Lai Châu: Dân tái định cư 10 năm "mòn mỏi" chờ chi trả chế độ

Lê Phương - Văn Chiến Chủ nhật, ngày 14/01/2018 09:09 AM (GMT+7)
Nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay, các hộ dân tái định cư Thủy điện Sơn La tại tổ 25 và 26 (phường Đông Phong, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu) vẫn chưa được giải quyết chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp.
Bình luận 0

10 năm mỏi mắt chờ chế độ

Năm 2008, thực hiện dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La (TĐCTĐSL) 520 hộ dân ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên đã chuyển đến nơi ở mới tại phường Đông Phong (TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu). Trong số đó có rất nhiều hộ dân được hưởng chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp theo quy định.

Suốt 10 năm qua, các hộ dân này phải vật lộn với đủ thứ nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tại nơi ở cũ, nhiều hộ sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng khi chuyển về tổ 25 và 26 thì không có đất để sản xuất, phải chuyển sang nghề phi nông nghiệp.

Vì chưa được giải quyết chế độ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp nên nhiều người phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày.

img

10 năm qua, nhiều hộ dân tái định cư ở tổ 25 và 26 phường Đông Phong mòn mỏi chờ chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp

Ông Nguyễn Văn Phương - Tổ trưởng tổ 25, phường Đông Phong, cho biết: “Người dân chúng tôi phải lo làm nhà cửa, tìm việc làm rất vất vả. Chính quyền cơ sở cũng đã đề đạt nguyện vọng của chúng tôi lên cấp trên nhiều lần mà đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cũng thuộc diện di chuyển khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện như chúng tôi, nhưng các hộ dân ở Noong Pu và Mường Lay (Điện Biên) thì đã được hưởng chế độ từ lâu. Còn chúng tôi cho đến tận bây giờ vẫn chưa được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề”.

Trong khi đó, theo Điều 27, Quyết định 02/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La  thì lao động nông nghiệp sau khi tái định cư chuyển sang nghề phi nông nghiệp được hỗ trợ chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề ; Lao động nông nghiệp sau khi tái định cư chuyển sang nghề phi nông nghiệp được hỗ trợ chi phí mua sắm công cụ lao động làm nghề mới tối đa không quá 5 triệu đồng/hộ (hỗ trợ một lần).

img

Nhiều hộ dân ở tổ 25 và 26 phường Đông Phong phải vất vả tìm công việc chuyển đổi sau khi không còn đất sản xuất.

Theo đó, những hộ dân tái định cư ở thị xã Mường Lay có điều kiện giống những hộ dân ở tổ 25 và 26 phường Đông Phong, thành phố Lai Châu đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp theo quy định. Nhưng những người dân ở tổ 25 và 26 phường Đông Phong  đến nay vẫn chưa được giải quyết, phải mòn mỏi đợi chờ.

Ông Hồ Thanh Sơn - Chủ tịch HĐND phường Đông Phong cũng xác nhận: “Những hộ dân làm nông nghiệp di chuyển từ Mường Lay về đây chuyển sang nghề phi nông nghiệp, đến giờ vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 02 của Chính phủ. HĐND phường đã kiến nghị lên UBND tỉnh  nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy giải quyết cho người dân”.

Chưa trả vì "có đáng gì mấy đồng bạc"?!

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao đến nay các hộ dân nói trên vẫn chưa được giải quyết chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để có việc làm phù hợp, ổn định đời sống, chúng tôi đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu.

Biện minh cho sự chậm trễ, ông Lê Văn Thực – Phó Giám đốc Ban QLDAđầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu nói: “Trước đây, chúng tôi cũng đã cho anh em xuống cơ sở làm rồi nhưng người dân không nhận. Họ bảo có đáng gì mấy đồng bạc lẻ, nhận làm gì?".

img

Nhiều hộ dân ở tổ 25 và 26 phường Đông Phong băn khoăn không hiểu vì lí do gì mà cho đến bây giờ họ vẫn chưa được giải quyết chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp

Ông Thực cho biết, Ban đã lập phương án thực hiện giải quyết dứt điểm việc chi trả cho người dân trong tháng 12.2017, với số hộ dân được hưởng là 9 hộ, 16 nhân khẩu.

Tuy nhiên, trên thực tế, người dân vẫn chưa nhận được các khoản hỗ trợ nói trên. Trao đổi với PV, người dân rất bức xúc vì chưa bao giờ chê tiền ít mà không nhận hỗ trợ.

Bên cạnh đó, người dân phản ánh danh sách số hộ và số nhân khẩu được hưởng chế độ hỗ trợ mà đơn vị ông Thực đưa ra quá ít so với thực tế. Dựa trên danh sách xác minh hiện trạng trước đây, riêng tổ 25 đã có 108 hộ, với 288 người được hưởng chế độ hỗ trợ, chưa kể các hộ ở tổ 26.

Khi phóng viên yêu cầu cung cấp danh sách đầy đủ những hộ dân trong diện hưởng chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề thì ông Lê Văn Thực chỉ đưa ra một tờ danh sách rất sơ sài.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem