Do địa hình sinh sống của người Tày ở huyện Lộc Bình chủ yếu là đồi núi, ít đất sản xuất. Vì vậy, khi trong nhà có người mất họ thường đem lên đồi núi để chôn cất nên không thể dùng xe tang chở người mất đi chôn cất như ở thị trấn hay thành phố được.
Chính vì thế, họ đã nghĩ ra chiếc “Lam” được kết lại bằng nhiều cây tre hoặc gỗ để dễ dàng khiêng người quá cố đi lên đồi chôn cất. Không ai trong số những người Tày ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) lễ Khạp lam từ thờì nào, chỉ biết rằng lễ Khạp lam có từ ngày xưa truyền lại và đến ngày nay khi trong làng có người mất thì lễ Khạp lam vẫn được tiến hành.
Khi trong nhà có người mất, chủ nhà thông báo cho “Lèng” (người đứng đầu hội hiếu của làng) biết. Sau đó “lèng” sẽ đánh kẻng (chỉ được đánh lên khi làng có người mất) để thông báo cho người dân trong làng đến gần nhà tang chủ để “khạp lam”. Khi nghe tiếng kẻng mỗi gia đình trong làng cử một thành viên cầm theo cây lam (là cây tre được cạo sạch vỏ) dài từ 5m – 7m đến gần nhà tang chủ để làm chiếc lam. Chiếc lam của người Tày được làm thành 3 hoặc 5 tầng để phân biệt hoàn cảnh của người đã mất. Chiếc lam 3 tầng dành cho những người trẻ tuổi chưa lập gia đình, bố hoặc mẹ vẫn còn sống. Còn chiếc lam 5 tầng dành cho những người lớn đã có vợ con và không còn bố mẹ.
Chiếc lam được buộc lại bằng những sợi dây thừng(loại nhỏ dài khoảng 1m) rất chắc chắn, ở giữa để lại khoảng trống đủ để lọt chiếc quan tài. Mỗi người đến lễ Khạp lam đều thể hiện sự tôn kính, sự tiếc thương cho gia đình vừa có người mất bằng cách nhanh tay cầm 3-4 sợi dây thừng buộc những cây tre lại thành chiếc lam.
Không ai bảo ai, họ hì hục làm đến khi có một chiếc lam hoàn chỉnh. Sau đó “lèng” sẽ đi kiểm tra xem đã đạt yêu cầu hay chưa. Khi công viêc đã xong xuôi, những người đến lễ Khạp lam ai về nhà nấy và đợi khi có tiếng kẻng của “lèng” vang lên mọi người lại đến để đưa người đã mất về nơi an nghỉ cuối cùng. Sau khi đã đưa người mất đến nơi an nghỉ cuối cùng xong, để tránh lãng phí và chặt phá cây mới họ lại lấy “cây lam” về cất chỗ khô ráo để lần sau trong làng có người mất thì dùng tiếp.
Lễ Khạp lam của người Tày ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) thể hiện đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận”, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, tình làng nghĩ xóm của dân tộc Tày nơi đây. Đây là một phong tục đẹp cần tiếp tục được lưu giữ và phát huy.
Hoàng Văn Hương (Hoàng Văn Hương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.