Lão nông mù 40 năm truyền nghề đờn ca tài tử

Thứ sáu, ngày 01/11/2013 06:33 AM (GMT+7)
Mặc dù khiếm thị từ nhỏ nhưng lão nông Huỳnh Hữu Trí (66 tuổi) ở xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, Tây Ninh vẫn dành phần lớn cuộc đời mình để học hỏi, mài giũa rồi truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ đờn ca tài tử...
Bình luận 0
Cách chơi những nhạc cụ như đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, đàn guitar phím lõm… cùng tình yêu dòng nhạc dân gian độc đáo đờn ca tài tử đã được ông Trí truyền cho hàng ngàn người khác nhau, trong khoảng hơn 40 năm trời. Với ông, đờn ca tài tử chính là nét đẹp của quê hương, gắn liền với văn hóa, nếp sống của quê mình nên cần phải được gìn giữ và phát huy.

Nghệ sĩ nông dân

Hỏi người dân trong ấp, không ai là không biết đến ông Trí mù, bởi nhiều năm qua căn nhà ông luôn bập bùng tiếng đàn, vang vọng lời ca cùng những học trò đến học đàn. Ông Trí cho hay, ông sinh ra và lớn lên ở ấp Long Kim này, năm 7 tuổi thì chẳng may bị tai nạn, trở thành người khiếm thị.

Khoảng năm 12 tuổi, Trí được cha mẹ cho vào ban lễ nhạc của Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh danh tiếng làm công quả. “Dù đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng bù lại, ông trời lại ban cho tôi đôi tai thính nhạy và một tình yêu âm nhạc đến lạ lùng” - ông Trí kể.

Ông Huỳnh Hữu Trí đang tấu một khúc đờn ca.
Ông Huỳnh Hữu Trí đang tấu một khúc đờn ca.

Vừa giúp việc cho những nghệ nhân đi trước, ông Trí vừa cố học những thủ thuật sử dụng đàn và cách chơi đàn cùng những lời ca... Nhờ làm việc chăm chỉ và lòng đam mê không biết mệt mỏi với dòng nhạc dân gian, chẳng bao lâu sau ông có thể sử dụng thành thạo tất cả các loại đàn ca và hát tài tử thuần thục.

Từ năm 16 tuổi, ngoài việc ở nhà đan những vật dụng thông thường như rổ, rá, ghế mây… (xã Long Thành Trung có nghề mây tre đan truyền thống), ông còn dành thời gian hướng dẫn cách sử dụng các loại nhạc cụ của đờn ca tài tử và cách hát những câu vọng cổ truyền thống cho nhiều người khác có cùng niềm đam mê.

Trong nhà ông có một giá trên tường treo rất nhiều loại đàn dân gian như đàn tranh, đàn cò, đàn bầu, đàn guitar phím lõm và đặc biệt là đàn kìm - cây đàn chính trong dàn nhạc đàn ca tài tử. Ông Trí bảo, tất cả những cây đàn này đã gắn bó cùng ông nhiều năm rồi. Ví dụ như cây đàn kìm kia làm bằng gỗ trắc rất quý và đẹp.

Vừa mân mê những dây đàn, vừa nắn nót từng phím, ông trầm ngâm nhớ lại: “Hồi đó tôi còn trẻ, mê đàn nhưng không phải cây đàn nào cũng đủ tiền để mua, vì quá thích nên ngày nào tôi cũng ra tiệm đàn với mong muốn được chạm tay vào cây đàn một lần. Không ngờ, trong những lần ấy, cô con gái của tiệm bán đàn đã để ý và cảm thương tình yêu âm nhạc của tôi”. Sau này, hai người đã vượt qua bao nhiêu mặc cảm và những ngăn cách để đến với nhau, nên duyên vợ chồng.

Tay buồn so mấy phím vui

Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Trí vừa với tay lấy cây đàn kìm trên giá treo xuống, đôi tay gầy guộc run run lần lần từng phím và bắt đầu cất lên những lời ca da diết kể về công ơn cha mẹ, về nghĩa sinh thành. Với những ai từng biết về nghệ thuật hát đờn ca tài tử của người dân Nam Bộ hẳn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi từ những câu nói bình thường nhưng qua lời ca, tiếng đàn của những người nghệ sĩ nông dân ấy lại trở thành những bản nhạc có hồn, có điệu làm say đắm lòng người.

"Mỗi khi cất lên lời ca tiếng hát, bàn tay so phím dây đàn, tôi đều chỉ muốn mang đến cho cuộc đời những bản tình ca vui vẻ, tràn trề nhựa sống mà thôi”.

Ông Huỳnh Hữu Trí

Dừng tay, ông Trí bảo: “Cuộc đời tôi từ lúc bị mất đi đôi mắt đã trải qua không biết bao nhiêu khổ cực, vất vả rồi, vì vậy trong thâm tâm, mỗi khi cất lên lời ca tiếng hát, bàn tay so phím dây đàn đều chỉ muốn mang đến cho cuộc đời những bản tình ca vui vẻ, tràn trề nhựa sống mà thôi”.

Có lẽ, chính vì triết lý sống và đàn như vậy nên suốt trong hơn 40 năm truyền nghề cho những người khác, ông luôn truyền luôn cả lòng đam mê, tình yêu và khát vọng của mình. Với ông, việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật đàn ca dân gian chính là một nét đẹp mà cha ông đã để lại chính là một nghĩa vụ, một định mệnh lớn lao mà ông may mắn là người được lựa chọn.

Hiện nay, ông Trí có 4 người con và hơn 10 đứa cháu. Nghe ông kể chuyện và chơi đàn ca, chúng tôi có cảm nhận rằng, chính cuộc đời với bao nỗi thăng trầm của người nông dân chưa từng học qua bất cứ trường lớp nào kia cũng là một bản đờn ca. Một bản đờn ca tuy có không ít nốt buồn nhưng vẫn tỏa sáng tình yêu đời, yêu người sâu sắc.
Đại Dương (Đại Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem