Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ốc núi hay được gọi là ốc xu núi Bà, ốc núi Bà Đen hoặc ốc Nàng Hai. Đây được xem là đặc sản Tây Ninh thu hút nhiều du khách ghé thăm và thưởng thức.
Ốc núi sinh sống trong môi trường tự nhiên của quần thể núi Bà Đen. Trước tình trạng ốc núi có nguy cơ tận diệt, anh Ngô Trần Ngọc Quốc, ngụ thị xã Hoà Thành đã dành thời gian nghiên cứu, bảo tồn và nuôi sinh sản thành công loài ốc quý hiếm này.
Quan niệm dân gian trong vùng, ốc núi Bà gắn liền với giai thoại núi Bà Đen. Tương truyền vào khoảng cuối thế kỷ 17, cô Lý Thị Thiên Hương lên núi viếng chùa, không may gặp tên cường hào ác bá định cưỡng bức. Để giữ tròn tiết hạnh, cô đã nhảy xuống núi tự tử.
Ốc núi Bà Đen do anh Quốc nuôi đang sinh sản tốt tại thị xã Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh.
Trong lúc lao xuống vực thẳm, những đồng xu cô mang theo dùng để bố thí cho người nghèo khi đi viếng chùa cũng rơi ra và vương lại trên các vách núi, biến thành những con ốc nhỏ. Vì thế, loại ốc này có hình dạng như những đồng tiền xu nhỏ nhắn, tròn trịa. Người dân xung quanh núi tin rằng, loài ốc bé nhỏ là lộc của núi Bà Đen giúp dân bớt bệnh tật, đau ốm.
Ốc núi Bà Đen có trọng lượng nhẹ nhưng phần thịt rất đầy, thịt ốc giòn, dai, vị ngọt thanh, có độ đạm cao, có chút hương thuốc quý. Thức ăn của loài ốc núi Bà chủ yếu là thảo dược mọc hoang trên núi như cây mã tiền, lá vông, lá nàng hai. Vì vậy, ốc mang đầy vị thuốc, rất ngon, bổ dưỡng.
Với những ưu điểm nêu trên, ốc núi trở thành loài động vật được nhiều người săn bắt. Hằng năm khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, loài ốc núi bò lên từ hang đá để uống nước, ăn lá mục. Đó cũng là lúc bắt đầu mùa săn ốc núi.
Theo một người làm nghề bắt ốc trên núi Bà, vào mùa mưa, có khoảng 50 người thường xuyên lên núi bắt ốc về làm thức ăn hoặc bán cho thương lái. Hằng ngày, khoảng 15 giờ, những người này bắt đầu lên núi. Họ leo lên gần tới đỉnh, nghỉ ngơi, ăn uống một chút rồi bắt ốc. Khi xuống tới chân núi là trời sáng.
Trung bình mỗi đêm một người bắt được khoảng 200 con ốc. Giá thị trường loài ốc này khoảng 500.000 đồng/kg. Khi vào nhà hàng, quán ăn, tuỳ vị trí, quy mô quán và phương thức chế biến, món đặc sản này được đẩy giá lên cao gấp đôi, gấp ba lần so với giá thị trường.
Vợ chồng anh Dân cho ốc núi ăn.
Chính vì có giá thị trường khá cao, nên hàng chục năm qua, loài ốc này bị săn bắt triệt để.
Trước tình trạng ốc núi có nguy cơ bị tận diệt, anh Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh đã dành thời gian gần 10 năm nghiên cứu, bảo tồn ốc núi. Anh Quốc kể, gia đình anh có vài héc-ta đất trồng cây ăn trái trên núi Bà Đen.
Thường xuyên lên núi thăm vườn nên anh biết loài ốc núi này đã lâu. Thế nhưng, để nuôi được loài ốc này là không dễ. Trong quá trình nghiên cứu loài ốc núi, anh đã nhiều lần leo lên núi lúc nửa đêm để xem chúng ăn những loại thức ăn gì, chúng quan hệ ra sao.
Ốc núi rất kén chọn thức ăn, chúng chỉ ăn lá của các loại cây thuốc nam. Khi đem ốc núi về nuôi, anh Quốc thử nghiệm cho chúng ăn các loại rau, củ, quả khác, chúng vẫn ăn nhưng sau một thời gian đều chết.
Nguyên nhân những loại rau củ quả có tính hàn, khiến chúng bị lạnh bụng. Ngoài ra, hàm lượng khoáng chất trên núi Bà Đen rất cao, cần cho việc hình thành vỏ ốc. Nếu nuôi ốc ở nhà mà thiếu hàm lượng khoáng chất thì vỏ ốc sẽ bị mỏng, chúng dễ chết. Tốt nhất là nuôi ốc núi trên môi trường thiên nhiên của núi Bà.
Sau gần 10 năm nghiên cứu, năm 2020, anh Quốc đầu tư xây dựng một số chuồng trại trên phần đất dưới chân núi Bà Đen và bắt tay vào việc nuôi ốc quy mô lớn. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho ốc, anh Quốc thuê vợ chồng anh Nguyễn Bình Dân, chị Đào Bảo Yến lên núi hái các loại thuốc nam như cát lồi, thần xạ, nàng hai, rắn bay, dền núi, lá dòn… đem về cho ốc ăn.
Trung bình, khoảng ba bốn ngày, vợ chồng anh Dân cho ốc núi ăn một lần. Hai người còn phải theo dõi độ ẩm trong chuồng ốc. “Mùa mưa không cần phun nước cho chuồng ốc. Mùa nắng nóng thì mỗi ngày phải phun nước một lần. Ngoài ra còn phải cho chúng ăn thêm bột canxi, rải thuốc bên ngoài chuồng, không để kiến tấn công đàn ốc”- anh Dân chia sẻ.
Anh Quốc giới thiệu ốc núi được nuôi trong trang trại dưới chân núi Bà Đen.
Theo anh Quốc, hiện nay ở một số tỉnh phía Bắc và miền Trung cũng có loài ốc tròn, nhỏ với hình thức tương tự như ốc núi Bà Đen. Người tiêu dùng tinh ý sẽ phân biệt được, ốc núi Bà Đen có lớp vỏ rất dầy, cứng và sần sùi, trong khi các loài ốc tương tự vỏ mỏng, trơn láng, thịt không đầy, không giòn, không thơm ngon bổ dưỡng như ốc núi Bà Đen.
Sau một thời gian, đàn ốc trong chuồng bắt đầu sinh sản. Anh Dân kể: “Năm 2021, tôi phát hiện trong chuồng có nhiều ốc con mới nở. Mừng quá, chúng tôi vội quay phim, chụp ảnh gửi cho chủ trang trại xem. Đến nay, đàn ốc con đã lớn và ốc trong chuồng vẫn tiếp tục sinh sản”.
Sau khi nuôi sinh sản thành công, anh Quốc tiếp tục nghiên cứu theo hướng chuyên sâu hơn. “Tôi dự định trong mỗi chuồng cho chúng ăn những loại cây thuốc nam có tác dụng trị từng loại bệnh riêng biệt, xem như là thực phẩm chức năng được qua bào chế một cách tự nhiên”- anh Quốc bộc bạch.
Những thành công bước đầu trong việc nghiên cứu thử nghiệm nuôi loài ốc quý này là tín hiệu đáng mừng cho công việc bảo tồn loài động vật quý hiếm; đồng thời phát triển một ngành nuôi trồng mới lạ, độc đáo của nền nông nghiệp xanh Tây Ninh.
Mặc dù tốn nhiều thời gian, công sức nghiên cứu thành công mô hình nuôi ốc núi sinh sản, nhưng anh Quốc không có ý định giữ bí quyết cho riêng mình mà sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho bà con nông dân, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình và góp phần bảo tồn loài động vật đặc hữu của núi Bà Tây Ninh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.