Kỳ vọng nguồn cung sẽ hồi phục

Văn Dũng Chủ nhật, ngày 29/12/2019 07:39 AM (GMT+7)
Nguồn cung thị trường BĐS đang có dấu hiệu giảm tốc nhưng nhu cầu vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, khi nào nguồn cung kịp phục hồi và thực sự quay trở lại vẫn là một câu hỏi khó.
Bình luận 0

Năm 2019 sắp khép lại, đây là một năm chứng kiến nhiều biến động của thị trường bất động sản (BĐS) khi nhiều dự án bị “đứng hình” vì vướng pháp lý, thị trường sụt giảm đáng kể cả về nguồn cung lẫn lượng giao dịch.

Ông Phạm Lâm - Chủ tịch DKRA Việt Nam nhìn nhận, việc chính quyền rà soát đất đai đã ảnh hưởng phần nào đến nguồn cung ra thị trường, không chỉ ở TP.HCM mà ở các tỉnh lân cận. Thời gian qua, thị trường cũng đã có dấu hiệu lạc quan khi mà chính quyền công bố một số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, đủ điều kiện bán hàng. Đó được xem là một nỗ lực từ phía chính quyền.

“Còn cụ thể về thời điểm nguồn cung phục hồi trở lại thì còn phụ thuộc phần lớn vào cơ quan nhà nước, chưa thể biết rõ thời điểm”, Chủ tịch DKRA Vietnam khẳng định.

Đại diện doanh nghiệp này khẳng định, nguồn cung của các vùng lân cận hiện đang là nguồn lực bổ trợ thiết yếu cho thị trường BĐS TP.HCM.

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói rằng khó có thể xác định cụ thể thời điểm nguồn cung BĐS quay trở lại. Ông Thành cho rằng, năm 2020 các phân khúc BĐS khó đột biến về giao dịch và riêng TP.HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung lẫn lượng giao dịch.

“Việc nguồn cung BĐS phục hồi phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Giá, pháp lý dự án, quy trình thanh tra, quy hoạch đô thị,…”, ông Thành nhấn mạnh.

img

Nguồn cung BĐS năm 2020 liệu có kịp phục hồi?

Về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, qua các con số được tiếp cận, ông nhìn thấy nguồn cung đang trở thành một nỗi lo lắng.

TP.HCM có gần 9 triệu dân nhưng mỗi năm chỉ có 40.000 căn nhà, tính ra chỉ mới đáp ứng được 2-4% nhu cầu. Như vậy, nhu cầu về nhà ở còn rất lớn. Mấu chốt nằm ở chỗ, các nhà quản lý kinh tế vĩ mô khi đưa ra chính sách phát triển cần coi BĐS là một phần kinh tế của địa phương chứ không đơn thuần là nơi cư trú của người dân. Nếu cả TP.HCM chỉ đáp ứng được 2-4% nhu cầu về nhà ở mỗi năm là chưa đạt như mong muốn.

“Điều chỉnh chính sách, quy hoạch rõ ràng, cân đối cung - cầu. TP.HCM phải chủ động lập quy hoạch để nhà đầu tư đến đầu tư thì mới khắc phục được tình trạng thiếu cung như hiện nay”, ông Đông nhấn mạnh.

Còn theo JLL Việt Nam, do chính sách của Chính phủ liên quan đến quy trình phê duyệt đất đai và giấy phép xây dựng ngày càng thắt chặt, nguồn cung tương lai trong năm 2020 sẽ biến động khá mạnh, dao động khoảng 40.000 - 50.000 căn.

Nhu cầu và mức tăng giá phần lớn sẽ theo chiều hướng tích cực ở các dự án bình dân và trung cấp. Trong khi đó, dự án giá cao sẽ chứng kiến sự tiếp tục sụt giảm trong nguồn cầu, đặc biệt ở nhu cầu mua đầu tư. Lý do chính là hiệu suất cho thuê và triển vọng thu lợi nhuận chênh lệch bán lại có vẻ kém hấp dẫn hơn trong tình hình giá bán đạt mức cao mới được ghi nhận.

Đại diện các doanh nghiệp địa ốc cho rằng, nguồn cung thị trường BĐS năm 2020 chưa thể hiện sự sáng sủa hơn năm 2019. Nếu để pháp lý dự án hoàn thiện phải mất vài năm mới ra được. Theo đó, thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc vào năm 2020 mà có thể đi ngang và tập trung nguồn cung vào một số chủ đầu tư lớn trên thị trường.

Đến thời điểm này, cũng có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, năm 2020 các doanh nghiệp BĐS có thể sẽ tiếp tục rơi vào khó khăn khi mà những vướng mắc về pháp lý dự án, nguồn cung sản phẩm chưa được tháo gỡ.

Chưa kể, giá BĐS có thể tiếp tục tăng mạnh khi hệ số k liên tục điều chỉnh, năm sau cao hơn năm trước. Giá đất hiện đã rất cao, thường chiếm từ 20 - 25% giá thành BĐS (chưa kể đến chi phí giải phóng mặt bằng). Thời gian tới, giá đất càng lên càng đẩy giá bán nhà lên cao, đồng thời doanh nghiệp cũng càng khó tiếp cận đất đai và khó giải phóng mặt bằng.

Đại diện một doanh nghiệp BĐS nhận định, những khó khăn này sẽ còn tiếp diễn trong các năm tới, ảnh hưởng đến thị trường nói chung.

(Theo Thế Giới Tiếp Thị)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem