Lễ Đông Sửa của người Thái Đen ở Sơn La tổ chức tại rừng thiêng, vừa cúng lễ vừa đua tài độc đáo

Văn Ngọc Thứ năm, ngày 01/06/2023 13:30 PM (GMT+7)
Chuẩn bị cho một vụ mùa mới, người Thái Đen ở bản Khá, xã Sạp Vạt (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) lại tổ chức Lễ Đông Sửa, cầu mong sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...
Bình luận 0

Clip: Lễ hội Đông Sửa của người Thái đen, cầu mong một mùa màng bội thu.

Đông Sửa – Cầu mong một năm mưa thuận gió hòa

Khi những cánh rừng bắt đầu đâm chồi nảy lộc, những con thú trên rừng qua kỳ ngủ đông bắt đầu ra kiểm ăn, người vùng cao dọn dẹp nương dẫy, chuẩn bị cho một vụ mùa mới... thì cũng là lúc người Thái Đen ở bản Khá, xã Sạp Vạt, huyện Yên Châu chọn ngày lành, tháng tốt để tổ chức Lễ Đông Sửa. Lễ Đông Sửa nhằm cầu mong sức khỏe, một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Theo già làng Quàng Văn Phanh, Bản Khá, xã Sặp Vạt (Yên Châu Sơn La): Yên Châu không chỉ được mệnh danh là vùng đất của "xứ xoài tròn", là quê hương của "những cô gái Thái bắn rơi máy bay Mỹ", là điểm đến như khu di tích lịch sử cách mạng Việt - Lào tại bản Lao Khô,… mà Yên Châu còn có những lễ hội đậm nét văn hóa bản địa như Lễ Đông Sửa của đồng bào Thái Đen. 

Đối với truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái Đen nơi đây, lễ Đông Sửa đã trở thành phong tục, tập quán và là nét đẹp văn hóa truyền thống đáng tự hào được lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Lễ Đông Sửa của người Thái đen, cầu mong một mùa màng bội thu - Ảnh 2.

Lễ hội Đông Sửa của người người Thái ở bản Khá, xã Sạp Vạt (Yên Châu, Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Đồng bào dân tộc Thái luôn coi ông Trời (Pu Then) là vị thần quan trọng có ảnh hưởng và chi phối đến đời sống con người và cộng đồng. Đông Sửa là khu rừng thiêng, nơi để người dân mang lễ tạ ơn Pu Then, các thần linh thổ địa, Pú mường, Pú bản (đây là những người đầu tiên xây dựng nên bản mường) và tổ tiên đã mang đến cuộc sống yên vui no ấm, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho bà con trong bản. Lễ Đông Sửa, còn để người dân bày tỏ lòng thành kính và cũng là để lưu truyền cho con cháu mai sau về nguồn cội tổ tiên, về sự biết ơn đối với cha ông, những người đã khai rừng mở lối lập nên bản hôm nay.

"Lễ hội Đông Sửa có từ xa xưa và được ông bà truyền lại đến ngày nay. Hằng năm chúng tôi tổ chức tại khu rừng thiêng của bản, cầu xin trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt, cầu chúc cho tất cả bà con trong bản đều khỏe mạnh, cuộc sống bình yên, no ấm và hạnh phúc. Lễ hội là dịp để dân bản được tỏ lòng thành kính, biết ơn người khai sinh ra bản và cũng là dịp để bà con nghỉ ngơi, vui xuân sau một năm lao động vất vả" già làng Quàng Văn Phanh nói.

Lễ Đông Sửa của người Thái đen, cầu mong một mùa màng bội thu - Ảnh 3.

Lễ Đông Sửa cuộc sống yên vui no ấm, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu cho bà con trong bản. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo già làng Quàng Văn Phanh, lễ Đông Sửa gồm phần lễ và phần hội đan xen. Các lễ vật dâng cúng gồm lợn, vịt, gà, rượu, gạo nếp, trầu, cau, áo thiêng của chủ rừng. Ngoài ra, mỗi hộ trong bản còn mang đến 1 đôi vòng tay bạc, 1 cuộn vải trắng, vải khít để làm lễ cúng. Khi tiến hành nghi lễ mọi người dân trong bản sẽ tập trung quanh miếu thờ; chủ lễ (ông mo) làm các thủ tục gọi mời các vị thần linh, như: Thần sông, thần núi, thần thổ địa, thần cai quản ruộng nương, bản mường, linh hồn người có công gây dựng bản mường về dự và tiếp nhận các lễ vật do nhân dân trong bản dâng lên, để cầu mong cho bà con trong bản sức khỏe và mùa màng tươi tốt.

Bà Lừ Thị Lửa - bản Khá, xã Sặp Vạt (Yên Châu, Sơn La) chia sẻ: Nghi lễ Đông Sửa có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái chúng tôi. Đến với lễ Đông Sửa chúng tôi mang những cuộn vải trắng, vải khít để làm lễ cúng, khi cúng xong chúng tôi thường để may quần áo cho các thành viên trong gia đình để được may mắn.

Lễ Đông Sửa của người Thái đen, cầu mong một mùa màng bội thu - Ảnh 4.

Các lễ vật dâng cúng tại lễ Đông Sửa gồm lợn, vịt, gà, rượu, gạo nếp, trầu, cau, áo thiêng của chủ rừng. Ảnh: Văn Ngọc

Không gian phần hội nổi bật với các hoạt động là phần thi đan sọt, làm cút piêu, ném còn, thi bắt cá…Bản Khá là một trong số ít bản người Thái còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo của huyện Yên Châu. Cùng với ẩm thực, trang phục độc đáo hay những điệu múa xao xuyến lòng người thì nghề đan lát đến nay vẫn được bà con nơi đây lưu giữ đến ngày nay, tạo nên những nét đặc sắc riêng biệt của vùng đất này. Đồng bào dân tộc nơi đây gắn liền với nông nghiệp, chính vì vậy những sản phẩm đan lát là đồ dùng không thể thiếu trong mỗi gia đình.

Ông Mè Văn Lóng - Bản Khá, xã Sặp Vạt (Yên Châu, Sơn La) chia sẻ: Để hoàn thiện một sản phẩm đan lát bền đẹp phải làm khoảng 1-2 tiếng mới xong. Nguyên liệu để làm là cây tre, cây nứa hoặc cây giang và khi đan thì phải khéo léo uốn nan làm sao được chắc, bền và đẹp. Những chiếc sọt chúng tôi để đựng các đồ sinh hoạt trong gia đình, tôi sẽ truyền dạy cho các con, cháu để lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc.

Lễ Đông Sửa của người Thái đen, cầu mong một mùa màng bội thu - Ảnh 5.

Hoạt động văn hóa tại lễ Đông Sửa. Ảnh: Văn Ngọc

Đông Sửa gìn giữ văn hóa đặc sắc của người Thái

Ông Đào Quang Tố - Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: Lễ hội Đông Sửa là một nét văn hóa cần được bảo tồn, phát huy, để góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Thái trên địa bàn huyện Yên Châu nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung. 

"Làm sao đưa tâm linh vào trong du lịch một cách nhuần nhuyễn, không mang tính chất ma mị, không mang tính chất mê tín mà phải khai thác được nét văn hóa ở trong tâm linh ấy. Qua phong tục này ta có thể vận động, tuyên truyền người dân bảo vệ, giữ được nơi linh thiêng như khu rừng già này. Nét đẹp này không những là di sản văn hóa, nó mang lại lợi ích du lịch, hiệu quả kinh tế cho bà con" - ông Quang Tố nói.

Lễ Đông Sửa của người Thái đen, cầu mong một mùa màng bội thu - Ảnh 6.

Hội thi khăn Piêu lưu giữ vẻ đẹp trang phục của người phụ nữ Thái Đen. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, Ông Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Yên Châu là vùng đất sinh sống của 5 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm đa số. Nét đặc trưng riêng trong phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của mỗi dân tộc đã tạo cho Yên Châu nét văn hóa đa dạng, phong phú, được cộng đồng các dân tộc tham gia gìn giữ, bảo tồn nhiều đời nay.

Để bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống các dân tộc, huyện Yên Châu đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, UBND các xã sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ các giá trị văn hóa dân gian. Rà soát các phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội các dân tộc còn được lưu truyền trên địa bàn để tổ chức phục dựng, như: Lễ hội Cầu mưa, lễ hội Đông Sửa, Hạn Khuống của dân tộc Thái; lễ hội Mương A Ma của dân tộc Sinh Mun; lễ hội Mừng cơm mới của dân tộc Khơ Mú. Trong đó, lễ hội Mương A Ma (lễ cầu sức khỏe) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ Đông Sửa của người Thái đen, cầu mong một mùa màng bội thu - Ảnh 7.

Đan lát đến nay vẫn được bà con ưu giữ, bởi cuộc sống của bà con gắn liền với nông nghiệp, chính vì vậy những sản phẩm đan lát là đồ dùng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Bên cạnh đó, các xã, thị trấn tăng cường hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn. Khuyến khích các nghệ nhân, câu lạc bộ tổ chức truyền dạy dân ca, dân vũ, các điệu xòe truyền thống... Duy trì tốt hoạt động của 182 đội văn nghệ bản, tiểu khu, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ tại cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 câu lạc bộ văn hóa Thái, thành viên là cán bộ nghỉ hưu, người có uy tín, đam mê và yêu văn hóa dân tộc bản địa.

Các câu lạc bộ đã tổ chức truyền dạy chữ Thái, các làn điệu dân ca, dân vũ, xòe Thái; thêu may, dệt thổ cẩm... sưu tầm biên soạn các tác phẩm văn hóa vui tươi, văn hóa tâm linh, các lời răn dạy của người xưa, các bài thuốc cổ, tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc.

Lễ Đông Sửa của người Thái đen, cầu mong một mùa màng bội thu - Ảnh 8.

Lễ hội Đông Sửa là một nét văn hóa được bảo tồn, phát huy, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Thái trên địa bàn huyện Yên Châu (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Lễ hội Đông Sửa là sự kết hợp hài hòa giữa không khí Lễ hội truyền thống đặc sắc cùng các hoạt động văn hóa, ẩm thực, trò chơi dân gian truyền thống, đây là nơi hội tụ, giới thiệu, quảng bá đến du khách và người dân những nét văn hóa bản địa của dân tộc Thái huyện Yên Châu. Lễ hội Đông Sửa diễn ra trên quê hương của "những cô gái Thái Châu Yên bắn rơi máy bay Mỹ" tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách trong hành trình trải nghiệm du lịch qua miền Tây Bắc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem