Lễ hội xuân và thói ăn chơi vô lối

P.V (ghi) Thứ tư, ngày 08/02/2017 12:10 PM (GMT+7)
Sáng nay (8.2), Báo điện tử Dân Việt mở cuộc giao lưu trực tuyến "Lễ hội xuân: Mê muội, phản cảm vì đâu?" tại trụ sở Báo Nông Thôn Ngày Nay/Báo điện tử Dân Việt (Hà Nội), với sự tham gia của các khách mời: TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Nguyễn Văn Thọ; bà Ninh Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL.
Bình luận 0

Mùa lễ hội 2017 đã mở màn với hàng loạt hiện tượng phản cảm như cướp lộc ở hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), nhà sư tung lộc phản cảm ở chùa Hương (Hà Nội), rải tiền lẻ lên chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh), xát tiền vào tượng Phật chùa Bái Đính (Ninh Bình)...

Bên cạnh đó còn nhiều hiện tượng khác như xe công đi lễ chùa, chen nhau xin lộc đến ngạt thở, dâng sao giải hạn, đốt vàng mã tốn kém, chặt chém du khách, xả rác mất vệ sinh... hay hủ tục treo cổ trâu trong lễ hội ở Văn Chấn (Yên Bái) diễn ra vào năm 2016 xôn xao cộng đồng mạng.

img

Cảnh cướp giò hoa tre hỗn loạn trước cửa đền tại lễ hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Hồng Phú

Tất cả những "điểm tối" này đã làm nên một bức tranh khá buồn trong mùa lễ hội đầu năm. Tại cuộc giao lưu, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ: "Trước khi vào câu chuyện của chúng ta hôm nay, tôi xin cảm ơn Báo Dân Việt đã cho tôi có cơ hội gặp gỡ đầu xuân với bạn đọc. Qua báo, tôi gửi tới bạn đọc Dân Việt lời chúc một năm mới tốt đẹp. "Tháng Giêng là tháng ăn chơi"  - nói ăn chơi là nói theo ngôn ngữ của các cụ ta trước đây, còn giờ là tháng của lễ hội, tôi chúc các bạn tham gia các lễ hội an toàn, vui vẻ.

Nói đến lễ hội là nói đến vui, các cụ bảo vui như hội, vui như Tết, nhưng thực hội có vui không? Qua báo chí, chúng ta có thể thấy nó không còn là niềm vui tinh khiết, linh thiêng đã có từ ngàn đời của cha ông chúng ta. Rất đáng buồn là nhiều lễ hội của chúng ta đang bị biến thái tạo thành chốn ô hợp để lại nhiều nỗi buồn cho người xem và người tham gia, đặc biệt trong đó có những bạn bè quốc tế. Điều đáng sợ là bạn bè quốc tế sẽ không hiểu chúng ta, sẽ nhìn chúng ta bằng con mắt khác.

Trước đây báo chí truyền hình chưa phát triển như ngày nay chúng ta đỡ thấy nhức nhối hơn. Còn bây giờ thì hầu như mọi việc làm của chúng ta đều phơi ra trước mắt mọi người ở phạm vi toàn cầu. Những hành động cướp ấn, cướp lộc, cướp hoa tre... được phản ánh trên truyền thông, chúng ta kinh hoàng.

Hình ảnh một phụ nữ cướp được lộc, để bảo vệ chị đã ngậm vào trong miệng, biến miệng mình thành cái lô cốt để giữ lộc. Và còn kinh hơn khi có những kẻ bóp mắt chị để phải há miệng ra nhằm cướp lại lộc có biểu tượng có hình đức Phật. Đến với Phật mà lại có những hành động man rợ như thế thì làm sao tới Phật được(?!). Tất cả những thứ đó tạo thành hình ảnh không đẹp và thành nỗi ám ảnh cho người xem. Đặc biệt là bạn bè quốc tế họ không hiểu chúng ta ra làm sao cả".

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết: "Tôi là người Việt, lại là người được đi tới nhiều miền trên thế giới, tham gia khá nhiều lễ hội của nhiều chủng tộc khác ngoài sắc tộc Việt. Tôi thường xuyên trở về nước, được thấy trực tiếp và thấy sự phản ánh lễ hội qua những hình ảnh rất "nóng", tạo cho tôi những cảm xúc khó nói, khó kể và đôi khi không kiềm chế thì nặng lời.

Rất khó để đưa ra sự lý giải về vấn đề còn tồn đọng hướng xấu của xã hội. Với nhãn quan của tôi thì bấy lâu nay chúng ta đã bỏ qua việc tổ chức các lễ hội vì chiến tranh, vì nhiều yếu tố khác, chúng ta tạm dừng một số lễ hội không được thực hiện nhưng quay lại thì không kiểm soát sự thức giấc của lễ hội. Trong đám đông lễ hội, chúng ta đã để cho sự tự phát có tính bản năng chi phối một đám đông không được kiểm soát. Thậm chí để cho bạo lực phát triển. Chúng ta đã nhìn thấy, thậm chí rất đau lòng, khi còn biết tôn trọng giá trị lịch sử rất đáng trân trọng đã từng chìm đắm trong lễ hội.

Theo tôi, cơ quan chức năng là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Bộ Thông tin & Truyền thông cần có những trao đổi, nghiên cứu sâu sắc về lễ hội. Nếu thả lỏng thì chúng ta đang dung nạp cho thói rong chơi vô lối. Chúng tôi là nhà văn thường xuyên quan tâm đời sống người dân, nếu cứ để lễ hội như thế này thì chúng ta không thể che giấu với bạn bè quốc tế. Bạn bè quốc tế sẽ như thế nào nếu họ nhìn thấy con trâu giãy giụa? Tôi thương chính tôi, tôi thương các em các cháu reo hò, cổ vũ cho những hành động như thế".

img

Ông Phan Huy Hà - Phó Tổng biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay/Báo điện tử Dân Việt - tặng hoa cho các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến (từ trái sang): TS Nguyễn Quốc Tuấn, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, bà Ninh Thị Thu Hương, nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Lễ hội do cấp tỉnh quản lý: 332 (4,17%); lễ hội do cấp huyện, quận quản lý: 1930 (24%); lễ hội do cấp xã quản lý 5.517 (69%); lễ hội do thôn, làng, bản, ấp: 187 (2,3%).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem