Liên kết thu mua lúa gạo: Nông dân vẫn bị ép giá

Thứ ba, ngày 21/09/2010 08:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kiểu làm ăn "mua bán hàng chợ" của thời kinh doanh "sơ khai" này đã để lại không ít lo ngại và tranh chấp, thiệt hại cho doanh nghiệp…
Bình luận 0

Tại Hội nghị sơ kết "thí điểm tổ chức hàng xáo liên kết với doanh nghiệp kinh doanh lương thực" vào hôm qua 20-9, VFA cho biết, sau 6 tháng thí điểm mô hình này, chỉ riêng tại các tỉnh - thành khu vực ĐBSCL đã có 15 doanh nghiệp triển khai ký hợp tác với 87 nhà máy xay xát - gia công và hơn 1.400 bạn hàng xáo.

Hình thức liên kết chủ yếu vẫn là doanh nghiệp tập hợp lực lượng hàng xáo thu mua trong khu vực lúa nguyên liệu trên địa bàn kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng phổ biến chủ trương, chính sách ưu đãi và giá cả, thiết lập mạng lưới vệ tinh thu mua lúa gạo gắn với hệ thống thu mua - chế biến của mình...

Theo VFA, trước đó lãnh đạo Hiệp hội này đã triển khai hướng dẫn đối với các doanh nghiệp về những hình thức liên kết được khuyến khích: Ký biên bản thỏa thuận với hàng xáo; ký bản ghi nhớ với hàng xáo về việc mua bán lúa gạo cho doanh nghiệp; ký kết hợp đồng mua bán…

Tuy nhiên, "thỏa thuận miệng" theo kiểu "mua đứt bán đoạn", giao hàng đến đâu trả tiền đến đó... vẫn được các doanh nghiệp ưu tiên chọn lựa (?). Kiểu làm ăn "mua bán hàng chợ" của thời kinh doanh "sơ khai" này đã để lại không ít lo ngại và tranh chấp, thiệt hại cho doanh nghiệp…

Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA, cho biết: "Bạn hàng xáo không thích ghi chép thông tin về người sản xuất lúa hoặc ghi không rõ ràng, không chính xác… Vì thế doanh nghiệp cũng không có cơ sở để kiểm tra khi có thông tin bạn hàng xáo thực hiện sai cam kết!".

Nhiều lãnh đạo ở các tỉnh, thành có sản lượng lúa thị trường lớn ở ĐBSCL, cũng bày tỏ: Quá nhiều bất cập, rối ren trong khâu tổ chức, liên kết lỏng lẻo và thiếu cơ sở kiểm tra, xử lý chế tài… khó tránh nông dân bị bắt chẹt, ép giá.

Theo nhận định của VFA, lúa gạo ở nước ta hiện tập trung vào 2 kênh phân phối chính: Xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Trong đó, kênh xuất khẩu đóng vai trò quyết định cả kênh thị trường trong nước. Điều này đang tạo ra một nghịch lý: Nông dân làm lúa và bán lúa tại ruộng; nhưng hiệu quả lãi lỗ của họ lại bị quyết định bởi những "giao dịch mua bán" của một số ít doanh nghiệp đi "ký kết" với nước ngoài (?).

"Xuất khẩu gạo trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa của nông dân nhưng chưa thật sự gắn với lợi ích của người trồng lúa. Nông dân chỉ chấp nhận giá mua chứ không có điều kiện quyết định giá bán…" - ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng thư ký VFA, nhận xét.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem