Liên kết sản xuất, nông dân Quảng Sơn ở Đắk Nông không lo đầu ra, yên tâm về giá
Liên kết sản xuất, nông dân Quảng Sơn ở Đắk Nông không lo đầu ra, yên tâm về giá
Duy Hậu
Thứ tư, ngày 21/09/2022 19:00 PM (GMT+7)
Hàng chục hộ nông dân xã Quảng Sơn, huyện Đắk G'long (tỉnh Đắk Nông) đã liên kết để sản xuất cải thảo. Mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông và Hội Nông dân xã Quảng Sơn phối hợp thực hiện.
Được Hội nông dân xã Quảng Sơn (huyện Đắk G'Long, Đắk Nông) vận động, anh Bế Văn Chiến (xã Quảng Sơn) đã tham gia vào mô hình "Chuỗi liên kết sản xuất rau xanh được cấp Giấy chứng nhận VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm".
Đây là mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông và Hội Nông dân xã Quảng Sơn phối hợp triển khai thực hiện. Các nông dân tham gia sẽ trồng cải thảo theo hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn.
Tham gia vào mô hình, anh Chiến đã được hỗ trợ vốn, giống và cả về kỹ thuật. Nhờ vậy, 5 sào cải thảo của anh Chiến phát triển rất tốt.
"Tham gia vào mô hình, tôi đã có thêm rất nhiều kinh nghiệm. Cách thức sản xuất mới đã giúp tôi mở mang được nhiều thứ. Vui nhất là sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ hết, không còn phải lo đầu ra như trước"- anh Chiến nói.
Cũng như anh Chiến, hàng chục nông dân khác ở xã Quảng Sơn khi tham gia vào mô hình này cũng đã thấy được lợi ích to lớn của việc liên kết sản xuất. "Chúng tôi nắm bắt được nhiều kiến thức, kinh nghiệm hơn. Đặc biệt, giờ đây sản phẩm làm ra không lo bị ế, giá bán lại cao"- một nông dân nói.
Chất lượng, giá trị sản phẩm được nâng tầm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mô hình "Chuỗi liên kết sản xuất rau xanh được cấp Giấy chứng nhận VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm" ở xã Quảng Sơn được triển khai thực hiện vào tháng 5 vừa qua.
Mô hình đã có 36 hộ dân tham gia, canh tác 18ha cải thảo. Tổng nguồn vốn thực hiện mô hình hơn 470 triệu đồng. Trong đó, vốn nhà nước hỗ trợ hơn 365 triệu đồng, số còn lại là vốn đối ứng của nông dân.
Những nông dân tham gia mô hình này cho biết, trước đây, họ sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm. Do đó, sản phẩm làm ra không đồng đều. Và cũng vì thế mà người được, người mất, giá cả hết sức bấp bênh.
Theo ông K'Siêng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Sơn, không chỉ làm ăn manh mún nhỏ lẻ khiến hàng hóa khó tiêu thụ mà người dân sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu nhiều trong quá trình canh tác. Điều này khiến sản phẩm làm ra chất lượng kém. Đây cũng là nguyên nhân khiến sản phẩm của nông dân có giá cả bấp bênh, khó tìm được đầu ra.
Vì vậy, khi được hỗ trợ mô hình trồng cải thảo VietGAP không chỉ người dân mà chính quyền địa phương cũng rất mừng. "Thông qua mô hình, bà con được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng rau củ, biết cách sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học để chăm sóc, phòng trừ sâu hại cho cây trồng...".
"Đặc biệt, từ hiệu quả của mô hình này bà con đã thấy được lợi ích của việc liên kết sản xuất, từ đó hình thành vùng sản xuất rau rộng lớn, đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho doanh nghiệp"- ông K'Siêng nói.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, mô hình trồng cải thảo ở xã Quảng Sơn đạt các chỉ tiêu về kỹ thuật. Trong đó, tỷ lệ sản phẩm đồng đều đạt trên 90%; trọng lượng cải thảo trung bình 700gram/cây.
Tỷ lệ cải thảo loại 1 đạt 70%, loại 2 là 30%; năng suất trung bình hơn 25 tấn/ha/vụ. Với giá bán 7.000đ/kg, trừ chi phí, nông dân lãi hơn 61 triệu đồng/ha/vụ.
Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông nói: "Qua theo dõi, mô hình cải thảo đạt kết quả bước đầu rất khả quan. Mô hình đã giải quyết được vấn đề đầu ra với lượng sản phẩm lớn".
Hiện cải thảo của người dân tham gia mô hình đang bước vào vụ thu hoạch. Toàn bộ các vườn cải thảo đều có chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Nhưng nếu như trước đây, tới mùa thu hoạch nông dân lại đứng ngồi không yên khi không thấy ai hỏi mua thì giờ đây, hàng trăm tấn cải thảo của nông dân đều đã có doanh nghiệp đặt hàng tiêu thụ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.