Biến 3 cái khe nước thành ao nuôi 30 tấn cá, làm thêm nghề bóc ván, ông nông dân tỉnh Lào Cai là tỷ phú
Biến 3 cái khe nước thành ao nuôi 30 tấn cá, làm thêm nghề bóc ván, ông nông dân tỉnh Lào Cai là tỷ phú
Văn Chiến
Thứ ba, ngày 25/08/2020 07:09 AM (GMT+7)
Sau nhiều năm ngược xuôi, hết bán cá rồi quay sang buôn trâu, lão nông người Dao, Bàn Văn Long, xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) quyết định ở nhà biến 3 cái khe nước thành ao nuôi cá và mở xưởng ván bóc. Hai nghề này đã giúp ông Bàn Văn Long thành tỷ phú miền sơn cước.
Clip: Ông Bàn Văn Long, dân tộc Dao, xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai thành tỷ phú nhờ nuôi cá và sản xuất gỗ bóc
Muốn giàu nuôi cá
Ngồi đối diện với chúng tôi là người đàn ông vạm vỡ, nước da ngăm đen, tuổi ngoại ngũ tuần. Đó là lão nông người Dao, Bàn Văn Long, thôn 5 (xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với ông là tính quyết đoán, dám nghĩ, dám làm. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Long đã trải qua những tháng ngày gian nan, vất vả. Ông làm đủ thứ nghề để mưu sinh.
Sau khi lập gia đình, ông Long vay mượn mãi mới được chút vốn để làm ăn. Ông khởi nghiệp với nghề buôn cá. Bất kể trời mưa hay nắng, ngày nào cũng "đều như vắt chanh", ông Long dậy từ rất sớm, để đi giao cá cho tiểu thương ở các chợ trong xã và khu vực lân cận.
Thời gian thấm thoát trôi qua, sau hơn 6 năm vất vả với nghề buôn cá, dành dụm được ít vốn, ông Long chuyển sang nghề lái trâu. Phạm vi hoạt động của ông lúc này rộng hơn, xa hơn, chứ không quanh quẩn trong xã, trong huyện nữa.
Ông đi khắp nơi tìm mua trâu, khi đủ số lượng thì vận chuyển về Hà Nội để bán. Rồi ông đưa trâu thịt Nam tiến. Mỗi lần, ông vận chuyển bằng ô tô từ 30 – 32 con trâu vào miền Nam tiêu thụ.
"Làm nghề lái trâu, lời lãi cũng được, nhưng đi nhiều cũng mỏi, tôi quyết định từ bỏ sau gần 10 năm gắn bó. Kiếm được chút vốn kha khá từ nghề lái trâu, tôi với người em mua chung một máy xúc, để xúc đất, đào ao thuê cho người dân trong thôn, trong xã. Có máy xúc trong tay, tôi bắt tay cải tạo 3 cái khe nhỏ mà tôi đã thả cá từ nhiều năm trước, thành 3 ao rộng rãi như bây giờ" – ông Long nhớ lại.
Nhấc bổng bao cám đặt lên yên xe máy, ông Long đưa chúng tôi đi thăm ao cá cách nhà gần 1 km. Đó là cái ao khá rộng, áng chừng hơn 3.000m2.
Xung quanh ao là những đồi cây xanh tốt. Bên bờ ao là chiếc chòi tạm, được dựng bởi 4 cây cột gỗ, vươn ra mặt nước chừng 3m, mái lợp prô xi măng. Đây là nơi ông Long thường xuyên ra cho cá ăn. Chiếc máy bắn cám tự động được lắp đặt ở đó từ nhiều năm nay.
Dường như đã quen với bước chân ông chủ, đàn cá "rủ nhau" bơi đến quanh chòi, nhao nhao lên mặt nước, chực chờ miếng mồi ngon. Đổ bao cám vào thùng máy bắn cám tự động, ông Long đưa tay bật cầu dao. Máy nổ xình xịch, hàng nghìn, hàng vạn viên cám bắn xuống ao, đàn cá cả nghìn con, uốn éo bơi lượn, tranh nhau há miệng đớp mồi.
Mỗi ngày, ông Long cho đàn cá ăn 2 bữa đều đặn vào buổi sáng và buổi chiều. Thức ăn cho cá là loại cám viên chuyên dùng, với nhiều kích cỡ khác nhau. Ngoài 3 ao, với tổng diện tích hơn 1ha nuôi cá thương phẩm, ông Long còn có một ao nhỏ chuyên ươm cá giống.
"Nuôi cá vừa nhàn vừa cho giá trị kinh tế cao. Trước kia, do mải việc làm ăn buôn bán nên tôi chưa chú ý lắm đến ao cá của gia đình. Khi đó, tôi thả cá cho vui thôi, chứ chưa tính đến chuyện làm kinh tế. Gần chục năm trở lại đây, tôi mới dành nhiều thời gian cho ao cá. Mỗi năm tôi nuôi 2 lứa cá, mỗi lứa thả chừng 1,4 vạn con giống...", ông Long kể.
Ông Long chủ yếu thả cá chép và cá rô phi. Muốn cá nhanh lớn thì ngoài việc cho ăn đủ dinh dưỡng thì phải đặc biệt chú ý đến khâu phòng dịch bệnh xảy ra trên đàn cá. Sau mỗi lần thu hoạch, ông tháo cạn ao rồi tiến hành khử trùng ao nuôi bằng vôi bột...
Sống trong môi trường nước sạch sẽ, lại được cho ăn đủ dinh dưỡng, đàn cá sinh trưởng, phát triển tốt, lớn nhanh. Chỉ sau chừng 6 tháng nuôi, trong đó có 2 tháng nuôi trong ao ươm, ông Long đã có cá thịt thương phẩm bán ra thị trường.
Mỗi năm ông Long bán ra thị trường khoảng 30 tấn cá, với giá đổ đồng 35.000 đồng/kg, ông Long thu hơn 1 tỷ đồng. Trừ chi phí, ông còn lãi gần nửa tỷ.
Thu 800 triệu đồng mỗi tháng từ xưởng ván bóc
Không chỉ "ăn nên làm ra" nhờ nuôi thả cá, ông Long còn "phất lên" thành tỷ phú từ sản xuất gỗ bóc xuất khẩu. Ông Long là người đầu tiên ở xã Thượng Hà mở xưởng ván bóc. Năm 2012, nhận thấy nguồn cây trong xã dồi dào, ông Long mạnh dạn vay thêm vốn đầu tư xưởng sản xuất gỗ bóc.
"Phong trào trồng rừng sản xuất ở huyện Bảo Yên nói chung, xã Thượng Hà nói riêng phát triển mạnh mẽ từ nhiều năm trước. Nguồn cây do người dân nơi đây trồng rất lớn nên gặp không ít khó khăn về đầu ra. Thời điểm đó, trên địa bàn xã và những vùng lân cận chưa có xưởng sản xuất gỗ bóc. Khi khai thác, người dân chủ yếu chuyển cây về Yên Bái tiêu thụ. Nhận thấy có thể làm giàu từ sản xuất gỗ bóc, tôi đã quyết định mở xưởng" – ông Long cho hay.
"Đi tắt, đón đầu" trước khi mở xưởng ván bóc, ông Long cử người đi học hỏi kĩ thuật sản xuất gỗ bóc tại xưởng bạn, khi về được làm đội trưởng đội sản xuất. Có thợ giỏi trong tay, ông Long không phải lo về chất lượng sản phẩm ván bóc, mà chỉ lo tìm nguồn nguyên liệu.
Vài năm đầu mở xưởng, ông Long không phải "chạy đôn, chạy đáo" để mua cây. Thấy ông làm ăn được, một số người dân trong xã đã học theo, mở xưởng ván bóc. Có thêm xưởng sản xuất gỗ bóc "mọc lên" trên địa bàn xã, ông Long bắt buộc phải mở rộng phạm vi mua cây gỗ từ các huyện khác trong tỉnh.
Khi thì sang huyện Văn Bàn, lúc lại ngược lên huyện Bát Xát để mua cây, ông Long không bao giờ để xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho công nhân sản xuất.
Xưởng sản xuất gỗ ván bóc của ông Long nằm trên khu đất rộng rãi phía sau nhà. Cạnh xưởng ván bóc là bãi tập kết gỗ ngoài trời. Không khí làm việc tại xưởng ván bóc khá sôi động và nhịp nhàng.
Tiếng máy cắt, máy bóc vỏ, máy bóc ván vang lên liên hồi. Gần chục công nhân sản xuất trong nhà xưởng, mỗi người một việc, làm việc không ngưng nghỉ. Người đưa cây gỗ vào cắt, người xếp ván bóc... tạo thành chuỗi liên hoàn.
"Quy trình sản xuất gỗ ván bóc khá đơn giản. Cây gỗ được cắt thành từng khúc, đảm bảo độ dài theo quy định. Sau đó, những khúc gỗ lần lươt được đưa vào máy bóc vỏ, rồi chuyển sang máy bóc ván. Gỗ ván bóc đẹp hay xấu phụ thuộc chủ yếu vào người điều khiển máy. Những tấm gỗ ván bóc được xếp thành từng chồng, sau đó được chuyển đi phơi chừng một ngày là có thể bán được" – ông Long chia sẻ.
Mỗi tháng, xưởng ván bóc của ông Long cho "ra lò" từ 300m3 đến 400m3 ván bóc. Xưởng nhà ông sản xuất ra tới đâu, thương lái mua hết đến đó. Bán sản phẩm ván bóc cho thương lái với giá 2,4 triệu đồng/m3, mỗi tháng ông Long thu hơn 700 triệu đồng.
Doanh thu từ xưởng ván bóc của ông Long mỗi năm lên đến gần 10 tỷ đồng. Trừ chi phí, mỗi năm ông Long "bỏ túi" hơn 800 triệu đồng từ sản xuất gỗ ván bóc xuất khẩu.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Long còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 8 lao động tại xưởng và 9 hộ dân nhận phơi ván bóc.
Công nhân làm việc tại xưởng ván bóc có mức lương từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng/tháng. Ông Long vinh dự được bình chọn là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.