Làng người Mông trên đỉnh mây mù

Xuân Tuấn Chủ nhật, ngày 03/03/2024 15:30 PM (GMT+7)
Người Mông ở Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã phải vật lộn với bao đau thương mới lập được bản, dựng được làng như ngày nay. Bao đời sống trên nóc nhà xứ Mường, người Mông đã tạo ra bản sắc riêng của mình.
Bình luận 0

Khác với người Kinh, người Thái thường sống ở những nơi gần nguồn nước, sông suối. Người Mông lại chọn nơi núi thẳm để định cư. Xã Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) khi đó nằm lọt thỏm trong rừng nguyên sinh. Hành trình dựng bản lập làng của bà con người Mông trải qua muôn vàn gian nan. 

Làng người Mông trên đỉnh mây mù - Ảnh 1.

Bản Mông nằm tít trên núi cao, ảnh: Xuân Tuấn

Người Mông từng sống du canh, du cư

Người Mông ngày trước sống du canh, du cư gần như không ở ổn định ở một nơi. Khi tôi sinh ra, được các cụ ở Pà Cò kể lại, người Mông mới định cư được khoảng 100 năm ở đất Hòa Bình. Trước đây, bầu đoàn thê tử kéo nhau qua các vùng núi cao từ Yên Bái, Sơn La, đến Điện Biên và họ đã tìm đất và định cư ở đỉnh Pà Cò quanh năm mây mù bao phủ, rừng già ngút ngàn. Bản làng không cố định ở một nơi mà nay đây mai đó.

Sống ở nơi gần như tách biệt với bên ngoài, nên người Mông tự túc gần như mọi thứ. Từ công cụ lao động đến quần áo mặc họ đều tự lo. Các bà các mẹ người Mông có thể nói là những phụ nữ bền bỉ nhất ở nơi sơn cước. Tổ tiên chúng tôi sống quây quần theo dòng họ. Sau vài vụ nương lại đi phát cánh rừng khác kiếm kế sinh nhai. Do di chuyển liên tục, nên chẳng ai được học hành và ốm đau cũng tự chữa.

Cụ Sồng A Sía ở bản Chà Đáy năm nay đã bước sang tuổi 111. Cụ là người sống thọ nhất đỉnh Pà Cò, nên cụ là pho sử sống của người Mông nơi đây. Nhắc lại hành trình đầy gian nan ngày trước, cụ vẫn chưa thể tưởng tượng được sự đổi thay của người Mông hôm nay.

Cụ Sía bảo: "Ngày đó người Mông sống ở nơi núi cao nên sinh hoạt vô cùng vất vả. Lương thực chính là ngô và lúa nương. Ai cũng săn bắn rất giỏi. Ngay việc làm súng kíp và thuốc nổ, người Mông cũng tự điều chế lấy". Trong câu chuyện dài về hành trình lập bản dựng làng của cụ Sía chứa đầy chất bi hùng. Người Mông đi từ ngọn núi này qua ngọn núi khác. Cây ngô, cây lúa lên kém là chuyển đến vùng khác.

Làng người Mông trên đỉnh mây mù - Ảnh 2.

Sau bao năm du canh, du cư, người Mông mới dần ổn định cuộc sống tại xã Pà Cò. Ảnh: A Páo

Hành trình phát hoang làm nương sao mà khổ cực. Cái đói, cái nghèo sự thiếu thốn cứ theo đó mà đi theo. Ở bản bao giờ cũng có một ông thầy cúng. Gia đình nào có công to, việc lớn hay ốm đau gì đều do người thầy cúng này lo toan. Người Mông khi đó cho rằng, người thầy cúng sẽ gửi tiếng nói của họ tới đấng tối cao. Việc chữa bệnh cũng do các "ma" gây lên, họ khỏi bệnh là nhờ thầy cúng xin "ma" bỏ qua. Quan niệm lạc hậu đó nó vẫn còn kéo dài hệ lụy đến tận ngày nay. Sống ở nơi thâm sơn cùng cốc, nên chẳng mấy khi người Mông giao lưu với bên ngoài.

Dường như bà con người Mông đã gắn bó bao đời ở vùng đất đầy gian khó này đã ăn sâu vào trong kí ức. Cụ Sía còn khỏe và nói tiếng phổ thông rất rõ ràng. Cụ Sía kể, ngày trước cái nương, cái rẫy của người Mông giáp cả đất Thanh Hóa (cách nơi ở của cụ 30km). Bà con làm nương ở tận đó, đi 2 ngày mới gùi được thóc về nhà. Bao đời bà con người Mông vất vả và gian truân đủ đường mới kiếm được cái ăn. Chẳng thế mà nhà nào cũng phải làm thêm cái lán nương để tiện bề ở lại đó. Suốt hành trình du canh, du cư, bà con hết đốt nương núi này lại chuyển sang núi khác. Mãi sau này, gia đình ông mới chuyển ra bản Chà Đáy để làm ruộng, vì nơi này có nhiều nước. "Dịch bệnh, đói ăn, thiếu mặc là tình trạng chung của bản Mông khi đó", cụ Sía nhớ lại.

Làng người Mông trên đỉnh mây mù - Ảnh 3.

Người Mông ở Pà Cò đã trải qua bao đau thương mới gây dựng được bản làng, ảnh: Xuân Tuấn

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn là vậy, trong bản Mông còn trồng cây thuốc phiện. Cũng vào cữ này, khi sương mù bao phủ lấy bản, cái rét ùa về là lúc bà con đã gieo xong nương thuốc phiện. Ra xuân là cây lên nhanh. Cuối xuân hoa đã nở trắng trời, trắng đất. Từ bản Pà Khôm kéo đến bản Thung Mặn của xã Hang Kia, nơi đâu cũng thấy trồng cây thuốc phiện.

Không ai bảo ai, họ mang nhựa thuốc phiện xuống chợ đổi lấy lương thực. "Trồng cây thuốc phiện thì nhàn cái thân đấy. Nhưng nó lại khiến mình sống dở, chết dở. Sau những ngày ở trên nương, mùa đông nơi này buồn như chấy cắn, nên nhiều người đã lôi thuốc phiện ra hút. Của nhà làm được, nên hút mãi thành quen, thành nghiện. Tôi cũng là thế hệ đầu tiên nơi đây nghiện thuốc phiện", cụ Sía nói.

Xóa bỏ cây thuốc phiện để bản làng người Mông được yên ổn

Dường như người Mông coi việc hút thuốc phiện là thú tiêu khiển không thể thiếu khi đến thăm nhà nhau lúc đó. Cụ Sía bảo, ngày mà không bắn được vài bi là người bị vật vã không chịu nổi. Mùa đông mây phủ kín trời, kín đất, khói thuốc phiện cũng theo đó mà vương vít bên những ngôi nhà gỗ của bà con người Mông. Cả bản rơi vào cảnh nghiện, nương rẫy bị bỏ bê. Cái nhà, cái cửa không có người sửa. Sống trong cảnh nghiện ngập đó, cụ Sía cũng cảm thấy, nếu để tình trạng này kéo dài sẽ vô cùng nguy hiểm. Khi nhà nước có chính sách vận động bà con người Mông xóa bỏ cây thuốc phiện, bản Mông như "người chết đuối vớ được cọc".

Tiếp đó là các cuộc họp bản diễn ra liên miên. Nhiều người dân khi đó rất bảo thủ, chưa đồng ý làm theo. Họ cho rằng, bỏ cây thuốc phiện, bà con sống bằng gì. Bao năm đã canh tác loài cây này, hơn nữa bỏ thuốc phiện lấy gì mà hút… Biết bao luồng ý kiến ra, vào khiến công cuộc xóa bỏ thứ cây đã làm cho người dân mê mị khó vô cùng.

Làng người Mông trên đỉnh mây mù - Ảnh 4.

Người Mông ở Pà Cò luôn gìn giữ được bản sắc dân tộc, ảnh: Xuân Tuấn

Cụ Sía khi đó còn tham gia làm công tác Mặt trận tổ quốc xã, trong khi đó cụ cũng nghiện nên khó lòng vận động được bà con làm theo. Cụ đã tự nguyện đi cai nghiện ở huyện. Chỉ sau 2 tháng xa bản, xuống trung tâm huyện để cai nghiện, cụ đã từ bỏ được "nàng tiên nâu". Bỏ được thuốc, cụ lại khỏe ra, về bản, việc đầu tiên là cụ vứt cái bàn đèn vào bếp lửa. Cụ đốt sạch như muốn xóa bỏ ký ức đau thương. Cụ đoạn tuyệt với những ngày tháng chân co, chân duỗi bên bàn đèn. Cái tin cụ Sía làm gương cai nghiện và phá nương thuốc phiện chẳng mấy chốc đã lan ra toàn xã. Thay vì trồng thuốc phiện, cụ gieo ngô, tra thóc và nuôi thêm trâu bò.

Mấy mùa trăng qua đi, bà con thấy cụ Sía bỏ thuốc phiện mà vẫn sống khỏe, chứ không như bà con nghĩ. Từ việc của gia đình mình, cụ đã đi vận động anh em họ hàng rồi mới đến bà con làm theo mình. Suốt những năm tháng nhọc nhằn đó, cụ đã vượt qua bao gian nan, bà con người Mông mới dần quên được cây thuốc phiện. Nói chuyện xưa đầy khó nhọc như vậy, người Mông ở Pà Cò hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Họ xóa bỏ cây thuốc phiện, và không tiếp tay cho kẻ xấu buôn ma túy.

Lớp xóa mù chữ đầu tiên của người Mông ở Pà Cò

Hành trình phá bỏ cây thuốc phiện và vận động người dân đi cai nghiện ở Pà Cò kéo dài suốt 2 thập kỉ. Cũng chính sự đoàn kết của bà con người Mông nên cuộc sống mới dần ổn định. Bà con không còn du canh du cư nữa, họ đã định cư ổn định tại bản Chà Đáy, Pà Cò, Pa Háng và Xà Lĩnh. 4 bản Mông, mỗi bản có vài chục hộ dân. Khi sự lạc hậu còn ngự trị ở đất này, những cán bộ dân vận đầu tiên đã đến với Pà Cò.

Làng người Mông trên đỉnh mây mù - Ảnh 5.

Bà con người Mông yêu văn nghệ và kiên trì nhẫn nại trong đời sống, ảnh: Xuân Tuấn

Họ cùng ăn cùng ở và cùng làm, uống chung chén rượu, nói ngôn ngữ của bà con người Mông. Sự xa lạ và đề phòng của bà con với cán bộ miền xuôi dần được xóa bỏ. Bà con tin cái cán bộ đến đây để giúp bà con có cuộc sống tốt đẹp hơn. Câu chuyện của ông Sùng A Màng, nguyên Chủ tịch UBND xã Pà Cò khiến ai cũng phải chạnh lòng, cùng với sự đói nghèo và lạc hậu, người Mông trước đây gần như không biết chữ. Sống ở giữa rừng, không có đường, không có điện và phương tiện đi lại duy nhất là ngựa thồ, nên việc giao lưu với thế giới bên ngoài thưa thớt. Ngay đầu những năm 1980, ở Pà Cò đã manh nha có lớp dạy học chữ. 

Cái cán bộ dùng tấm gỗ làm bảng đen. Lấy than củi làm phấn mở lớp xóa mù chữ cho bà con. Mở lớp đã khó, vận động bà con đi học khó hơn cả lên trời. Hầu hết các gia đình chỉ cần nghĩ đến cái ăn, chứ mấy ai nghĩ học cái chữ làm gì. Thầy giáo khi đó là cán bộ dân vận, đến lớp ban đầu chỉ có lác đác vài người, trong đó có ông Màng. Họ là những người Mông đầu tiên tiếp cận với chữ viết. Giọng đọc vần O, A lần đầu vang lên ở xứ miệt rừng. Học biết được cái mặt chữ, lớp học cũng theo đó mà thưa thớt dần. Họ lại lao vào hành trình lo cái ăn trước đã.

Làng người Mông trên đỉnh mây mù - Ảnh 6.

Với các chàng trai người Mông, họ đã vượt qua vòng xoáy của cây thuốc phiện, giờ họ nỗ lực xây dựng quê hương, ảnh: A Páo.

Tình hình cứ như vậy kéo dài cho đến đầu những 1990, để người Mông xóa bỏ đói nghèo và lạc hậu, cách duy nhất là vận động con em họ đi học. Trong năm đó, một cuộc "cách mạng" ở đất Pà Cò đã được thực hiện, 13 học viên, trong đó có cả nam và nữ được vận động đưa về trung tâm huyện học. Lứa thanh niên này đều sinh vào đầu những năm 1980. Họ xung phong rời bản để học lấy cái chữ, rồi quay trở lại phục vụ dân bản. Lứa thanh niên đầu tiên của xã được học cấp III. Rồi họ học làm thầy thuốc, cán bộ công an. Nhờ đó mà Pà Cò có được đội ngũ cán bộ đầu tiên được đào tạo bài bản.

Ngày trước, hầu hết cán bộ Đảng, công an, tư pháp cho đến thầy cô giáo đều là người nơi khác lên xã tăng cường và bám trụ. Giờ đây, đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản đều là người địa phương. 13 em học sinh đầu tiên học hết cấp III của xã đã quay trở lại phục vụ quê hương. Họ là người Mông nên họ hiểu người Mông hơn bao giờ hết. Họ khát khao giúp bản làng thoát nghèo, xóa bỏ hủ tục. Hành trình gây dựng lớp cán bộ đầu tiên của Pà Cò đã rất thành công. 

Làng người Mông trên đỉnh mây mù - Ảnh 7.

Pà Cò giờ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, ảnh: A Páo

Giờ đây lên bản Mông, một điều dễ nhận thấy là bà con nơi đây đã thay đổi rất nhiều. Họ quan tâm nhiều hơn tới con em mình. Ốm đau họ đã đến trạm xá, nhiều hủ tục đã dần được xóa bỏ. Một cuộc sống mới trên đỉnh Pà Cò đã đang mở ra. Mưới mấy cái homestay được mở ra. Hội nghề nghiệp được thành lập. Hệ thống trường cấp I, cấp II, cấp III hoàn thiện. Trạm Y tế khang trang với trang thiết bị hiện đại đã đến với bà con. Người Mông xây bản, dựng làng với hành trình đầy gian nan, nhưng cũng không ít phần tự hào. 

Một cuộc sống mới đã và đang đến với người Mông ở Pà Cò. Ký ức về bản của thế hệ trẻ đã bắt đầu có, chứ không như những thế hệ trước, không thể biết mình định cư ở nơi nào. Để cảm nhận sự đổi thay của người Mông, bạn hãy một lần đến với đỉnh Pà Cò. Đến đây để được ăn thắng cố, nghe khèn Mông, nghe các đại lão kể về lịch sử đầy gian khó của người Mông một thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem