Ngày còn đi học xa nhà, bỗng dưng tối ấy, tôi nhận được điện ba giẫm phải gai tre, chân xưng tấy. Hai ngày nghỉ cuối tuần tôi vội về giúp nhà cấy cho kịp vụ mùa. Đêm nằm thao thức, chờ gà gáy sáng đón chuyến xe khách sớm nhất về qua làng tôi. Những kí ức ấy giờ lại ùa về như đang sáng rõ dưới ánh trăng trước sân nhà.
Khi mọi nhà còn đang yên giấc, gà cũng chưa buồn gáy, vừa trở mình đã nghe thấy tiếng mẹ gọi ba dậy chuẩn bị đi bừa ruộng để kịp khi trời sáng mấy mẹ con ra cấy.
Cơm nấu xong, mẹ lụi hụi dưới bếp trong ánh lửa bập bùng, mùi cơm vụ chiêm thơm lẩn quất quanh gian bếp tỏa hương. Mẹ dặn em gái tôi ở nhà ăn cơm sáng, quét nhà quét sân, rồi nấu cơm trưa... Mê man trong giấc ngủ, tôi thấy mẹ mặc áo, chít khăn mùi xoa lên đầu để thấm mồ hôi, và đôi quang gánh để quẩy mạ.
Ngày còn nhỏ, tôi thường chỉ nằm nghe bước chân của mẹ xa dần ra ngoài đường, đâu đây còn văng vẳng tiếng chào hỏi nhau của hàng xóm, tiếng chú gà gáy tiếng đầu tiên báo hiệu một ngày mới đã về. Rồi khi lớn, tôi đã được theo mẹ, anh trai đi cấy. Sau này nghĩ lại cảm giác đó, tôi mới hiểu, người dân quê tôi đầu tắt, mặt tối, lam lũ trước cả tiếng gà gáy sáng.
Đồng xa, ra tới nơi khi mặt trời vưà ló rạng, cánh đồng lấp loáng trong nước với những ô thửa giống như những bàn cờ to nhỏ. Những đóm mạ xanh đã trải đều khắp ruộng. Rụi mắt cho tỉnh ngủ tôi bỗng thấy ngẩn ngơ khi nhìn về thôn xóm xa xa với chân trời vời vợi, đó là lần đầu tiên tôi được dậy sớm ngóng về ngôi nhà mình. Quê tôi vào mùa vụ cấy nô nức là thế.
Từ tờ mờ đất cho đến khi chẳng nhìn rõ mặt nhau, mới thấy người làng tôi í ới gọi nhau về. Lưng đau, tay mỏi, mặt sưng phù , chân tay bị nhuộm một lớp màu vàng của đất… thế mà chẳng thấy ai than thở gì. Mọi người vẫn đưa tay đều đều cắm những "mầm sống" cho cả gia đình. Nhà cấy nhiều thi hai mẫu ruông, nhà thì một mẫu ít thì cũng có răm ba sào ruộng cấy nhưng vẫn bảo cấy thêm ít nữa để lo cho con cái được đến trường, cố thêm quyển vở, cái bút.
Miệng nói nhưng vẫn chậm hơn tay làm. Những đôi bàn tay đưa bập bõm trên mặt nước đều đặn, mạ được cấy thẳng hàng từ đầu cho đến cuối ruộng. Những giọt mồ hôi lăn dài trên má chỉ dám đưa khăn lau nhẹ rồi vội vàng cúi xuống. Người cày, người cấy, không thấy tiếng chỉ có tiếng nổ của những con trâu sắt vang dội xình xịch cả ngày lẫn đêm. Ai cũng tranh thủ cấy thật nhanh để mạ cứng cáp.
Ở quê ngày đó, lũ con nít chúng tôi có đứa biết thương bố mẹ tranh thủ thời gian rảnh hay giúp bố mẹ nấu cơm, dọn nhà. Có đứa biết nhổ mạ và còn theo đi để học cấy. Buổi chiều được nghỉ trẻ con vui lắm được theo ra đồng râm ran nói chuyện. Từ đầu ruộng này tới cuối ruộng bên kia vẫn nghe được tiếng cười rả rích của những đứa trẻ ngoan biết thương ba mẹ vất vả sớm hôm.
Bao nhiêu hi vọng của người nông dân với tiếng cười trong trẻo ấy như gửi cây lúa. Mong ông trời đừng phụ công người cấy hái, mỗi cây mạ cấy xuống là một lần được tái sinh để rồi chúng cứu vớt con người. Ruộng được cấy xong ai cũng mong cho “lúa tốt bằng cỗ lúa giỗ bằng đầu’’.
Mùa cấy không kéo dài, chỉ khoảng mươi mười lăm ngày là song nhưng đã mang theo bao nỗi nhọc nhằn vất vả của người dân xứ sở. Khi cấy song mọi người đều bị nước ăn ở kẽ bàn chân và bàn tay vì ngâm lâu trong nước ruộng. Người ta thường bôi thuốc mát, còn ai muốn nhanh khỏi thì nhai lá ổi đắp vào. Mọi thứ chở nên yên ả ,đúng với miền quê yên bình để rồi cũng những bàn tay ấy, qua vài tháng chăm sóc những cánh đồng lại rực rỡ ánh vàng, mùi hương thoảng của rơm rạ, bát cơm dẻo của lúa mới.
Cấy lúa, âu cũng là cái nghề. Nghề bình dị đến chẳng dám khoe nhưng là nghề thiêng liêng nhất của nền văn minh nông nghiệp. Những niềm vui ấy của nhà nông cũng vô danh, lặng lẽ mà trong sáng vô ngần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.