Còn nhớ những năm cuối cùng thế kỷ 20 người ta hăm hở cả năm trời lấp hồ để làm công viên nước, và năm ngoái lấp luôn cái hồ bảy mẫu cho công trình lọc nước hồ Tây. Công trình thì nhỏ nhưng quyết toán cả cái hồ sen bát ngát, phần còn lại bán khoán cho nhóm người nào đó làm khu vui chơi, tạo cảnh giả bán vé cho nam thanh nữ tú mặc yếm, mặc áo dài chụp hình lưu niệm.
Khu đầm sen bắc hồ Tây như miếng da lừa trong truyện của Banzac. Giờ còn vài ba hồ nhỏ nhoi dành cho giống sen bách cánh này. Liệu phần nhỏ nhoi còn lại có bị cắt tiết nốt cho những dự án san lấp?
Hà Nội có trà sen là món quà thầm kín đầy hương sắc Thăng Long ngàn năm văn vật ban tặng cho đời. Dăm năm trước trà sen có giá hai triệu rưỡi một kí, giờ chắc cao hơn. Nhưng năm nay chắc không còn trà ướp nhị sen nữa vì không còn ao đầm nào bán sen cho khách làm trà. Mà bán hoa thẳng, thu tiền tươi nhiều hơn.
Sen Hồ Tây thu hút không chỉ bởi hoa sen đẹp, mà còn bởi phong vị của Hồ Tây... (Ảnh minh hoạ, nguồn cinet)
Những năm 2000 tôi đã ở đây. Khi ấy chục sen ba ngàn rồi năm ngàn nhưng không dễ mua, bởi người làm trà ướp nhị sen đã mua trước cả đầm. Người hái sen không được phép bán, nên có được chục sen cắm chơi phải mua lén mua lút từ sớm tinh mơ khi người làm trà chưa đến bóc bông sen lấy nhị.
Trà sen hồ Tây thường bán ở phố Hàng Điếu. Người sành điệu lắm mới dám mua một hai lạng vì quá đắt. Ngàn bông sen mới cho được cân nhị ướp trà thì sao rẻ được, dù khi ấy bông sen giá mới có ba trăm.
Một người làm nghề ướp trà sen bảo, làm trà này tốn công sức lắm, phải dùng chè san Hà Giang để hai ba năm cho hoai đi hết mùi chè, rồi phơi sấy cho khô xác mới ướp với nhị sen. Ướp một đêm rồi sáng sau bỏ ra sấy. Cả chục lần như thế mới kiếm nổi ấm trà. Ngàn bông sen ướp được vài ba cân trà. Uống trà sen là thưởng thức hương vị sen chứ không phải thưởng vị trà.
Nghe mô tả cách thức pha, chuyên trà, rót trà vào loại chén nhỏ như thế nào để năm lần thay nước hương sen mới ra hết, thấy nó cầu kì đến khó tin. Người ta gọi là thưởng trà sen chứ không ai nói uống. Một anh bạn bảo: Ngày tết cũng chỉ dám bỏ tiền mua nửa lạng trà, pha đặt lên bàn thờ kính tổ tiên, chứ đâu có tiền mua cả lạng trà pha thưởng ngoạn.
Cách đây ba bốn năm, một chủ ao sen nghĩ ra trò chơi, đi thuyền mở bông hoa, cho trà Thái vào rồi bụm lại, lấy một lá sen bỏ bọc ngoài rồi buộc chặt. Hôm sau đẩy thuyền ra hái về. Đem trà ướp thẳng vào bông sen đó pha, chè thì chát, hương sen đặc quánh, nhiều khách đến thăm hồ sen lần đầu nghĩ trà sen là vậy. Phần nhiều khen hay khen lạ. Tất cả chỉ là uống nghiệp dư, nào có ai hướng dẫn đâu.
Trà cũng như rượu. Ly nào rượu ấy. Có loại rượu chỉ nhấp ngụm nhỏ, có loại uống một hơi, có loại khai vị uống trong bữa ăn, có loại uống chơi trên quầy bar…Trà cũng vậy. Nhưng dân ta đâu đã có điều kiện ăn chơi nên thấy chè có mùi sen thì bảo đó là trà sen cũng là chuyện đương nhiên. Trách gì được.
Xưa, các cụ thưởng trà khác hẳn với uống ấm trà bên bờ hồ bây giờ: Một nhúm trà nhồi vào bông sen để qua một đêm. Hôm sau mở ra vặn cả đài cả nhị cho vào ấm sứ. Trà bốc mùi sen đặc quánh, vừa chát, vừa nồng, đâu có thoang thoảng hương hoa. Thưởng trà ướp nhị sen cổ truyền là “tiên ẩm” thì giờ trà “đấm bốc” bên hồ sen thuộc loại “ngưu ẩm”. Tội lắm.
Thưởng ngoạn thời nay là thứ xô bồ. Không khó hiểu lắm vì đó là hội chứng đám đông, a dua cho kịp thời thượng. Giống như âm nhạc bãi, múa đồi… Một thứ tạp chủng không còn gì là văn hóa nữa. Thứ bảy, chủ nhật mùa sen nở thì nơi này thành cái chợ cóc của tuổi trẻ, ầm ĩ nam thanh nữ tú diêm dúa mua sen rồi lăn lóc chụp hình… Cuộc sống còn gì vui hơn thế nữa?
(Theo TPO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.