Sông rạch ở miền Tây đâu đâu cũng có tép. Tùy theo hình dạng và kích cỡ mà người dân nơi đây có tên gọi khác nhau như: Tép bạc đất (mình tròn, vỏ dày, màu xám xanh), tép bạc trắng (mình dài, dẹp, vỏ mỏng) và con tép bé xíu nhỏ bằng đầu mút đũa ăn, được gọi là tép trấu (cũng có tên gọi khác là tép riu, tép rong).
Tép trấu còn tươi sống (Ảnh: BCT)
Nhắc đến con tép trấu, tôi nhớ lại tuổi thơ nơi quê nhà cùng lũ bạn rủ nhau đi xúc tép. Chỉ cần mang theo 1 chiếc rổ, 1 thùng nhựa và chờ con nước dưới sông rút cạn là nhảy ùm xuống xúc tép. Nếu may mắn “trúng luồng”, trong vài giờ, có thể kiếm được cả ký tép dễ dàng. Nhìn những con tép bé tí ti nhảy tanh tách trong thùng, tôi nghĩ chỉ có cách là cho vào chảo rang với muối xong rồi nấu nồi cháo nhừ, ăn cùng với tép là xong!.
Nhưng, má tôi lại nói, ăn như thế là một sự phí phạm những sản vật của thiên nhiên ban tặng cho con người. Tép trấu có thể chế biến nhiều món ngon hấp dẫn như: Nấu canh rau tập tàng, lăn bột chiên giòn (ăn kèm với bún, rau sống) v.v... Nhưng, để thay đổi khẩu vị, má sẽ chế biến cho con thưởng thức món ngon dân dã khác, đó là: Tép trấu rim tỏi.
Đĩa tép trấu rim tỏi với màu sắc bắt mắt và mùi thơm quyến rũ. (Ảnh: BCT)
Chế biến món ăn này rất dễ dàng, nhưng để có món ngon, vừa miệng, nhìn bắt mắt cũng cần có những bí quyết riêng của nó. Trước hết, tép trấu bắt được (hay mua ở chợ) về phải chọn những con tép còn tươi (màu trong xanh) và lựa bỏ những tạp chất (rác, rong, ốc nhỏ...) lẫn trong tép. Dùng kéo bén cắt bỏ đầu, râu, đuôi, rửa sạch để ra rổ cho ráo. Tiếp đến, tỏi lột vỏ (để nguyên tép) rửa sạch, để ráo. Bắc chảo lên bếp cho dầu ăn cùng hạt điều (liều lượng vừa đủ) vào (Đây là bí quyết cho món tép trấu rim có màu đỏ bắt mắt). Khi hạt điều ra màu, tắt bếp, vớt bỏ hạt. Cuối cùng, bật lửa lên, cho tỏi, tép trấu cùng gia vị (muối + đường) vào chảo, nêm nếm cho vừa khẩu vị. Dùng xạng xào đều các nguyên liệu cho tới khi nước gia vị rút cạn sền sệt là chín, nhắc xuống múc ra dĩa là xong!...
Bữa ăn đã sẵn sàng. Cơm nóng đã bới ra chén. Gắp miếng tép trấu cùng tép tỏi đưa lên miệng nhai chầm chậm. Vị béo, ngọt của tép, deo dẻo, bùi bùi và mùi thơm đặc trưng của tỏi như lan tỏa khắp giác quan. Và miếng cơm nóng gạo mới thơm thơm có chan vài muỗng nước canh rau tập tàng vào nữa. Cảm giác ấy thật tuyệt vời!...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.