Làm 1 vụ cá - lúa đã có trên 100 triệu đồng, nhiều nông dân muốn học theo

Minh Ngọc Thứ hai, ngày 24/08/2020 08:43 AM (GMT+7)
Nhằm nâng cao nhận thức cho bà con nông dân về hiệu quả của mô hình nuôi cá trong ruộng lúa và dễ dàng nhân rộng, cuối tuần qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (KNQG) đã tổ chức tọa đàm “Phát triển mô hình nuôi cá - lúa đạt hiệu quả cao và bền vững” tại xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức (Hà Nội).
Bình luận 0

Thu 250 triệu đồng/vụ

Theo ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm KNQG, thực tế cho thấy các mô hình cá - lúa đã và dang mang lại hiệu quả rất cao cho bà con nông dân. Đây không phải là mô hình mới, tuy nhiên cần tuyên truyền, cụ thể hơn đến người nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần nuôi trồng thủy sản bền vững.

“Bày kế” giúp nông dân có thu nhập cao từ mô hình cá - lúa - Ảnh 1.

HTX nông nghiệp Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) đã triển khai hiệu quả mô hình cá - lúa, thu hút nhiều hộ nông dân chuyển đổi theo. Ảnh: P.V

"Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản, thành phố sẽ hỗ trợ xây dựng 3 chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm thủy sản với quy mô 10ha, trong đó hỗ trợ 50% chế phẩm sinh học; 100% quảng bá, xúc tiến thương mại; 50% điểm bán và giới thiệu sản phẩm, thủy sản".

Ông Nguyễn Huy Đăng -

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội

Hiện Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ nông dân phát triển mô hình cá - lúa. Cụ thể, ngân sách nhà nước cấp 50% kinh phí để xây dựng mô hình, gồm giống, thức ăn chăn nuôi, tài liệu, tập huấn kỹ thuật…

Để được hỗ trợ, bà con nông dân cần đối ứng với các điều kiện như có ao nuôi, giao thông đi lại thuận tiện…

Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố đạt khoảng 22.900ha, sản lượng thu hoạch đạt hơn 52.000 tấn, tăng 6,02% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Vũ Văn Trung - Phó Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Nội) cho hay, thời gian qua, thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản.

Đặc biệt, HĐND TP.Hà Nội đã đưa nuôi trồng thủy sản vào Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 về những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn TP.Hà Nội.

Đơn cử như tại huyện Mỹ Đức, hiện nơi đây có 4 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, trong đó xã Hợp Thanh được quy hoạch 110ha.

Ông Nguyễn Văn Điện - Giám đốc HTX nông nghiệp Hợp Thanh cho biết, diện tích nuôi trồng thủy sản của HTX hiện đạt 79ha, riêng mô hình cá - lúa được quy hoạch 110ha và diện tích đã được phê duyệt 28,39ha.

Theo đó, diện tích nuôi cá - lúa của HTX nông nghiệp Hợp Thanh sau khi được phê duyệt đã đi vào sản xuất ổn định. Qua đánh giá, năng suất thu nhập bình quân cao hơn rất nhiều so với chỉ trồng 2 vụ lúa. Trên diện tích 1ha có thể thu về từ 110 - 130 triệu đồng/vụ (bao gồm cả cá và lúa).

Anh Đinh Văn Hòa, người đầu tiên thực hiện mô hình cá - lúa trên diện tích 6ha ở thôn Thọ, xã Hợp Thanh cho biết, mỗi năm thu hoạch 2 vụ, thu nhập cả lúa và cá gần 500 triệu đồng.

"Cá được bổ sung nguồn thức ăn dồi dào từ đồng ruộng, lúa "ăn" phân cá cũng sinh trưởng tốt. Lúa phát triển đến đâu thì dâng nước lên tới đó nên hạn chế chuột phá hoại lúa. Mặt khác, xung quanh bờ ao được xây cao, kết hợp trồng cây ăn quả giúp cản gió mỗi khi có mưa bão, lúa sẽ không bị đổ" - anh Hòa chia sẻ.

Làm 1 vụ cá - lúa đã có trên 100 triệu đồng, nhiều nông dân muốn học theo - Ảnh 3.

Các chuyên gia trả lời câu hỏi của bà con nông dân. Ảnh: Minh Ngọc

Chuyên gia "bày kế" nuôi cá - lúa hiệu quả

Nhiều câu hỏi của bà con nông dân về mô hình cá - lúa đã được gửi đến các chuyên gia tại buổi tọa đàm. Anh Đinh Đức Hòa hỏi: Mô hình cá - lúa có nhiều cách áp dụng hay không, cách nào cho hiệu quả cao và được áp dụng nhiều hiện nay?

Ông Kim Văn Tiêu cho biết, hình thức nuôi vừa xen vừa luân canh là cho hiệu quả cao nhất. Khi nuôi cá ở ruộng lúa, cá sục bùn tìm mồi ở đáy ruộng diệt cỏ dại, côn trùng, sâu bệnh hại lúa, đồng thời phân cá thải ra làm đất giàu dinh dưỡng, vì vậy năng suất lúa sẽ tăng. Lúc nuôi xen thì nên thả cá chép, cá rô để cá sục bùn. Khi gặt lúa thì dâng nước lên để cá ăn mạnh, nước dâng đến đâu cá ăn đến đó.

Nông dân Phạm Văn Thụ thắc mắc:  Trong nuôi cá - lúa cá thường mắc những bệnh gì? Bà Trần Thị Tình - Phó Trưởng phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) cho biết, trong nuôi trồng thủy sản, giai đoạn chuyển mùa rất quan trọng. Đây chính là thời điểm thuận lợi cho các mầm bệnh trên cá phát triển nhanh, chủ yếu là các bệnh về ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn…

Để giúp cá sinh trưởng và phát triển tốt trong giai đoạn này, bà con cần thực hiện một số biện pháp: Thường xuyên theo dõi môi trường nước, nếu nước bị ô nhiễm phải thay nước và sử dụng chế phẩm sinh học. Tăng cường thức ăn cho cá, bổ sung các loại thảo dược, chế phẩm sinh học.

Tiếp đó, ông Trần Văn Đáng hỏi về cách xử lý tình trạng cá trắm cỏ bị đen đầu, tróc vảy. Ông Kim Văn Tiêu cho hay, cá trắm cỏ rất hay bị mắc bệnh, mẫn cảm với thời tiết. Nếu cá dưới 7 lạng, để xác định bệnh cần mổ cá ra để lấy nội tạng kiểm tra xem cá bị bệnh gì. Nếu ruột, gan xuất huyết nhưng gan không bị hoại tử thì đó là do virus gây nên. Còn nếu ruột không xuất huyết, gan bị hoại tử thì đó là do vi khuẩn.

Để xử lý, đối với virus tiến hành khử trùng nước để diệt các vi khuẩn, các mầm bệnh, hạn chế virus không xâm nhập, phát triển. Đối với vi khuẩn có thể mua thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn và cho cá ăn trong 5 - 7 ngày.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem