về dư âm Tết.

img

Chiều đến, chúng tôi phụ má cầm cuốc xẻng ra ngõ xới gốc, bón phân, nhổ cỏ, tưới cây cho hoa. Ảnh: Ngũ Thanh Tuyến

Ngoại từ biệt chúng tôi ra đi vào lúc giữa xuân, khi mà những đóa vạn thọ trước ngõ vẫn còn tươi thắm. Ngày tiễn đưa ngoại, mấy bông hoa tự nhiên héo rũ. Dường như chúng đang nhòe lệ trước sự ra đi đột ngột của ngoại. Thiếu vắng lời nhắc nhở quen thuộc mỗi khi Tết đến, mắt má tôi lúc nào cũng ầng ậc nước mỗi khi nhắc tới ngoại. Lúc này tôi mới hiểu vì sao má vừa trồng hoa vừa kể cho tôi nghe về sự tích hoa vạn thọ. Có lẽ má trồng hoa vạn thọ cũng vì muốn cầu nguyện cho ngoại, cho mọi người trong gia đình sống lâu, sống thọ như chính tên loài hoa bình dị, gợi lên sự trường tồn, bất biến với thời gian hạn hữu của đời người.

Ngõ quê là nơi lý tưởng để chụp hình lưu niệm. Hồi nhỏ, tôi ao ước cả nhà được quây quần, cùng đứng trước ngõ, bên hàng bông má trồng chụp một tấm ảnh kỷ niệm cảnh nhà sum họp. Nhưng tiếc rằng hồi ấy, máy ảnh không phổ biến như bây giờ. Tết đến, muốn chụp hình phải mướn thợ về chụp. Mỗi tấm hình giá 5 ngàn đồng. Má tôi bảo việc chụp ảnh không cần thiết lắm nên chẳng bao giờ gọi thợ. Tôi biết má tiếc tiền, để dành tiền đấy cho chúng tôi ăn sáng khi đi học. Bây giờ, máy ảnh, điện thoại đầy đủ cả, nhưng ngoại mất rồi. Giá như ông ngoại còn sống thì tôi sẽ dắt ông ra ngõ chụp hình, ông sẽ mừng lắm.

Năm nay, tôi đón Tết xa nhà. Độ rằm tháng 10, tôi không quên gọi điện về nhà hỏi chị Hai, năm nay má có trồng bông trước ngõ nữa không. Chị nói mà giọng buồn thiu: “Má năm nay tay chân yếu rồi, có cầm nổi cái cuốc nữa đâu!”. Rồi chị Hai kể, má nói má hay ngủ nằm mơ thấy ông ngoại nhắc má trồng hoa Tết. Cầm điện thoại trên tay mà mắt tôi cay xè, giọng nghẹn đi. 

Xem lại mấy tấm hình chụp về hàng hoa trước ngõ mấy năm trước, tôi rưng rưng chắp tay cầu nguyện ba má thêm khỏe mạnh, để còn được thêm nhiều lần thấy ngõ nhỏ thay áo mỗi khi Tết đến. Nhớ ngõ quê ngày Tết là nhớ khuôn mặt già nua móm mém của ngoại nhắc con cháu trồng hoa Tết, nhớ lưng còng của ba, của má lúc khom lưng trồng hoa, tỉa tót cho cây, nhớ cảnh chị em tranh giành nhau quét lá trước ngõ... Cuộc sống hồi ấy dù nghèo khó nhưng Tết năm nào cũng đầy ắp niềm vui.

Sau này, chị em tôi nhất định sẽ thay ba má lưu giữ thói quen trồng hàng hoa Tết trước ngõ. Bởi đó còn là nơi lưu giữ truyền thống, lưu giữ những ký ức Tết xưa trong trẻo, thân thương không nơi đâu sánh bằng…

Họ và tên: Nguyễn Thanh Tú

Địa chỉ: Tổ 9, xóm Dưới, thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa

Điện thoại: 037 437 9761

Email: nguyenthanhtu.sqct2019@gmail.com.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem