Lễ Xên bản của Thái ở Nà Nghịu tại Sơn La, xướng báo các vị thần, cầu mưa thuận gió hòa
Lễ Xên bản của Thái ở Nà Nghịu tại Sơn La, xướng báo các vị thần, cầu mưa thuận gió hòa
Nguyễn Vinh
Thứ sáu, ngày 26/05/2023 13:30 PM (GMT+7)
Mùa xuân cũng là lúc bà con vùng cao Tây Bắc, trong đó có người Thái ở xã Nà Nghịu (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) tổ chức các lễ hội xên bản, xên Mường, vui xuân, lễ tạ thần linh, cầu cho năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc...
Clip: Lễ hội Xên bản, ngày hội mang bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái vùng cao
Lễ hội Xên bản (cúng thần bản) của người Thái xã Nà nghịu (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung thường diễn ra vào mùa xuân với mục đích xướng báo các vị thần linh, thần nước, thần núi, thần rừng, thổ địa… về hưởng thụ đồ lễ, thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ đến các vị thần linh đã khai sáng ra bản mường, đồng thời cũng là dịp để cầu xin trời đất phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng xanh tốt, gửi gắm những ước nguyện lớn lao về một cuộc sống bình yên.
Tuỳ vào điều kiện kinh tế mà từng bản sẽ tổ chức lễ hội với quy mô khác nhau. Năm nay, Lễ hội Xên bản được tổ chức tại bản Mé Bon. Đây cũng là lần đầu tiên Bản Mé Bon tổ chức Xên bản nên bà con rất hào hứng và phấn khởi...
Lễ Xên bản gồm 3 bài cúng: Lễ xướng báo Đông Xên, thầy mo báo cáo các thần linh. Xin mời ông khai đất dựng bản, ông phá hoang rừng rậm làm ruộng, xin mời tạo cắm, vía rồng thiêng làm to chức lớn, xin mời các thần đến, mời ngồi chiếu kẻ sọc, mời ngồi chiếu kẻ ngang, vào ngồi mâm cho đủ, xin mời các thần ngồi, xin mời các thần ăn;
Cúng xướng lễ Xên bản, thầy mo mời án nhá cai quản khu vực dưới, án nhá cai quản khu vực trên, trời rộng lớn gói gọn trái đất. Các thần linh cai quản núi, ông thần núi mời các ông lên nhà thiêng mường bản tế lễ;
Lễ tụ hồn cho chủ áo và cả bản, theo quan niệm áo của chủ áo và hồn chủ áo cùng với các hồn người giúp việc mo là thay mặt dân bản đi làm việc lớn, đầy ý nghĩa cho dân bản. Họ hành trình theo ông mo vào cõi thần linh, phục vụ các thần linh trên trời và dưới trần gian. Để cầu may, cầu phúc về cho dân bản, nay công việc đã hoàn thành tốt đẹp trở về nhà thì áo chủ tạo trả lại cho chủ tạo, hồn người nào nhập lại vào hồn người ấy, do vậy phải có lễ nộp áo cho chủ áo và tụ hồn cho cả bản.
Sau lễ cúng, trưởng bản, lãnh đạo huyện, xã được thầy mo buộc một sợi chỉ vào cổ tay. Theo quan niệm của người Thái xã Nà Nghịu (Sông Mã, Sơn La), sợi chỉ này sẽ đem đến sự may mắn, bình an và hạnh phúc...
Ông Hà Đình Lẻ, bản Mé Bon (Nà Nghịu, Sông Mã, Sơn La) là thầy mo cúng lễ Xên bản cho biết: Lễ Xên bản có ý nghĩa rất quan trọng, để thần linh phù hộ không những là cho dân bản mà là cho cả xã, cả huyện, cả tỉnh về sức khoẻ, làm ăn phát đạt.
Cũng theo ông Lẻ, so với trước đây, bây giờ Lễ hội được sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền xã, huyện nên cái gì cũng có và đầy đủ hơn.
Để giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống của dân tộc. Bên cạnh phần lễ Ban tổ chức còn tổ chức các hoạt động hội gồm: thi đan Ép Khẩu, đan Quạt, thi Đính Cút Piêu; thi đấu các môn thể thao truyền thống và các trò chơi dân gian; tổ chức múa xòe và giao lưu văn hóa, văn nghệ... Điều này cho chúng ta thấy được những khía cạnh vô cùng phong phú, đa dạng và sinh động của cộng đồng người dân tộc Thái trên địa bàn. Đồng thời thể hiện sự sáng tạo trong lao động, sản xuất và mang một nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái vùng cao Tây Bắc.
Ông Quàng Văn Noi, bản Mé Bon (xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), thí sinh tham gia thi đan ép khẩu vui mừng chia sẻ: Lần đầu tiên huyện, xã tổ chức lễ Xên bản, Xên mường trong đó có phần thi đan ép khẩu. Thi đan ép khẩu tôi được giải nhất, tôi mong muốn huyện, xã hàng năm tổ chức lễ hội Xên bản như này để tôi và mọi người dân bản, đặc biệt là các cháu nhỏ luôn nhớ và gìn giữ phong tục truyền thống.
Chị Lò Thị Lương, bản Mé Bon (Nà Nghịu, Sông Mã, Sơn La), thí sinh tham gia thi đính cút piêu cho biết: Hôm nay là ngày vui Xên bản, tại lễ hội có phần thi đính cút piêu và tôi có tham gia dự thi, tham dự phần thi này đã giúp tôi học hỏi, trao đổi với các thí sinh khác. Việc làm khăn piêu từ thủa xưa đến bây giờ, người con gái từ tuổi 13 được bố mẹ hướng dẫn thêu khăn piêu, những chiếc khăn piêu sẽ được tặng cho người thân trong gia đình và tặng bố mẹ chồng.
Ngoài ra Ban tổ chức còn tổ chức thi nhiều trò chơi như: bịt mắt bắt vịt, ném còn, bắn nỏ và các hoạt động văn nghệ để tăng thêm không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết tại lễ hội, tạo sân chơi bổ ích thu hút sự tham gia, cổ vũ đông đảo của Nhân dân.
Ông Quàng Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Nà Nghịu (Sông Mã, Sơn La) cho biết: Xên bản có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của cộng đồng người Thái trắng mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa của các dân tộc vùng cao. Trong thời gian tới xã sẽ nhân rộng và tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Để lễ hội lần sau đạt kết quả tốt hơn xã chỉ đạo các bản tổ chức luyện tập.
Lễ hội Xên bản là một ngày hội cộng đồng người Thái, thể hiện nét đẹp văn hoá truyền thống. Qua lễ hội thắt chặt hơn tình đoàn kết trong dòng họ, bản làng, dân tộc, đồng thời lễ hội cũng là dịp để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Thái, góp phần phát triển văn hóa, du lịch và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.