Lộn xộn như bánh tráng trộn

Sa Đồng (Thế giới Tiếp thị) Thứ tư, ngày 02/07/2014 10:52 AM (GMT+7)
Từ món bánh tráng trộn muối đơn thuần thuở ban đầu, bánh tráng trộn nay đã được biến tấu nhiều để đáp ứng nhu cầu từ con nít cho tới người lớn. 
Bình luận 0

Tại chợ sỉ bánh tráng trộn

Chợ Bình Tây, hiện được coi là chợ sỉ bánh tráng trộn lớn nhất Sài Gòn. Bánh tráng trộn từ khắp các nơi như Tây Ninh, Long An, Củ Chi… đều tập trung về đây. Chưa kể các sạp trong lồng chợ, chỉ riêng khu vực bên ngoài chợ, từ đường Tháp Mười qua tới đường Nguyễn Hữu Thận đã có gần 30 xe bánh tráng trộn bán suốt ngày đêm.

Ở khu vực đường Lê Quang Sung ở gần đó cũng có gần chục xe bánh tráng trộn khác. Bánh tráng trộn trên đoạn Lê Quang Sung là loại bánh tráng cắt sợi, trộn với khô bò, trứng cút, xoài sống, rau thơm… Còn bánh tráng trộn trước cổng chợ Bình Tây vẫn giữ nét “nguyên thuỷ” hơn vì hầu hết là bánh tráng cuốn sẵn khô bò hoặc con ruốc bên trong, bánh tráng có sẵn gói nước me, sa tế, tắc… để người ăn tự trộn hoặc tự cuốn tuỳ ý.

img Bánh tráng trộn đã trở thành ngành hàng bán sỉ ở chợ Bình Tây. Ảnh: Thu Vân

Chị Hạnh, bán hàng tại khu vực này cho biết, người ăn bánh tráng trộn cũng tuỳ theo độ tuổi. Chẳng hạn như người đã đi làm thích ăn bánh tráng trộn có thêm khô bò, trứng cút, xoài, rau… giá từ 15.000 – 20.000đ/bịch. Còn học sinh nhỏ chỉ thích ăn bánh tráng có muối đơn giản.

Hầu hết các loại bánh tráng trộn tại đây đều được đóng gói trong bao nilông trắng, không hề có nhãn mác thương hiệu, xuất xứ, nguồn gốc… Những người bán bánh tráng tại đây cho biết, hiện nay trên thị trường chỉ có ba thương hiệu bánh tráng trộn là S.N, T.A và V.P. Tại khu vực này, chỉ bán duy nhất bánh tráng trộn hiệu T.A. Sau khi “google” tìm hiểu về ba thương hiệu bánh tráng trộn trên, kết quả chỉ có thương hiệu S.N là có trang web.

Thương hiệu… khó tìm

Trên trang web của S.N, chúng tôi tìm được thông tin về bốn loại bánh tráng trộn sẵn của cơ sở này, bao gồm các thành phần nguyên liệu, chất dinh dưỡng, cách sử dụng… Tuy nhiên, mặc dù là bánh tráng me, tôm, khô bò hoặc sa tế hành đều chỉ có các thành phần chung chung như bánh tráng tươi, đường, muối, hành lá, tỏi, dầu thực vật.

Dựa theo thông tin trên bao bì của thương hiệu T.A, chúng tôi tìm đến đường Huỳnh Tấn Phát, huyện Nhà Bè (TP.HCM) để tìm hiểu. Tuy nhiên, sau khi đã luồn lách hầu hết các con hẻm tại khu vực này và hỏi thăm nhiều người dân nhưng vẫn tìm không ra địa chỉ của cơ sở này. Sau nhiều lần gọi điện vào hai số máy in trên bao bì, cuối cùng có một giọng phụ nữ bắt máy. Chị này hướng dẫn chúng tôi vào một căn nhà trong chợ gần khu vực cầu Phú Xuân 2. Tuy nhiên, khi tìm đến thì nơi đây không phải là địa điểm sản xuất mà chỉ là một cửa hàng tạp hoá bán sỉ bánh tráng trộn cho cơ sở T.A. Theo đó, chúng tôi liên lạc lại với người phụ nữ tên P, được giới thiệu là chủ cơ sở. Tuy nhiên, chị này lấy lý do bận việc gia đình không tiện tiếp chuyện.

Khi hỏi thăm người chủ cửa hàng bán bánh tráng T.A đường đến cơ sở sản xuất, chị này dứt khoát không cho biết nhưng khẳng định đó là địa chỉ thật chứ không phải địa chỉ “ma”. Chị Châu (quận Bình Thạnh) nhận xét: “Loại có thương hiệu chỉ có thêm chút chà bông, các gia vị trộn đều chứ hương vị không hề hơn loại không có thương hiệu”.

Hiện nay, bánh tráng trộn không có thương hiệu có giá từ 1.000 – 1.500đ/bịch, loại có thương hiệu giá đội lên từ 5.000 – 7.000đ/bịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem