"Làng trạng nguyên" ở Bắc Ninh, thời phong kiến nhiều người đỗ đạt, làm quan nhất Kinh Bắc
Ở Bắc Ninh có một "Làng trạng nguyên", thời phong kiến nhiều người đỗ đạt, làm quan nhất Kinh Bắc
Thứ hai, ngày 13/11/2023 05:24 AM (GMT+7)
Cách thủ đô Hà Nội hơn 60km, ngôi làng Ngọc Quan thuộc xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh là nơi có tinh thần hiếu học được rất nhiều người biết tới. Có thể nói, chưa làng nào có nhiều người đỗ khoa bảng, trong đó có đỗ trạng nguyên như ở Ngọc Quan.
Ở ngôi làng này, đời nào cũng có người đỗ đạt, làm quan to. Ngày xưa, có những kỳ thi trong làng có tới hai người giành nhất, nhì khoa bảng. Ngôi làng này được ví như cái nôi của những anh tài hiếu học và đến nay, truyền thống hiếu học đó vẫn đang được con cháu phát huy tích cực.
Ngôi làng giành kỉ lục về khoa bảng ngày xưa
Cách thủ đô Hà Nội hơn 60km, ngôi làng Ngọc Quan thuộc xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh là nơi có tinh thần hiếu học được rất nhiều người biết tới. Có thể nói, chưa làng nào có nhiều người đỗ khoa bảng như ở Ngọc Quan. Dưới thời phong kiến ngày xưa, có những kỳ thi có tới hai người của làng đỗ nhất nhì. Từ ngày xưa, mảnh đất này đã nổi tiếng là nơi “sản sinh ra những khoa bảng” xứ Kinh Bắc.
Cổng làng Ngọc Quan-làng được ví là "làng trạng nguyên", xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Văn chỉ của làng bao gồm 6 tấm bia được sơn màu vàng, trong đó có một tấm bia ghi bằng chữ Hán, còn 1 tấm bia khác ghi bằng tiếng Việt. Văn chỉ làng ghi rõ tên tuổi 46 vị khoa bảng được lưu danh, trong đó có nhiều người giữ những chức quan to như Tể tướng, Thượng thư, Ngự sử, Bộ thị lang…
Tuy nhiên, chủ yếu những người được ghi danh đều làm quan thời phong kiến. Người duy nhất thời hiện đại được ghi danh ở văn chỉ làng đấy chính là giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Ngũ - thầy thuốc ưu tú, Chủ nhiệm khoa Vi sinh y học Bệnh viện Bạch Mai.
Có những người nổi tiếng như tiến sĩ Vũ Miên - là người nổi tiếng học giỏi, kiến thức uyên thâm, đỗ đầu kỳ thi hội dưới thời nhà Lê - làm quan đến chức Tể tướng, kiêm giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám (tương đương chức danh hiệu trưởng) thời Lê - Trịnh.
Trong đó, tiến sĩ Vũ Miên đã có nhiều đóng góp cho đất nước như biên soạn những cuốn sách quý được phổ biến rộng rãi như Đại Việt sử kí tục biên, Đại Việt sử kí bản kỉ tục biên, Đại Việt lịch triều đăng khoa…
Hoặc như cụ Vũ Trinh, mới 14 tuổi đã đỗ đầu xứ, 17 tuổi đỗ Giải Nguyên, được bổ làm tri phủ một vùng, sau làm quan đến chức Thị trung Học sĩ tại triều Nguyễn, là tác giả của tác phẩm Lan Trì kiến văn lục đến nay vẫn còn. Hoặc thời nay thì có nhà văn Vũ Ngọc Phan, giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, nguyên thứ trưởng Vũ An…
Nhắc đến truyền thống hiếu học, ông Vũ Quang Chuẩn (SN 1961, trưởng thôn Ngọc Quan) cho biết: Ở Ngọc Quan, phải nhắc đến dòng họ Vũ, trong đó gia đình cụ Vũ Phú là một trong những gia đình có truyền thống hiếu học đáng nể trọng.
Trong 46 vị khoa bảng được lưu danh thì có đến 43 người mang họ Vũ. “Bắc Ninh dư địa chí” đã nhận xét về dòng họ Vũ bằng 5 từ ngắn gọn “Vọng tộc đất Lương Tài”.
Theo ông Chuẩn, ở làng có rất nhiều người thành danh từ con đường học hành. Họ Nguyễn, họ Đỗ, họ Trần đều là những dòng họ có truyền thống hiếu học. Nhưng dòng họ Vũ (chiếm hơn 46% dân số trong làng) là dòng họ có nhiều người thành đạt nhất, với những tên tuổi nổi tiếng như cụ Vũ Miên, Vũ Trinh, Vũ Ngọc Phan...
Hiện nay, gia đình tiêu biểu truyền thống hiếu học đỗ đạt có gia đình cụ Vũ Phú với 3 tiến sĩ. Trong đó, có tiến sĩ Vũ Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Thuốc lá Việt Nam.
Được biết, thời xưa, cụ Vũ Phú rất nghèo, gia đình chủ yếu làm nghề dạy học, bốc thuốc nhưng không có của ăn của để.
Tuy nhiên, đối với việc học hành của các con, cụ đầu tư hết tâm sức. Bên cạnh đó, cụ luôn dạy dỗ con cái phải nêu cao tấm gương sáng với tinh thần uống nước nhớ nguồn, hết lòng phụng sự cho dòng tộc. Thế nên, con cái cụ, ngoài việc học hành thành đạt, đều trở thành những người hết lòng vì quê hương, đất nước.
Tất cả đầu tư cho học hành
Như trưởng thôn Chuẩn chia sẻ, người dân ở thôn Ngọc Quan hầu hết làm nông nghiệp, thu nhập không cao, nhưng đều có tinh thần hiếu học từ xa xưa.
Các bậc cha mẹ luôn đầu tư cho con em học hành một cách tận tình, dành hết tiền bạc, vật chất mong cho con học hành đỗ đạt.
Mỗi ngày, vào tầm khoảng 19h, loa phóng thanh của làng đều đặn nhắc nhở cha mẹ vặn nhỏ tivi, nhắc nhở các em vào bàn học tập. Việc này cũng đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của làng Ngọc Quan.
“Trong làng không có nhiều nhà cao tầng như các làng khác, nhưng gia đình nào cũng có người đỗ đạt, các bậc cha mẹ khi nói chuyện với nhau, câu mở đầu lúc nào cũng chỉ là con cháu học hành thế nào, chứ không phải việc làm ăn hay công việc”, anh Chuẩn nói.
Được biết, có những năm, 100% con em của làng Ngọc Quan đỗ vào những trường đại học, cao đẳng có tiếng. Các tổ chức, cá nhân như hội khuyến học, hội phụ nữ của thôn đều có những phần thưởng khuyến khích và phát triển khả năng học tập của các em.
Ông Vũ Ngọc Bình - trưởng ban khuyến học dòng họ Vũ, Bí thư thôn Ngọc Quan - cho biết: “Ở Ngọc Quan, tất cả các dòng họ đều có quỹ khuyến học, tiêu biểu như dòng họ Vũ với số tiền lên đến hơn 200 triệu đồng. Hằng năm, các em học hành đỗ đạt đều nhận những phần thưởng lớn. Truyền thống đó được Mặt trận tổ quốc tỉnh, huyện đánh giá rất cao”.
Cũng theo ông Bình, để con cháu phát huy được truyền thống cha ông để lại thì điều đầu tiên là phải giữ được những giá trị văn hóa để con cháu thấy được. Vì vậy, khi nhắc đến làng Ngọc Quan phải nhắc đến đình Ngọc Quan - ngôi đình cổ với khu văn chỉ duy nhất còn sót lại ở tỉnh Bắc Ninh. Đình làng Ngọc Quan được xây dựng cách đây hơn 300 năm, từ thời Hậu Lê.
Ngôi đình với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Trải qua thời gian, đình làng Ngọc Quan bị xuống cấp trầm trọng. Đến năm 2011, đình được gia đình ông Vũ Quốc Hùng (con em của thôn Ngọc Quan) và những người dân trong thôn đóng góp trùng tu, xây dựng lại với số vốn lên đến 10 tỉ đồng.
Trong khuôn viên của văn chỉ làng có nhà thờ Khổng tử. Ở đó có một hộp gỗ lớn được sơn màu đỏ, chính là quỹ khuyến học của thôn. Hằng năm, đến ngày 2.9, chính quyền Ngọc Quan lại tổ chức cho con em thắp hương dâng lên Khổng Tử và các vị khoa bảng được lưu danh nhằm xây dựng cho các em lòng tự hào về quê hương, làng xóm, đồng thời thúc đẩy sự cố gắng của các em trong học tập.
Ngoài ra, làng Ngọc Quan còn có khu nhà thờ của cụ Vũ Miên - Tế tửu Quốc Tử Giám, được coi là người đầu tiên đặt nền móng cho truyền thống hiếu học ở Ngọc Quan.
Hằng năm, cứ vào dịp rằm tháng giêng, Ngọc Quan lại tổ chức hội làng nhằm gắn kết cộng đồng địa phương, với mục đích tri ân những người có công với xã hội, với thôn xóm và nhất là để thế hệ trẻ của làng có cơ hội được học hỏi, tự hào về truyền thống của làng Ngọc Quan.
Cũng theo ông Bình, truyền thống hiếu học ở Ngọc Quan đã được sử sách ghi nhận, tiếp nối truyền thống học tập của ông cha con em Ngọc Quan đã nỗ lực vươn lên, không những đóng góp cho gia đình, quê hương mà còn cống hiến cho đất nước.
Hiện nay, rất nhiều người con của Ngọc Quan làm nghề thầy thuốc, văn nghệ sĩ hoặc các doanh nhân thành đạt. Hầu như nhà nào cũng có con em là sinh viên đại học, cao đẳng học.
“Những người dân ở Ngọc Quan luôn tự hào về truyền thống của quê hương mình. Từ những cháu nhỏ cho đến người già, ai cũng tự nhắc nhở mình về tinh thần hiếu học, để đất Ngọc Quan luôn xứng đáng là “vọng tộc đất Lương Tài”, ông Bình nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.