Làng văn hóa 3.000 tỷ xuống cấp: Bất cập trong việc chọn nhà thầu sửa chữa

Hoàng Anh Tuấn - Thanh Thiên Thứ năm, ngày 06/10/2016 05:58 AM (GMT+7)
Để giải quyết việc xuống cấp trầm trọng tại Làng Văn hoá - Du lịch các Dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) một số gói thầu duy tu, bảo dưỡng đã được triển khai. Tuy nhiên, trong quá trình đấu thầu, Chủ đầu tư lại lộ ra nhiều bất cập.
Bình luận 0

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, khi tham gia mua hồ sơ mời thầu gói thầu XL01 (sửa chữa, duy tu các nhà dân tộc) đã có rất nhiều vấn đề bất cập.

Theo thông tin thì gói thầu này trị giá 4,133 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước do Ban quản lý khu các làng dân tộc đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (địa chỉ: xã Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội) làm chủ đầu tư, bắt đầu phát hành ngày 23.6.2016 đến ngày 6.7.2016 thì mở thầu. Gói thầu này được tư vấn thực hiện bởi Công ty Cổ phần tư vấn kinh tế kỹ thuật xây dựng Việt Nam có địa chỉ tại quận Ba Đình (TP. Hà Nội). 

img

Gói thầu duy tu, bảo dưỡng đã xảy ra bất cập tại dự án Làng văn hóa 3.000 tỷ đang xuống cấp.

Mặc dù yêu cầu của gói thầu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhưng trong hồ sơ mời thầu của gói thầu này lại có những tiêu chí, yêu cầu “trái khoáy”. Trong đó, tiêu chí về tài chính thì nhà thầu phải có doanh thu trung bình trong vòng 3 năm gần đây (2013, 2014, 2015) phải trên 20 tỷ đồng; phải có ít nhất 2 công trình có giá trị trên 3,5 tỷ đồng; kỹ sư phải có trên 7 năm kinh nghiệm…

Như vậy, nếu theo như bài thầu này được chọn thì nhiều doanh nghiệp tham gia đều bị “rớt” bởi quá mâu thuẫn với tiêu chí là dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Và chính vì những tiêu chí “trái khoáy” như thế này nên đa số doanh nghiệp có ý định đấu thầu đều “không có cửa” và chỉ có một doanh nghiệp đã mua hồ sơ là… trúng thầu. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ra các tiêu chí “lệch lạc” này là do phía Chủ đầu tư đã thuê công ty tư vấn yếu năng lực.

img

Nhiều công trình mới được xây dưng đều thông qua đấu thầu.

Sau khi bị dư luận phanh phui sự bất hợp lý này, phía Chủ đầu tư đã thay đổi các tiêu chí nhưng về phía công ty tư vấn thì vẫn giữ nguyên. Theo ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng ban phụ trách Làng văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam, sau khi Chủ đầu tư thay đổi các tiêu chí về lựa chọn nhà thầu thì đã có nhiều doanh nghiệp đến mua hồ sơ để tham gia gói thầu này. Tuy nhiên, điều “bí ẩn” là hàng loạt doanh nghiệp tham gia mua hồ sơ thì có nhiều doanh nghiệp đã “rớt” từ cửa ngoài vì những điều “ất ơ” như kê khai sai thuế, không nộp hồ sơ dự thầu… Còn doanh nghiệp mà có thông tin “đáng nghi ngờ” trước đó sau này lại trúng thầu là Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Minh Hoàng (có địa chỉ ở Mỹ Đức).

Để làm rõ liệu có việc “thông thầu” hay không, phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc phụ trách quản lý làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Chủ đầu tư) nhưng ông Sơn đã từ chối và… chặn máy điện thoại. Còn phía Ban quản lý Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, ông Lâm Văn Khang cũng từ chối việc cung cấp các văn bản liên quan đến doanh nghiệp đã trúng thầu.

img

Ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng ban phụ trách Làng văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam từ chối việc cung cấp các văn bản liên quan đến doanh nghiệp đã trúng thầu cho báo Dân Việt.

Trước biểu hiện bất hợp tác của ông Sơn cũng như việc từ chối cung cấp hồ sơ của đơn vị trúng thầu của ông Khang và những chi tiết đáng “nghi ngờ” trước đó, đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ có sự “thông thầu” hay không? Đó cũng là cách để ngân sách nhà nước được sử dụng đúng mục đích và lựa chọn nhà thầu có năng lực.

Dân Việt tiếp tục thông tin sự việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem