Làm gì để tăng cường liên kết vùng tại các tỉnh, thành phía Nam? Đầu tư giao thông cho ĐBSCL
Các tỉnh, thành phía Nam: Làm gì để tăng cường liên kết vùng? (Bài cuối)
Hoàng Hưng
Thứ sáu, ngày 03/06/2022 19:00 PM (GMT+7)
Làm gì để tăng cường tính liên kết vùng, tạo nên sự phát triển kinh tế - xã hội mãnh liệt cho cả khu vực Nam bộ? Đó là vấn đề mà công luận đã đặt ra khá nhiều trong thời gian gần đây, tại các diễn đàn bàn về sự phát triển bền vững của các tỉnh, thành phía Nam.
Có rất nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã đề cập tới liên kết vùng, nhằm phát triển các lợi thế của vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để tăng cường liên kết vùng cho ĐBSCL là phát triển giao thông.
Liên tục những tháng gần đây, hàng loạt dự án giao thông với nguồn vốn hàng chục ngàn tỷ đồng đã được Chính phủ quyết định đầu tư tại ĐBSCL, khiến hàng triệu người dân đất "Chín Rồng" vui mừng, vì họ tin rằng, giao thông chắc chắn sẽ làm thay đổi bộ mặt vùng đất này.
Cao tốc và những nhịp cầu nối bờ vui
Dịp lễ 30/4 vừa qua, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận trị giá trên 12.000 tỷ đồng, dài 51km đã chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng. Với cao tốc này, hệ thống giao thông đường bộ mở về ĐBSCL đã bắt đầu khởi sắc, chấm dứt phần nào hiện tượng kẹt xe, ách tắc giao thông kinh niên trên Quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Tiền Giang.
Đặc biệt, việc Quốc hội, Chính phủ quyết tâm đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng cho dự án cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đã thật sự làm nức lòng gần 20 triệu người dân ĐBSCL.
Trước đó, ngày 29/3/2022, dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền, nối Tiền Giang và Bến Tre, giúp giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện hữu; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Tây Nam bộ, đặc biệt trên tuyến quốc lộ 60.
Quốc lộ 60 là trục hành lang ven biển kết nối các tỉnh duyên hải phía Nam với TP.HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, là tuyến trục dọc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả khu vực.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, kết nối liên tục 2 cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ, có chiều dài dự án hơn 6km, gồm phần cầu chính dài gần 2km, đường dẫn và cầu trên tuyến dài hơn 4km. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 5.000 tỷ đồng, được khởi công năm 2020 và dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Đến nay, tổng giá trị xây lắp của dự án đạt gần 51% giá trị hợp đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Đối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đến nay tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo, yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), các nhà thầu tập trung tối đa nhân lực, thiết bị thi công đẩy nhanh tiến độ, cũng như công tác giải ngân dự án, đảm bảo dự án cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2022.
Ngoài ra, một loạt dự án khác đang được Bộ Giao thông vận tải đầu tư, gồm các tuyến cao tốc: Tuyến Cần Thơ - Cà Mau, tuyến Mỹ An - Cao Lãnh, tuyến An Hữu - Cao Lãnh, cầu Ðại Ngãi, các dự án nâng cấp tuyến quốc lộ 53, 62 và 91B... cũng bắt đầu khởi động.
Song song với đó, việc đầu tư hoàn chỉnh dự án luồng tàu biển cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu; đầu tư giai đoạn 2 tuyến kênh Chợ Gạo, phát triển hành lang đường thủy và các trung tâm logistics,… nhằm kết nối giao thông trục ngang, trục dọc (cao tốc Bắc – Nam phía Đông), đưa vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải Lê Đỗ Mười, cho biết: "Nhận thức sâu sắc việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21 và Kết luận số 28, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh khu vực ĐBSCL, Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong vùng tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đến nay cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 21 và Kết luận 28. Diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng ĐBSCL có nhiều đổi thay rõ nét".
Tại hội thảo về phát triển giao thông cho ĐBSCL diễn ra tại TP.HCM vào ngày 31/5 vừa qua, ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng:
"Một trong những lý do nhà đầu tư ngán ngại chưa đầu tư thật sự vào ĐBSCL là do yếu kém về hạ tầng giao thông, thiếu thốn dịch vụ logictics. Ngay như tỉnh Cà Mau, chỉ có mỗi tuyến Quốc lộ 1 là chính. Đường cao tốc vẫn chưa về tới đất mũi.
Thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh tháo gỡ điểm "nghẽn" về hạ tầng giao thông, trong đó có các trục dọc, trục ngang và hạ tầng hành lang kinh tế ven biển. Như vậy mới hình thành được sự nối kết, liên kết giữa các tỉnh, mới phát triển được kinh tế - xã hội ĐBSCL".
Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang- cho biết: Hiện nay, theo quy hoạch, tỉnh Hậu Giang có 3 tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn. Đây sẽ là tiền đề vững chắc giúp giao thông Hậu Giang bứt phá, hòa nhịp với ĐBSCL trong thời gian tới.
Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ưu tiên nguồn vốn đầu tư các tuyến quốc lộ qua địa bàn Hậu Giang trong giai đoạn 2021-2025. Thực hiện các chiến lược đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Đẩy mạnh phát triển logictics để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, đưa vùng ĐBSCL phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Tấn Đông – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Đèo Cả (đơn vị thi công cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận) – nói: "Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL hiện nay vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế nhất định, thiếu tính đồng bộ. Tốc độ đầu tư, xây dựng hệ thống đường cao tốc còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra.
Mạng lưới quốc lộ chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, nhiều tuyến có tiêu chuẩn thấp. Hạ tầng kết nối, hạ tầng cảng biển, hạ tầng phục vụ logistics còn thiếu đồng bộ. Chưa khai thác hết công suất các cảng hàng không trong vùng; khả năng kết nối đường bộ trong vùng ĐBSCL với TP.HCM, vùng Đông Nam bộ còn hạn chế. Đây là những vấn đề đặt ra cần phải sớm xử lý, giải quyết dứt điểm, mới tăng cường mối liên kết vùng thật sự cho vùng đất Chín Rồng".
Theo Bộ Giao thông vận tải, về hạ tầng giao thông, ĐBSCL sẽ phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế.
Về kế hoạch và nguồn lực thực hiện, trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải đã bố trí vốn để triển khai 27 dự án trong vùng, với tổng mức đầu tư khoảng 156.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu cho các dự án giao thông sẽ khoảng 134.700 tỷ đồng.
Giai đoạn đến năm 2025, toàn vùng sẽ có khoảng 448km đường bộ cao tốc; giai đoạn đến năm 2030, có khoảng 658km đường bộ cao tốc; 4 cảng hàng không với công suất 18,5 triệu hành khách/năm; hình thành khu bến cảng đầu mối, cửa ngõ của vùng tại khu vực cửa Trần Đề và hệ thống các cảng biển và cảng thủy nội địa.
Với sự đầu tư "khủng" trên cho hệ thống giao thông sẽ làm thay đổi bộ mặt của vùng đất "Chín Rồng" trong một tương lai không xa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.