Tránh "khoảng mờ nhân sự"

Vương Hà Thứ ba, ngày 06/10/2020 10:20 AM (GMT+7)
Trong nhiệm kỳ khóa XII, gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự. Tại Hội nghị Trung ương 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện công tác nhân sự...".
Bình luận 0

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII  là công tác nhân sự. Đây cũng là một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trong phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý: "...Không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phải bảo đảm dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, minh bạch, kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện công tác nhân sự, gây dư luận không tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân".   

Chúng ta đều hiểu lý do trong nhiều diễn đàn, Tổng Bí thư  thường nhấn mạnh về "không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn" và "kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện công tác nhân sự" trong quá trình chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội XIII. 

Bởi, công tác cán bộ trước đó để lộ không ít "khoảng mờ". Trong nhiệm kỳ khóa XII, có gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, một số trong đó bị xử lý hình sự. Trong số những cán bộ bị kỷ luật này có tới 8 Ủy viên TƯ Đảng đương nhiệm, và 2 Ủy viên Bộ Chính trị.

Điều khiến dư luận quan ngại là, có một số vị dù đã mắc sai phạm trước đó nhưng không được làm rõ nên vẫn được tại vị, thậm chí được thăng chức. Trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và đặc biệt là trường hợp của ông Đinh La Thăng. 

Khi bị khởi tố, dư luận mới bàng hoàng nhận ra, ông Thăng dính vào hàng loạt vụ án nghiêm trọng từ nhiều năm trước, trước khi được bầu vào Bộ Chính trị. Dù rằng, những sai phạm đó, có một số đơn thư tố cáo gay gắt của cán bộ ngay trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Vậy vì đâu mà các đơn thư đó chưa được xác minh kịp thời để sớm ngăn chặn sai phạm của ông Thăng? 

Tránh "khoảng mờ nhân sự" - Ảnh 2.

Cần tránh mọi tiêu cực trong công tác nhân sự. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.

Liên quan đến cách giải quyết đơn thư tố cáo, điển hình nhất có lẽ là điểm nóng ở Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM thời gian qua. Vì sao trong khoảng 15 năm đầu, các đơn thư tố cáo gay gắt, các vụ khiếu kiện đông người đều được các cơ quan chức năng kết luận rằng, nội dung tố cáo không có cơ sở? Trong khi hiện nay, hàng loạt quan chức đã bị kỷ luật, bị xử lý hình sự vì cố tình triển khai sai một số nội dung của dự án này.

Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải ở nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân bị kỷ luật cảnh cáo. Trong đó, đáng chú ý, ông Lê Thanh Hải còn phải chịu trách nhiệm chính khi ở cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM khi trực tiếp ký một số văn bản không đúng với chủ trương của HĐND TP.HCM và quy định của luật Ngân sách năm 2002, luật Xây dựng năm 2003...

Đến lúc đó, dư luận mới chợt giật mình băn khoăn: Vì sao các đơn thư tố cáo của người dân Thủ Thiêm lại bị chính quyền địa phương cho rằng không có cơ sở (?)

Nhắc lại một số vụ việc để chúng ta cùng thấy, việc xử lý cán bộ có dấu hiệu bao che, không nghiêm khắc, giải quyết không thấu đáo đơn thư tố cáo của dân, dẫn đến những cán bộ có sai phạm nghiêm trọng vẫn trúng vào Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục thăng chức và để lại hậu quả nặng nề đối với công tác cán bộ, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng.

Đến thời điểm này, chúng ta mới tiến hành tổ chức Đại hội Đảng bộ với gần 1/3 số tỉnh, thành phố, trong đó, ở một số Đại hội, một số vị ở Ban Chấp hành cũ đã không trúng cử. Đó là điều bình thường và biểu hiện dân chủ trong Đại hội. Nhưng, việc hai Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhiệm kỳ 2015 - 2020 là các ông: Đặng Phan Chung (SN 1971, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Gia Lai) và Nguyễn Văn Quân (SN 1966, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Gia Lai) không trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2020-2025 lại là điều không bình thường. 

Bởi cả hai ông do vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vừa bị kỷ luật cảnh cáo nhưng lại vẫn có tên trong danh sách ứng viên cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới. Ông Đặng Phan Chung đã can thiệp trái luật vào hoạt động của tòa án, liên quan đến vụ án hàng trăm tỷ đồng; còn ông Nguyễn Văn Quân vi phạm nghiêm trọng khi với vai trò là Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai, ông này đã đình chỉ vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 15 tỷ đồng đối với bị can Lê Thị Tường Vân (42 tuổi, TP Pleiku, Gia Lai). 

Từ vụ án này, người ta nhận thấy, ông Nguyễn Văn Quân tuy là người rất hiểu luật nhưng vẫn cố tình vi phạm pháp luật, vậy mà không hiểu sao vẫn được thuyên chuyển sang vị trí mới, rất quan trọng: Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy? Điều này cho thấy, công tác cán bộ ở một số địa phương vẫn còn khoảng trống đáng lo ngại.  

Do đó, riêng với công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có hẳn một bài viết rất sâu với nhan đề "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng". 

Trong bài viết này, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng".

Chính vì vậy, công tác cán bộ được Bộ Chính trị cực kỳ quan tâm: Từ cuối tháng 12/2018 đến tháng 9/2020, Bộ Chính trị đã 4 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với tổng số 227 đồng chí, trong đó gần một nửa là những người được giới thiệu lần đầu. 

Tuy đã phê duyệt rất thận trọng, nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn khẳng định: Sẽ tiếp tục chỉ đạo việc chuẩn bị, xem xét, bổ sung hoàn thiện các phương án về nhân sự, bảo đảm đủ về số lượng, đúng về tiêu chuẩn, chất lượng và hoàn chỉnh các hồ sơ để báo cáo Trung ương xem xét, quyết định thông qua trước khi trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Công tác nhân sự, đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định là khâu then chốt và mắt xích trọng yếu trong hoạt động của Đảng. Vì thế, nếu công tác nhân sự được làm chặt chẽ, minh bạch và bài bản ngay từ đầu, khi bước vào nhiệm kỳ mới, chúng ta sẽ không phải đối mặt với những thách thức, thậm chí là những cản trở đối với sự phát triển của Đảng, của đất nước...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem